Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Tư duy vùng miền đang cản trở phát triển
Cập nhật lúc 09:11 

Việc chia cắt vùng, miền đang diễn ra cực kỳ sâu sắc, phân tán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia trong bối cảnh nguồn lực đang thiếu thốn.

Đây là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tai hội thảo “Liên kết phát triển vùng: từ giác độ quy hoạch vùng và thể chế liên kết vùng” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 26-11.
Báo cáo đề dẫn của CIEM nhận định, các quyết định đầu tư công xuất phát từ “áp lực chính trị”, sử dụng biện pháp “phi thị trường” để phân bổ nguồn lực. Kết cục là hàng loạt cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp, thệ thống đường,… được bố trí rất bất hợp lí.
Trưởng ban Thể chế Kinh tế CIEM Lê Viết Thái nói: “Chúng ta có 63 tỉnh. Do liên kết phát triển vùng không tốt nên 63 tỉnh thường lên trung ương vượt cấp để xin đầu tư, mua sắm tài sản riêng cho tỉnh mình”.
“Ông có sân bay thì tôi phải được tiền để cải thiện đường giao thông”, ông Thái nói.
Để dẫn chứng, ông Thái kể, khi hình thành khu kinh tế Nam Thanh Bắc Nghệ (phía nam tỉnh Thanh Hóa, và bắc Nghệ An), Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất ủng hộ. Nhưng sau, Tỉnh ủy Nghệ An hỏi, sao Nghệ An ta không làm riêng. Lãnh đạo Thanh Hóa cũng chẳng mặn mà.
Cuối cùng thì khu vực Hoàng Mai – Đông Hồi không gắn được với chuỗi phát triển của Nam Thanh, mà gắn với khu Đông Nam của Nghệ An.
“Tôi đưa ví dụ này để thấy chúng ta chia cắt không gian kinh tế theo địa giới hành chính, tạo tâm lí sắm tài sản riêng cho địa phương, tính liên kết vùng bị phá hủy”, ông Thái nói.
Ông Thái nói, các tỉnh thường không chịu trao đổi quyền lợi với nhau. Ông cảnh báo: “Hà Nội bảo thủ đô phải sạch sẽ để đưa rác lên Vĩnh Phúc. Đến ngày nào đó dân chặn không cho nữa, họ bảo, nhà tôi có đổ rác đâu, và đòi Thủ đô phải bù cho tôi cái gì đó.”
Trong khi đó, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM bổ sung thêm: “Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều ôm đồm. Ví dụ, anh làm chủ tịch Thanh Hóa, tôi cũng làm chủ tịch Nghệ An, sao tôi phải liên kết với anh.”
“Lực ta không có nhưng cái gì cũng muốn làm. Một đất nước GDP 200 tỉ đô la Mỹ, dân số là cường quốc chiếm thứ 13, nhưng GDP chỉ chiếm 0,19% của thế giới. Một đất nước không có tiền như thế nhưng cái gì cũng muốn làm. Muốn kinh tế phát triển phải có vùng giàu, vùng nghèo, nhưng địa phương nào cũng muốn làm. Tiền đâu làm làm?”.
“Việt Nam không có văn hóa liên kết. Tư duy đơn vị hành chính cực mạnh khi lúc nào cũng chỉ nêu làng ta, huyện ta, tỉnh ta. Chúng ta hội nhập, đi theo kinh tế thị trường mà tư duy như thế không thay đổi được”.
Theo TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét