Báo cáo đẹp là chuyện thường niên,
xin cứu đói là chuyện kinh niên
Cập nhật lúc 14:51
Đừng quên, người nghèo không tự nhiên mất đi, thay vì hiện
diện trong các báo cáo thành tích rực rỡ, họ sẽ được cứu đói bằng
những công văn trong một dịp cuối năm, ít trống, không kèn.
Tháng Chạp ở
Miền Bắc trời lạnh. Những gia đình nông dân ở Bắc Bộ vào mùa
xuống giống chuẩn bị cho vụ xuân.
Nhiều năm gần
đây, chẳng mấy ai còn nhớ giáp Tết, cũng là giáp hạt. Thành thử,
trước khi đôn đáo chạy đi lo cái lễ cái ăn cho đủ ba ngày Tết, có
khối gia đình đã nghe tiếng ống bơ đựng thóc nghiến ken két miệng
sắt vào đáy chum. Những hạt thóc cuối cùng của vụ mùa đã hết,
chỉ còn lại bao thóc giống treo lủng lẳng trên xà nhà đợi ngày ba
sôi hại lạnh để xanh mạ trên sân.
Quá nửa thời
gian sống ở một vùng chiêm trũng, hết mùa là vãn thóc, nên tôi
chẳng lạ gì cảnh những gia đình đợi cho hết ba ngày Tết để vác
rá đi vay gạo một vài hộ khá giả hơn trong xóm.
Và tất nhiên, tôi cũng không quá ngạc nhiên, khi đọc tin:
Tính đến trưa ngày 3/1 năm nay, Cục Bảo trợ xã hội của Bộ Lao động
thương binh xã hội đã nhận được công văn của 12 tỉnh xin hỗ trợ gạo
cứu đói dịp giáp Tết Đinh Dậu.
Thông tin này
cho thấy, nước ta vẫn còn hộ gia đình đói vào những ngày giáp hạt (từ
tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch). Trong dữ liệu của Ngân hàng thế
giới về chỉ số đói nghèo, định chế này, một mặt khẳng định Việt
Nam đã có những bước đi kỳ diệu về giảm nghèo, từ 20.7 phần trăm
dân số năm 2010, xuống còn 13.5% năm 2014. Tuy nhiên ở phần chú thích,
họ cung cấp thông tin, những con số này được trích xuất từ báo cáo
của các cơ quan của Việt Nam.
Cho dù
việc giảm nghèo ở Việt Nam tiếp tục giữ được đà giảm, và giả sử
con số của các địa phương đưa ra là chính xác và khoa học, thì đến
hết năm 2016, Việt Nam vẫn còn xấp xỉ 10% dân số sống trong mức đói
nghèo. 10% của 95 triệu (số liệu của CIA Factbook, tạm tính đến
tháng 7/2016) tức là số dân có thể có nhu cầu hỗ trợ vào ngày
giáp hạt gần bằng số công dân của Thủ đô Hà Nội. Muốn 9,5 triệu
người nghèo có Tết, không phải mang rá đi vay gạo hàng xóm xung quanh,
thì lẽ đương nhiên, chính quyền và đoàn thể phải xin hỗ trợ.
Ông cục
trưởng cục Bảo trợ xã hội, nơi nhận đơn của các địa phương xin cứu
trợ cho biết, số địa phương cần cứu đói, có lẽ chưa dừng lại ở
con số 12. Quả vậy, năm 2015 có tới 16 tỉnh thành xin cứu trợ, năm
nay lũ lụt và hạn hán khắp nơi, lại thêm ô nhiễm biển miền trung,
con số hẳn không dừng lại.
Nếu như việc
cứu đói vào ngày giáp hạt không phải là chuyện lạ, thì mâu thuẫn
giữa những bản báo cáo tổng kết tình hình kinh tế xã hội đẹp
của các địa phương với thực tiễn đói nghèo cũng không phải chuyện
gì mới mẻ.
Lâu nay trên
các diễn đàn từ Quốc hội cho tới các câu chuyện bên bàn trà, chúng ta đã nói
nhiều về những bản báo cáo tô hồng thành tích. Dùng cụm từ “quán
tính báo cáo” quả là không sai. Đến hẹn lại lên, những nội dung và
câu từ hoa mỹ, những chỉ số được đưa ra bằng ý chí, những số liệu
được nhuận sắc bằng thủ pháp kế toán thống kê… Có lẽ vì vậy
trong danh sách 12 địa phương xin cứu trợ có những địa phương vừa được
cổ vũ về thành tích tăng trưởng. Có thể mức tăng trưởng kinh tế xã
hội được họ ghi trong báo cáo là thật, và việc thiếu đói, cần xin
cứu trợ cũng lại là thật. Chúng được chuẩn bị bởi hai bộ phận
khác nhau, và được làm theo “quán tính”.
Đừng quên rằng,
người nghèo, không tự nhiên mất đi, thay vì hiện diện trong các hùng
văn thành tích, họ sẽ được cứu đói bằng những công văn trong một
dịp cuối năm, ít trống, không kèn.
(Theo
TuanVietNam) Lại Trọng Tình
|
Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét