Kịch bản tăng giá điện 2017 của EVN: Bổn cũ soạn lại!
Cập nhật lúc 09:15
(Doanh nghiệp) - Vẫn là
các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện như giá than, khí, tỷ giá được
đưa ra để nói về áp lực phải tăng giá điện.
Ngày 3/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm
vụ năm 2017 của EVN, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt
Nam (EVN) cho biết, khả năng chi phí sản xuất điện của EVN sẽ có thể tăng
thêm khoảng 5.000 tỷ đồng trong năm 2017 do giá bán than cho điện tăng 7% từ
cuối tháng 12/2016.
Ông An cho biết, mặc dù năm 2016, doanh thu đạt hơn 264.680 tỷ đồng,
tăng 12,9% so với năm 2015, nhưng năm 2017, EVN sẽ phải đối diện với nhiều
khó khăn có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước hết, do yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên
tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm
biến động tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi
phí môi trường rừng.
Theo dự tính của EVN, với việc giá than tăng khoảng 7% sẽ làm đội chi
phí sản xuất điện lên 4.692 tỷ đồng trong năm 2017, tiếp tục đặt ra nhiều khó
khăn cho Tập đoàn trong việc thu xếp cân đối đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư và
sản xuất.
Bên cạnh đó, sản lượng điện sản xuất của EVN còn hạn chế, mới chỉ
chiếm khoảng 43,5% nên việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc phụ thuộc lớn vào
các nhà máy điện ngoài EVN.
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng năm 2017 sẽ phải điều chỉnh tăng giá
điện để cân đối chi phí cũng như có nguồn vốn để phát triển nguồn và lưới
điện.
Dự báo về giá điện năm 2017, GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện
lực Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam, cho
rằng giá điện năm 2017 sẽ tăng, không thể giảm, bởi vì giá năng lượng trên
thế giới đang có xu hướng tăng, còn tăng lên bao nhiêu thì khó dự đoán vì còn
nhiều yếu tố đầu vào sẽ quyết định giá điện.
Ví dụ than sẽ tăng thêm bao nhiêu, tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Việt
Nam với các loại ngoại tệ mà doanh nghiệp vay để xây dựng các dự án sẽ biến
thiên thế nào... Ngoài ra còn có một yếu tố quyết định khác cho giá điện năm
2017 là tình hình lạm phát trong nước.
Điều đáng nói, cũng giống như năm 2016, các yếu tố tác động đến đầu
vào của ngành điện như giá than, khí, biến động về tỷ giá, điệp khúc bù
lỗ đều là lý do được EVN nêu ra trước áp lực tăng giá điện.
Mặc dù, năm 2016, EVN không kiến nghị tăng giá điện nhưng chính tập
đoàn này không ít lần lưu ý, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 -
13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn và tạo sức ép tăng giá điện
cũng rất lớn.
Thực tế, tính toán của EVN cho biết, năm nay nguồn thủy điện có giá rẻ
nhất thiếu hụt ước khoảng 2,5 tỉ kWh. EVN đã phải liên tục điều chỉnh cơ cấu
sản lượng các loại nguồn điện, trong đó điện giá rẻ chiếm tỷ lệ ít dần đi.
Ngay từ cuối năm 2015, EVN đã phải chạy điện dầu với giá thành cao.
EVN dự tính sản lượng điện thương phẩm năm 2016 sẽ tăng trưởng ít nhất tới
11- 12% so với năm 2015 thì không thể có giá thành điện cung ứng rẻ.
Chưa kể, các tác động do điều chỉnh tỷ giá cũng tác động tới giá thành
sản xuất điện, giá bán than cho sản xuất điện tăng từ năm 2016, tăng giá khí
trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí môi trường rừng…
Thời gian vừa qua, không ít lần EVN có đề xuất tăng giá điện, thay đổi
cách tính giá điện khiến dân tình “nhấp nhổm” không yên. Sau nhiều lần trì
hoãn, đầu năm 2016, EVN có rất nhiều lý do để tăng giá điện thêm một lần nữa.
Năm 2011, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 2 lần. Năm 2012,
giá bán điện bình quân được điều chỉnh 2 lần, mỗi lần tăng thêm 5%. Năm 2013,
giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 5%. Năm 2014, giá điện bình
quân này được giữ ổn định. Năm 2015, giá bán điện tăng một lần.
(Theo
Đất Việt) Ngân
Giang
|
Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét