Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Chiết khấu đại lý cao ngất: Xăng dầu "bán lỗ" cho dân?

Cập nhật lúc 19:57

 

(Doanh nghiệp) - Tăng chiết khấu; thu thuế, phí... là cách "móc túi" người tiêu dùng quá thông minh. Người dân biết thiệt cũng không kêu được ai.

Quỹ bình ổn hoạt động thế nào?
Cũng cho rằng, thông tin giá xăng thế giới giảm thì đại lý bán lẻ trong nước lại được tăng chiết khấu hoa hồng lên tới 1000-1.200 đồng/lít là đi ngược với quy luật điều hành hiện nay, PGS.TS Trần Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP.HCM, nói cách làm này không khác nào doanh nghiệp đang “bán lỗ, bán khó” cho người tiêu dùng.

Chiet khau dai ly cao ngat: Xang dau
Quỹ bình ổn đang bình ổn lợi nhuận cho doanh nghiệp

Ông phân tích, về nguyên tắc, khi giá xăng thế giới tăng các doanh nghiệp phải xả quỹ bình ổn nhằm kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước tránh tình trạng giá tăng cao đột biến sẽ ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Nếu nghiêm trọng có thể gây nên cú "sốc" ảnh hưởng tới cả nền kinh tế, chính trị, xã hội.
Về bản chất, quỹ bình ổn là khoản tiền đã được tính vào giá bán xăng, dầu người tiêu dùng phải ứng trước mà không tính lãi suất. Khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến thì xả quỹ để giảm mức tăng giá đột biến như một hình thức trả lại phần tiền ứng trước cho người tiêu dùng.
Nhưng ở Việt Nam đang đi ngược lại, lấy lý do giá xăng thế giới tăng, xăng dầu trong nước sẽ bị lỗ. Vì vậy, khi giá xăng thế giới tăng, lập tức giá xăng trong nước cũng tăng theo. Người tiêu dùng phải mua giá đắt mặc dù vẫn mất tiền đóng vào quỹ bình ổn mà không được hưởng lợi từ quỹ này. Nói một cách chính xác là quỹ bình ổn đã không hoạt động vì người tiêu dùng mà thực chất đang nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Ông cũng không chấp nhận lý do “chậm giảm giá xăng vì độ trễ”. Theo giải thích của vị chuyên gia, điện nước có thể chấp nhận có độ trễ nhất định nhưng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh không phải hàng hóa sản xuất, vì vậy lấy lý do có độ trễ là vô lý. Về nguyên tắc, đã là hàng hóa kinh doanh thì sẽ chạy từ chỗ này tới chỗ kia và chạy rất nhanh nên không thể đổ thừa cho độ trễ. Nếu bị tồn kho, hoặc bị tác động từ biến động giá xăng thế giới phải đặt lại vấn đề quản lý, năng lực của người kinh doanh.
Ngược lại, khi giá xăng thế giới giảm, lẽ thường giá xăng trong nước cũng phải giảm ngay. Trong trường hợp muốn giữ giá trong nước không bị giảm quá sâu, doanh nghiệp kinh doanh phải tăng trích quỹ bình ổn để dự trữ khi giá xăng thế giới tăng đột ngột thì họ lại đi tăng chiết khấu hoa hồng cho đại lý và giữ giá xăng trong nước. PGS.TS Trần Văn Ngãi bức xúc khi một lần nữa, lợi ích của người tiêu dùng đã bị coi thường và chuyển về túi người kinh doanh xăng dầu.
Cái lợi họ đang hưởng là bán được hàng, có thêm doanh thu, tránh bị tồn kho, nhập hàng mới ăn chênh giá lớn hơn, lợi nhiều hơn… đây vốn dĩ đã là lý do không thể chấp nhận được.
Thứ hai, cũng như một câu trả lời rất rõ ràng “tôi không có lợi thì không phải đóng thuế nhé”. Các doanh nghiệp đầu mối đã mượn đại lý để gửi lợi nhuận, trốn tránh trách nhiệm đóng thuế với nhà nước. Với cách điều hành như vậy, ông Ngãi nói thẳng không cần sự tồn tại của quỹ bình ổn. Không thể bắt người dân đi bình ổn cho doanh nghiệp, đó là điều bất hợp lý.
“Xăng tăng hay giảm doanh nghiệp cùng không hề bị ảnh hưởng bởi rủi ro đã được bán hết cho dân. Đây là cách điều hành quá dở”, ông Ngãi nói.
Vị chuyên gia rất ngạc nhiên không hiểu cách thức điều hành hiện nay và không hiểu nó đi theo quy luật nào. Dường như chỉ  quyền lợi của tập đoàn, doanh nghiệp được đảm bảo.
Theo vị chuyên gia, theo thông lệ quốc tế, nếu đứng ngoài thị trường, trước sau cũng bị người dân tẩy chay và phải hứng chịu những thất bại. Đáng tiếc, việc này khó xảy ra ở Việt Nam do điện, nước, xăng dầu lâu nay vẫn là những mặt hàng độc quyền. Người dân không có sự lựa chọn người cung cấp khác nên buộc phải chấp thiệt đơn, thiệt kép. Ông Ngãi cảnh báo, nếu buông lỏng hoặc kiểm soát không chặt, mục đích kinh doanh xăng dầu không đạt được mà cả xã hội, đời sống, kinh tế sẽ phải chịu tác động tiêu cực rất lớn.
 Có xóa bỏ được độc quyền?
Nhìn vào thực tế, PGS.TS Trần Văn Ngãi chỉ ra những bất cập đang hiện hữu trong điều hành, quản lý. Theo thống kê cho biết hiện mỗi người dân đang phải chịu tới 8.000 đồng tiền thuế/1lít xăng, đây là mức thuế quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân cũng như không khuyến khích được nền kinh tế trong nước phát triển.
Hậu quả ở đây mà ông Ngãi nói là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh, tới đời sống người tiêu dùng. Khi nền kinh tế trong nước không được khuyến khích phát triển, đồng nghĩa với một nền kinh tế không đủ sức cạnh tranh và không thể phát triển được.
Vì vậy, ông Ngãi cho rằng để khuyến khích nền kinh tế trong nước phát triển các cơ quan quản lý không nên thu thuế theo nguyên liệu đầu vào hoặc phải giảm thiểu cách thu thuế này. Bù lại thâm hụt cho ngân sách dựa trên những kiểm soát chặt chẽ những loại thuế thu nhập, thuế VAT, thuế đầu ra… như vậy sẽ hiệu quả hơn.
Ông Ngãi đặt câu hỏi: “Phải chăng đánh thuế người dân, là nhắm vào số đông thì dễ dàng chia sẻ rủi ro hơn cả?. Người dân ai cũng biết nhưng họ cũng chỉ biết kêu than, không thay đổi được thực tế”.
Theo vị chuyên gia này, chính sách cần phải thay đổi. Để làm được như vậy, theo ông Ngãi các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần trả lời trung thực được câu hỏi có hay không sự lobby chính sách?; Có hay không lợi ích nhóm trong điều hành giá xăng dầu?. Phải rất dũng cảm mới có thể làm được.
Ông Ngãi nói rằng, cách giải quyết triệt những vấn đề của xăng dầu chỉ còn cách xóa bỏ độc quyền, trả xăng dầu về cho thị trường.
Thị trường xăng dầu được hình thành dựa trên 3 yếu tố là: Người tiêu dùng; người kinh doanh và thị trường xăng dầu thế giới. Trong đó, người kinh doanh bao gồm: Doanh nghiệp đầu mối và đại lý bán lẻ. Ở đây tuy hai nhưng là một.
Nếu thả xăng dầu theo cơ chế thị trường, phải đảm bảo người kinh doanh xăng dầu chỉ là một chứ không thể chia ra làm hai đầu mối như hiện nay. Khi đó, sản phẩm xăng dầu sẽ được nhập về và được phân phối ngay ra thị trường với giá rất cạnh tranh mà không phải thông qua các đại lý bán lẻ nữa.
Tuy nhiên, ông Ngãi lo ngại, nếu không có cơ chế và không tỉnh táo sẽ xuất hiện những đại gia đứng sau thâu tóm, thao túng toàn bộ thị trường, hay còn gọi là độc quyền tư nhân. Như vậy, toàn bộ thị trường giá sẽ bị những đại gia này thao túng, người dân còn thiệt thòi và khổ hơn rất nhiều.
Vì vậy, để hạn chế nguy cơ này, ông Ngãi cho rằng nhà nước cần phải đưa ra chính sách hạn chế quyền và chức năng của doanh nghiệp tư nhân khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này. Có như vậy mới tránh được nguy cơ mới còn nguy hiểm hơn tồn tại cũ.
(Theo Đất Việt) Vũ Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét