Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Đi nước ngoài để học hỏi chứ đâu phải ‘tráng men’

 Cập nhật lúc 09:35

Đi nước ngoài mà không hiệu quả thì không chỉ tốn kém về ngân sách mà còn phung phí cả về nhân lực, thời gian,…
“Cần phải có quy định chặt chẽ trong việc sử dụng ngân sách, thậm chí kể cả ngân sách của các dự án hợp tác cho việc đi nước ngoài (bởi có những dự án phải đi vay và con cháu chúng ta phải trả). Quy định chặt chẽ thì mới rèn luyện được ý thức tiết kiệm từng đồng ngân sách như Thủ tướng từng yêu cầu”. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ KH&ĐT, đã nói như thế khi trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM về việc siết lại các chuyến đi công tác nước ngoài không hiệu quả làm tổn hao ngân sách và phung phí thời gian.
Đừng phung phí tiền thuế của dân vô ích
. Phóng viên: Thưa ông, việc đi học tập, nghiên cứu, khảo sát… ở nước ngoài để học tập kinh nghiệm phát triển của các nước là cần thiết chứ?
+ TS Lưu Bích Hồ: Việc đi khảo sát, nghiên cứu, học tập nước ngoài là rất cần thiết. Vấn đề còn lại là hiệu quả của nó.
Ngân sách của chúng ta eo hẹp thì phải sử dụng sao cho có hiệu quả, không tùy tiện được. Nhiều trường hợp thay vì đi nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có thể đến các địa phương, đi đến các doanh nghiệp để học tập. Bởi đi thực tế không phải là đi “tráng men”.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, các chuyến đi tham quan, khảo sát, nghiên cứu phải có mục đích như thế. Chứ không thể đi là đi chơi, phung phí một cách vô ích tiền thuế của dân.
Mà cũng phải thấy rằng chuyện tốn kém về tiền, ngân sách là một chuyện nhưng tốn kém về nhân lực, thời gian… mới là chuyện lớn. Bởi chúng ta cần tập trung nhiều hơn cho những việc cần thiết vì quốc kế dân sinh.
. Ông có từng đi công tác học tập ở nước ngoài không? Và theo ông, như thế nào là một chuyến đi học tập ở nước ngoài hiệu quả?
+ Tôi đã tham gia hàng trăm chuyến đi. Rất bổ ích, học được rất nhiều.
Vào năm 1989-1990, chuyến khảo sát của tổ biên tập báo cáo chiến lược tại Đại hội VII do ông Phan Văn Khải dẫn đầu đã đi bốn nước Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Nội dung của chuyến khảo sát là về kinh tế thị trường, kinh nghiệm của các nước này và gợi ý cho Việt Nam. Chuyến khảo sát do các giáo sư ĐH Harvard tổ chức và hướng dẫn.
Đến bất cứ nước nào, địa điểm nào, nghe ai nói gì, tham quan chỗ nào đều phải ghi chép cẩn thận. Chiều tối, cả đoàn phải ngồi lại với nhau và các giáo sư ĐH Harvard sẽ nhắc lại bài học ngày hôm đó và trao đổi lại để cho rõ vấn đề.
Bởi thế ông Phan Văn Khải đã từng nói: “Những bài học đầu tiên về kinh tế thị trường của tôi là do các giáo sư Harvard dạy”.
Có lần chúng tôi tổ chức cho ông Phan Diễn, lúc đó là chánh Văn phòng Trung ương Đảng cùng đoàn đi Nhật Bản 10 ngày. Ông Phan Diễn đi tham quan, học hỏi khắp nơi, thăm cả nhà nông dân Nhật Bản để học tập. Sau đó ông nhận xét rằng đó là lần đầu tiên ông được nghiên cứu, học hỏi đúng nghĩa.
Đi nước ngoài để học hỏi chứ đâu phải ‘tráng men’
TS Lưu Bích Hồ: Phải siết lại việc cử cán bộ đi nước ngoài.  Ảnh: C.Luận
Phải siết lại việc đi nước ngoài
. Xem xét những vấn đề về nghiên cứu, khảo sát, học tập nước ngoài gần đây, ông có nhận xét gì?
+ Tôi nghĩ rằng cách nghiên cứu, khảo sát, học tập nước ngoài trước đây đã ít nhiều mai một đi.
Trước đây khi đi học tập, nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài thì việc xác định người đi trong đoàn rất chặt chẽ. Phải được chọn lựa tốt và xác định rõ nhiệm vụ cho từng thành viên. Khi đoàn về nước thì mỗi thành viên phải có thu hoạch, viết báo cáo để còn lan tỏa cho người trong nước không đi được.
Nhưng gần đây có vẻ chuyện đi nước ngoài đã không đặt các mục đích cụ thể như vậy. Ví dụ đi sang Trung Quốc, chỉ một chủ đề mà mấy chục đoàn đi. Đáng lẽ chỉ một, hai đoàn đi rồi ghi chép lại, báo cáo, lan tỏa kết quả thì tốt hơn.
. Theo ông, phải làm sao để hạn chế những chuyến đi không cần thiết?
+ Phải quy định chặt chẽ việc này thì mới rèn luyện được ý thức tiết kiệm từng đồng ngân sách như Chính phủ đưa ra. Phải chắt chiu tiền bạc và thời gian để làm việc cho đất nước. Theo đó, trước khi cử một đoàn đi nước ngoài, cần phải thẩm định mục đích của chuyến đi. Nếu thực sự cần thiết thì nên đi. Bởi đi để học, trải nghiệm, tiếp nhận những gì của thực tế mang lại, nhằm tìm tòi những cái mới, bổ sung cho những gì đã có.
. Xin cám ơn ông.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng PHẠM TRỌNG ĐẠT:
Sẽ thanh tra hiệu quả việc cử cán bộ đi nước ngoài
Đi nước ngoài để học hỏi chứ đâu phải ‘tráng men’ - ảnh 2
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc nhiều cơ quan cử cán bộ đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước chưa hiệu quả, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho hay trong năm 2017, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra đối với các bộ, ngành địa phương về việc này. Trong đó sẽ xem xét hiệu quả, kết quả từ việc sử dụng ngân sách đi nước ngoài có thất thoát hay không.
Trên cơ sở đó sẽ có biện pháp siết chặt việc này, đồng thời quy rõ trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan cho cán bộ đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng việc sử dụng ngân sách nhưng không có hiệu quả.
“Chắc chắn theo cách nhìn của tôi đi công tác, học tập, thăm làm việc hiệu quả còn rất thấp còn tiền chi phí quá cao không tương xứng với kết quả mong đợi mà đi hàng tỉ bạc” - ông Đạt khẳng định.
TS NGUYỄN MINH PHONG,  chuyên gia kinh tế:
Không đem lại hiệu quả là rất lãng phí
Đi nước ngoài để học hỏi chứ đâu phải ‘tráng men’ - ảnh 3
Việc đi nước ngoài học tập, nghiên cứu, trao đổi, khảo sát… là rất cần thiết. Bởi lẽ khi đến tận nơi trao đổi, học tập chi tiết thì chúng ta mới hiểu sâu sắc cách làm, cách triển khai vấn đề của các nước để soi rọi vào những gì ta đang làm, áp dụng vào thực tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc đi nước ngoài học tập, nghiên cứu của ta đang bị lạm dụng. Nó không đem lại hiệu quả như mong muốn. Điều này làm lãng phí ngân sách dù là ở bất cứ dạng thức nào. Đó là chưa nói đến những chuyến đi với mục đích khác của việc đi nước ngoài cũng rất khó định lượng: Đó là đi để “thay đổi tư duy”.
Theo tôi, để hạn chế việc lãng phí do đi nước ngoài nghiên cứu, trao đổi, học tập… cần phải siết chặt quy chế, quy định về đi nước ngoài. Trước hết, phải xác định rõ đối tượng đi nghiên cứu, học tập, trao đổi. Không phải cứ quan chức là phải đi nước ngoài học tập, trao đổi. Sau nữa là phải xác định được mục đích, nhiệm vụ của từng chuyến đi. Cuối cùng là sau khi đi về phải có báo cáo, thu hoạch chi tiết. Điều này sẽ làm cho những chuyến đi nước ngoài đạt được kết quả như đã đề ra.
Dĩ nhiên tất cả vấn đề này cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch để việc giám sát có thể thúc đẩy hiệu quả của việc trao đổi, nghiên cứu và khảo sát. Thiếu điều này thì những quy định có thể cũng vô hiệu.
Mới đây, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã yêu cầu: “Rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, lao động và công tác ở nước ngoài”.
Đặng Trung
(Theo Pháp luật TP HCM) CHÂN LUẬN thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét