Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Sau vụ thanh toán sổ tiết kiệm trị giá 2 chỉ vàng được trả 4.385 đ, Vietinbank bị ném đá tơi bời

Cập nhật lúc 09:49   
             
(Kiến Thức) - Việc số tiền gửi tiết kiệm suốt 30 năm của bà Thủy nay chỉ được Vietinbank thanh toán cả gốc lẫn lãi 4.385 đồng... làm cộng đồng mạng sôi lên. 

Sau khi báo chí đưa tin về vụ Sổ tiết kiệm bốc hơi sau 30 năm, mới đây phía Ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank đã xác nhận về lãi suất của số tiền 270 đồng mà khách hàng Lê Thị Bích Thủy gửi từ năm 1983. Tổng cộng cả gốc lẫn lãi đến ngày 30/11/2014 được tính là 4.385 đồng. 
Theo đại diện VietinBank, số tiền này dựa trên cách tính tiền gốc và lãi suất theo từng thời kỳ. Số tiền gốc được đổi theo tỷ lệ quy định tại từng thời kỳ theo thông tư 08-NH/TT của NH Nhà nước, còn tiền lãi được hưởng theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm của NH trong từng thời kỳ theo quy định của Nhà nước. Hôm qua, bà Thủy, chủ nhân của số tiền trên, sau khi nhận được thông báo xác nhận của ngân hàng cũng đã quyết định đến để làm thủ tục mặc dù tiền lãi mà bà nhận được chẳng đủ mua 2 cốc trà đá.
Dư luận lập tức có phản ứng về vụ việc kỳ lạ này, đa số rất thắc mắc về cách giải quyết, tính lãi suất của Vietinbank. Nhiều người tìm về quá khứ, tính giá trị thật của 270 đồng thời điểm năm 1983 để biết được nó tương với khoảng bao nhiêu tiền ở hiện tại và phát hiện ra bà Thủy đã phải chịu thiệt rất nhiều.
Nhiều bạn đọc muốn quy đổi chính xác giá trị của 270 đồng thời điểm năm 1983, muốn ngân hàng trả lãi đúng để bà Thủy không phải chịu thiệt.
Độc giả T.An gửi bình luận trên một trang báo mạng: “270 đồng năm 1983 tương đương với 3 tháng lương của một ông lãnh đạo phòng cấp sở ngành lúc bấy giờ. Chỉ tính tương đương với 3 tháng lương của lãnh đạo phòng hiện nay thì số tiền ấy khoảng 20 triệu đồng hiện tại. Rõ ràng ngân hàng chỉ tính lãi suất một cách máy móc mà không tính trượt giá làm cho người dân quá thiệt”. 
Độc giả Vũ Hoàng Nam cũng cùng quan điểm: “Hết chỗ nói, kỹ sư năm 1983 ra trường lương có 63 đồng thôi. Số tiền 270 đồng năm đó bằng bốn tháng lương kỹ sư đấy. Vậy sau hơn 30 năm gửi tiết kiệm còn lại chưa được hai cốc trà đá”. 
Độc giam Nam Cuong còn đề xuất một cách trả tiền lãi như sau: “Ngân hàng vừa phải thôi. Cho người dân sống với. Hơn 4.000 đồng để làm gì? Phải quy ra 4.000 đồng với lúc ấy mới phải chứ?”.

 Cư dân mạng nhiều người khuyên bà Thủy nên giữ hai cuốn sổ tiết kiệm lại để làm... kỷ niệm/.
Trên fanpage TCCL, cư dân mạng tranh luận rôm rả về việc liệu ngân hàng đã làm đúng hay sai và bà Thủy có nên nhận lại số tiền đó rồi cho qua chuyện hay tiếp tục làm cho ra nhẽ. Nickname Lê Vương viết: “Tôi có sáng kiến như thế này: Đem đấu giá cuốn sổ tiết kiệm này. Tiền thu được sau khi đấu giá sẽ gửi cho bà Thuỷ". 
Nickname Trung Trí đóng góp ý kiến: “Đầu tiên, xin chia buồn với Bà Bích Thủy. Chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt. Tuy vậy, cần kiểm tra lại bài toán 270 đồng thành 4.385 đồng. Xin có lời đề nghị: quí vị nào biết rõ lãi suất tiền gửi, nghiệp vụ ngân hàng qua các thời kỳ, tính dùm xem ngân hàng tính đúng không? Vị nào là chuyên gia kinh tế, cho thêm ý kiến. Nếu cần trợ giúp bà, có thể nên đấu giá sớm mua lại sổ tiết kiệm này. Cám ơn”.

 Một bộ phận cư dân mạng lại tỏ ra khá gay gắt với cách giải quyết trả lãi của Vietinbank. 
Với một số người khác, việc bà Thủy kiên trì giữ lại sổ tiết kiệm, các loại giấy tờ còn như một hành động rất đáng khen ngợi. Nickname Trần Cao Thắng bình luận trên Vitalk: “Theo tôi, trường hợp này nên được đưa vào người có công xây dựng đất nước. Bố tôi trước mua công trái, về ép treo khung kính làm kỷ niệm. Bán thóc đi hàng tấn để mua công trái, lúc lấy lại đổi ra chưa được ba kg gạo nhưng ông vẫn vui. Cái quan trọng, làm sao cho người ta thỏa đáng với công họ bỏ ra, bên cạnh đó còn tạo niềm tin và sự công bằng, không nên cứng nhắc quá”.
(Theo Kiến thức)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét