Điều kiện để có… văn hóa từ
chức!
Cập nhật lúc 08:43
“Từ chức là chuyện văn hóa hơn là chuyện pháp lý, chế tài ở đây
chính là lương tri. Nếu có một văn hoá chính trị dựa trên lương tri thì việc
từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc”- TS. Nguyễn
Sĩ Dũng.
1. Với nhiều
quốc gia trên thế giới, việc xin từ chức của các quan chức, lãnh đạo là điều
rất bình thường.
Có một số lý do
để các quan chức, lãnh đạo trên thế giới xin từ chức như: Bị cáo buộc tham
nhũng, tự thấy năng lực hạn chế, tự thấy có lỗi với dân chúng vì sự vụ nào
đó; do cấp dưới sai phạm hay thậm chí do phát ngôn “lỡ lời”... Từ chức vì thế
được xem là một hành vi, một cách ứng xử có văn hóa vốn đã trở thành thói
quen, nếp nghĩ thường trực của con người ở những quốc gia văn minh, tiến bộ
mà chúng ta hay gọi là “văn hóa từ chức”.
Mới đây nhất,
là trường hợp xin từ chức của Thủ tướng Ý - ông Matteo Renzi và Thủ tướng New
Zealand - ông Jonh Key. Ông Thủ tướng Ý từ chức là vì sự thất bại trong cuộc
trưng cầu dân ý về kế hoạch cải tổ hiến pháp của mình. Còn Thủ tướng New
Zealand từ chức là vì… “lý do gia đình”.
Ngược thời
gian, có thể kể thêm vụ từ chức của Thủ tướng Hàn Quốc, Chung Hong-won vì vụ
chìm phà Sewol, năm 2014. Ông Chung Hong-won khi ấy đã cúi đầu xin lỗi người
dân Hàn Quốc và nói rằng: "Lúc này đây, điều đúng đắn mà tôi cần
làm chính là nhận trách nhiệm cho những gì đã qua và xin từ
chức (…) Tôi chỉ hi vọng nhận được sự tha thứ của người dân Hàn
Quốc và gia đình của các nạn nhân trên phà Sewol. Xin hãy hiểu cho
tôi vì đã không hoàn thành trách nhiệm của mình cho đến phút cuối
cùng" .
Một trường hợp
khác là ông Hakubun Shimomura - Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Nhật Bản xin
từ chức vào năm 2015. Nguyên nhân từ chức của vị Bộ trưởng này có từ việc xây
dựng sân vận động chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 bị chậm tiến độ do thay đổi
thiết kế và chi phí cao hơn dự toán ban đầu. Còn tại tại Brazil, ngày
16/6/2016, ông Henrique Alves - Bộ trưởng Du lịch phải từ chức vì những cáo
buộc có liên quan tới vụ bê bối và tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia
Petrobras…
2. Ở Việt Nam
thời gian quan, khách quan mà nói, không phải không có trường hợp quan chức,
lãnh đạo xin từ chức. Có thể kể ra đây trường hợp ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin từ chức năm 2004. Ông Trần Đăng Tuấn
– Phó giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, xin thôi chức năm 2010. Ở mức độ nào
đó có thể kể thêm trường hợp ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An. Năm
2015, ông Sự xin được nghỉ hưu sớm dù vẫn còn được tín nhiệm.
Tuy vậy, dường
như với vài trường hợp hiếm hoi và lẻ tẻ nêu trên chưa thể làm hài lòng đại
bộ phận dân chúng vì trên thực tế có quá nhiều sự vụ gây bức xúc mà người
đứng đầu đơn vị lẽ ra phải từ chức. Vì lẽ đó mà trong các kỳ họp Quốc hội
không ít lần các vị đại biểu đã mang ra trao đổi, chất vấn.
Báo chí truyền
thông và dư luận xã hội cũng tốn khá nhiều giấy mực cho về vấn đề này. Các
nhà quản lý và chuyên gia văn hóa thì luận bàn tại sao từ chức lại là điều
rất khó và rất xa lạ đối với xã hội này. Thậm chí mới đây, trong phiên
họp thường kỳ của Chính phủ (ngày 28/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải
giao cho Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn Nghị định về“văn hóa từ chức” xem như cơ
sở pháp lý bắt buộc các lãnh đạo từ chức khi cần thiết…
3. Từ chức vốn
là hành vi văn hóa trước hết thuộc về mỗi cá nhân; là sự chủ động, tự giác và
thôi thúc từ bên trong mỗi quan chức biết tự trọng và xấu hổ về năng lực hay
những lỗi lầm, khuyết điểm của bản thân.
Có thể thấy,
trong các trường hợp từ chức ở Việt Nam vừa nêu, nhìn chung dư luận và quần
chúng nhân dân đánh giá rất cao hai ông Trần Đăng Tuấn và ông Nguyễn Sự.
Điều này càng
cho thấy từ chức thật ra không phải là chuyện khó nếu như mỗi quan chức, lãnh
đạo đều được trang bị trước hết là bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm
và sự tận tụy phục vụ nhân dân. Kế đến là trình độ học vấn, sự hiểu biết
chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Sở dĩ các lãnh đạo, chính khách phương Tây
luôn chủ động và mạnh dạn từ chức, rút khỏi chính trường một phần là vì họ có
niềm tin vào bản thân có thể xin việc kiếm sống ở môi trường khác bằng chính
sự hiểu biết của mình.
Thế nên, một xã
hội, một quốc gia muốn có “văn hóa từ chức” điều bắt buộc trước hết là phả có
những người dám tự nguyện …xin từ chức khi còn đương nhiệm. Nói khác đi “văn
hóa từ chức” chính “là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết
thực nhất về một nền chính trị văn minh dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và
bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm huyết và đầy dũng khí.
Trong hoàn cảnh
chưa ai mạnh dạn từ chức dù chưa hoàn thành nhiệm vụ thì việc Chính phủ ban
hành một Nghị định bắt buộc là rất cần thiết. Đây có thể xem là những bước đi
đầu tiên để dần dần hình thành “văn hóa từ chức” đối với mọi phẩm hàm.
Vì nói như TS
Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội là: “Từ chức là chuyện
văn hóa hơn là chuyện pháp lý, chế tài ở đây chính là lương tri. Nếu có một
văn hoá chính trị dựa trên lương tri thì việc từ chức khi không hoàn thành
nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc”.
Với sự quyết
liệt của chính phủ hiện nay, hy vọng rằng văn hóa chính trị dựa trên lương
tri sẽ sớm hình thành.
(Theo
TuanVietNam) Nguyễn Trọng Bình
|
Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét