Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

“Phương Tây đang tìm cách lật đổ Tổng thống Putin”

 Cập nhật lúc 20:36

(VnMedia) - Mục tiêu tối cao của những biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga là để kích động làn sóng biểu tình trong nước và lật đổ chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua (22/11) đã cáo buộc như vậy.     


  Ngoại trưởng Lavrov

“Giới lãnh đạo phương Tây đã công khai nói rằng, các biện pháp trừng phạt phải làm tổn thương nền kinh tế Nga và gây ra những cuộc biểu tình rộng khắp trong dân chúng. Phương Tây không muốn thay đổi chính sách của Nga. Họ muốn thay đổi chính quyền. Trên thực tế, chẳng ai phủ nhận điều đó”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã phát biểu như vậy trước một nhóm chuyên gia cố vấn cấp cao hàng đầu ở thủ đô Moscow.
 
Theo ông Lavrov, khi các biện pháp trừng phạt được đưa ra để chống lại các nước như Iran và Triều Tiên, chúng đều được thiết kế để sao không làm phương hại đến nền kinh tế của nước đó.
 
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã tích tụ trong nhiều năm trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên và bây giờ người Châu Âu mới quyết định dốc toàn lực đấu với Nga, khiến Nga phải khuất phục. Ít nhất là lập trường của họ đã được thể hiện rõ, ông Lavrov cho biết.
 
Những phát biểu mới nhất trên của ông Lavrov đã làm nóng lên hơn nữa cuộc khẩu chiến giữa Nga với Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) khi cuộc đối đầu Đông-Tây đang ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Quan điểm của ông Lavrov trùng với lập trường mà Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện trước đó. Hôm 20/11, ông Putin đã nói rằng, Moscow cần phải cảnh giác để chống lại một “cuộc cách mạng màu ở Nga”, ám chỉ đến những cuộc biểu tình lật đổ hàng loạt các nhà lãnh đạo ở những nước cựu Xô-viết trước đây.
 
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây hiện nay đang hạn chế khả năng tiếp cận vào nguồn vốn nước ngoài của những tập đoàn và ngân hàng lớn nhất của Nga, đánh vào nền công nghiệp năng lượng và quốc phòng, cũng như phong tỏa tài sản và cấm đi lại ở Châu Âu với một số đồng minh của Tổng thống Putin.
 
Loạt đòn trừng phạt nói trên đã gây tổn thương đến nền kinh tế Nga trong bối cảnh nền kinh tế này đang gánh ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm giá xăng dầu mạnh mẽ của thế giới.
 
“Châu Âu mờ mắt vì hệ tư tưởng”
 
Nga và Liên minh Châu Âu (EU) đang đối mặt với giờ khắc quyết định trong vấn đề về Ukraine, Ngoại trưởng Lavrov cho hay đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow sẽ không phải là nước phá vỡ mối quan hệ với Châu Âu. Tuy nhiên, Nga sẽ không đơn giản quay trở lại những gì đã tồn tại trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, ông Lavrov cứng rắn cho hay.
 
“EU là đối tác lớn nhất của chúng tôi", Ngoại trưởng Lavrov cho hay. "Không ai lại tự bắn vào chân mình và từ chối hợp tác với Châu Âu nhưng tất cả mọi người đều hiểu rằng mọi việc sẽ chẳng còn được như trước nữa”, ông Lavrov nói thêm.
 
“Tuy nhiên, chúng tôi không cần kiểu mối quan hệ mà chúng ta đang có. Kiểu mối quan hệ đòi hỏi ‘Nga phải làm việc này và phải làm việc kia’. Chúng tôi muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng”, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
 
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của nước Nga, tình trạng leo thang căng thẳng trong mối quan hệ Nga-EU hiện nay là do “thiểu số hung hăng, hiếu chiến” trong các nước thành viên EU. Những nước đó đang theo đuổi việc tranh giành quyền lực dựa trên tư tưởng, ý thức hệ ở khu vực Đông Âu, trong đó có Ukraine, thay vì tập trung vào những vấn đề nghiêm trọng mà Châu Âu đang phải đối mặt vì tình trạng hỗn loạn trên khắp vùng Địa Trung Hải ở Bắc Phi và Trung Đông.
 
“Việc truyền bá, áp đặt bất kỳ hệ tư tưởng nào, dù đó là dân chủ hay cộng sản hay bất kỳ loại nào, cũng sẽ chẳng có ích lợi gì”, ông Lavrov cảnh báo.
 
Hệ tư tưởng đã khiến người Châu Âu mờ mắt trong một số vấn đề mà Nga tin là cần phải được giải quyết, ông Lavrov cho hay. Ví dụ như, giới chức EU đang miễn cưỡng nói về tình trạng ngược đãi người Cơ đốc giáo của các chiến binh Hồi giáo ở Iraq, Syria hoặc những nơi khác bởi họ sợ rằng điều đó có thể là một sai lầm về chính trị. Trong khi đó, tình trạng bài người Cơ đốc giáo đang gia tăng trên thế giới.
 
“Hầu hết các nước thành viên EU tránh bàn luận về vấn đề trên. Họ xấu  hổ khi phải nói về điều đó giống như họ xấu hổ khi đưa cụm từ thừa nhận nguồn gốc Cơ đốc giáo của Châu Âu vào Hiến pháp của Châu Âu. Nếu bạn không nhớ và không tôn trọng nguồn gốc, truyền thống của mình thì làm sao bạn có thể tôn trọng truyền thống của các dân tộc khác”, ông Lavrov gay gắt nói.
 
Kịch liệt lên án hành động bá quyền của Mỹ
 
Ông Lavrov cũng lên án Mỹ về việc tiếp tục đòi vị trí bá chủ thế giới vào thời điểm khi mà cả các nguồn lực và kỹ năng lãnh đạo của nước này đều đang sụt giảm.
 
Theo Ngoại trưởng Lavrov, trong khi một số người coi sự phản đối của Nga đối với hành động bá quyền của Mỹ là sự bài Mỹ thì thực chất điều đó lại không phải như vậy. “Đây không phải là sự bài Mỹ hay là hành động thành lập một liên minh chống Mỹ. Đó là một mong muốn rất tự nhiên về việc tăng số lượng quốc gia có thể đảm bảo được các lợi ích then chốt của họ và làm mọi thứ theo cách họ thấy đúng chứ không phải theo cách họ bị một lực lượng ở bên ngoài bắt phải làm như vậy”, ông Lavrov thẳng thừng cho biết.
 
Nếu Mỹ theo đuổi vai trò lãnh đạo không phải trên quan niệm sai lầm rằng Chúa giao trọng trách chịu trách nhiệm về tất cả mọi người cho Mỹ mà trên cơ sở phát triển kỹ năng để tìm kiếm sự đồng thuận thì Moscow sẽ là nước đầu tiên ủng hộ Washington, ông Lavrov tuyên bố. Tuy nhiên, hiện tại, Washington đang dọa dẫm các nước khác để bắt họ đi theo mình và rất ít nước dám phản đối công khai vì sợ bị trả thù. Họ chỉ dám phàn nàn riêng với nhau về điều đó, Ngoại trưởng Nga đã nói như vậy. Trên thực tế, Mỹ từng thừa nhận phải ép EU để liên minh này ra đòn trừng phạt Nga.
(Theo VnMedia) Vân Linh tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét