Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Biên soạn chương trình SGK mới: Nhóm mới, lợi ích cũ 
Cập nhật lúc 19:58

Dù Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, cá nhân, nhóm trong viết SGK, sẽ không "vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong thẩm định SGK, song những tuyên bố đó chưa tạo được lòng tin cho xã hội là vì sao? Vì tư duy làm chương trình, SGK của Bộ chưa có gì mới. 


Có cho học sinh những bộ SGK chính xác và khoa học vẫn là khát vọng

Thiếu bình đẳng, không công bằng 

ĐBQH Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho rằng Bộ GD&ĐT tổ chức một đội ngũ cán bộ để biên soạn một bộ SGK là cần thiết, bởi Bộ là người quản lý và là cơ quan chủ quản về mặt giáo dục. Nhưng, "chúng tôi thấy điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia việc thực hiện các bộ SGK ấy là không cụ thể và không rõ ràng”, ông Mạnh nói. 

Cái không rõ ràng ở đây, nếu không muốn gọi là tù mù, là Đề án Bộ trình ra dành hẳn 321,6 tỷ đồng để biên soạn một bộ SGK song thẩm định đến 4 bộ SGK. Vậy 3 bộ SGK không do Bộ tổ chức biên soạn sẽ dùng kinh phí nào, cụ thể ra sao, khi chính Bộ trưởng thừa nhận biên soạn CT SGK là công việc khó khăn, tỉ mỉ. "Chúng tôi nghĩ rằng điều kiện tham gia của các tổ chức, cá nhân được Bộ mời tham gia biên soạn cũng phải tương tự như những điều kiện mà Bộ dành cho các cơ quan và tổ chức khác”, ông Mạnh đề nghị.

Lý giải sự mất bình đẳng, không công bằng nhỡn tiền, người đứng đầu ngành giáo dục viện tới "các giải pháp kỹ thuật” để đảm bảo và cho rằng, cần cân nhắc kỹ chứ không chỉ căn cứ vào sự bình đẳng về kinh tế. Cử tri có quyền đặt vấn đề ngược lại, tại sao việc "viết chay” (không sử dụng ngân sách) lại không thuộc về nhóm biên soạn SGK do Bộ đứng ra tổ chức, nếu quả thực Bộ đã có các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo công bằng? Các giải pháp kỹ thuật đó cần công khai mới tạo được lòng tin cho các nhóm viết SGK và xã hội.

Một câu hỏi khác đặt ra: Căn cứ nào để Bộ GD&ĐT dám chắc bộ SGK do Bộ đứng ra tổ chức biên soạn để chủ động triển khai CT mới sẽ đáp ứng yêu cầu xã hội, khắc phục được những thảm họa của SGK hiện nay? Đâu là căn cứ để xã hội tin nhóm biên soạn SGK do Bộ tổ chức tài năng thật, xứng đáng "ăn tiền” ngân sách hơn các nhóm khác?

Bộ trưởng cho rằng việc này đã có một hội đồng thẩm định đánh giá gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia không tham gia viết sách, hoạt động theo một quy chế riêng, đảm bảo tính độc lập và khách quan. Song đây điển hình là lối tư duy cũ, khi CT SGK hiện hành (CT-2000), chỉ một thời gian ngắn cuốn chiếu xong và chính thức dùng (năm 2004) đã quá tải, lạc hậu và "vô bổ”, phải giảm tải chữa cháy liên tục không xong, nay phải làm lại - cũng từng được Bộ GD&ĐT huy động lực lượng "tinh hoa” trong ngành giáo dục tham gia viết và thẩm định!

Thực tiễn các lần làm sách trước đây liệu có gì đáng để Bộ trưởng tự hào, tự tin có kinh nghiệm? 

Thẩm định SGK bằng tư duy cũ

Trao đổi với Đại Đoàn kết, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng trận đánh lớn giáo dục cần mở màn bằng nhiều trận đánh trong cái đầu những nhà tổ chức. Trận đánh lớn không lệ thuộc vào cách "cuốn chiếu” hoặc cách "làm nhanh” ...,  nếu cả hai cách đều sai.

Song những bài học kinh nghiệm với ít nhiều "cay đắng” của lần làm CT SGK 2000 đã không được Bộ GD&ĐT sửa sai ở Đề án mới. Một số đường hướng cốt tử cần đột phá khi làm CT SGK mới cũng không được Bộ đề cập. Đó là CT SGK hiện hành rất thiếu bản sắc vùng miền, không đảm bảo khung CT đạt chuẩn khu vực và hội nhập quốc tế. 

Đặc biệt, đó là việc thẩm định CT SGK, một việc tối quan trọng lại vẫn chỉ giao cho hội đồng "trên trời” kiểu cũ, thay vì Bộ khẳng định CT giáo dục phổ thông sẽ công bố lên mạng rộng rãi, cho chính đội ngũ giáo viên, học sinh, chuyên gia, cha mẹ học sinh và xã hội nói chung góp ý đánh giá. Người dạy, người học mới chính là Hội đồng thẩm định "tối cao”, bên cạnh ý kiến của Hội đồng chuyên gia độc lập như Bộ vẫn tổ chức lâu nay. 

"Hãy mở ngay một diễn đàn trên mạng Internet để các nhóm tác giả công bố quan điểm giáo dục, CT giáo dục, cùng bộ SGK của họ”, ông Phạm Toàn đề nghị.. 

Với cách đó, từng nhóm sẽ trình ra cho xã hội những bộ chương trình mang quan điểm giáo dục của mình cùng những bộ SGK mang giải pháp nghiệp vụ sư phạm tổ chức trẻ em tự làm ra – sản xuất ra năng lực của chính các em. "Trên diễn đàn mạng này, sẽ có những nhà thẩm định đủ kiểu, chứ không chỉ có những thành viên xuất thân từ cái cũ, không làm ra nổi một mảnh của cái mới, nhưng lại được quyền đứng ra thẩm định cái mới”, nhà giáo Phạm Toàn nói.

Thẩm định không gắn với trách nhiệm?

Chính vì gốc trách nhiệm thẩm định lâu nay Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức không gắn với cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm, nên rất nhiều sai sót sau đó trên SGK không quy ra trách nhiệm cụ thể được người biên soạn hay người thẩm định. Như SGK Ngữ văn 8 tập hai, NXB Giáo dục phát hành tháng 5 năm 2004 có không ít sai sót, tuy nhỏ và dù đã được báo chí "nhắc” từ tháng 8-2004, nhưng đến nay cuốn phát hành 2014 vẫn thấy y nguyên những lỗi đó!

Cũng do không thoát khỏi tư duy "lợi ích nhóm”, theo nghĩa chỉ một nhóm "tinh hoa” tiêu tốn tiền bạc Nhà nước, thẩm định theo tiêu chí của nhóm đó, nên cũng chỉ một nhóm học sinh theo nổi CT SGK hiện hành. Đó là chưa kể nhiều cuốn SGK quá nặng nề, số liệu lạc hậu, có nhiều lỗi sai nhưng gần 10 năm nay tái bản chứ không sửa. 

Một số địa phương như TP.HCM vì thế từ 2011 đã thí điểm đưa vào sử dụng SGK vật lý do Sở biên soạn cho lớp 6 bậc THCS và đã mở rộng đến khối lớp 8 năm ngoái. Năm nay TP tiếp tục sử dụng SGK môn toán lớp 6 theo hướng tích hợp, mang tính thực tiễn và ứng dụng, nhất là ứng dụng về kinh tế. Dù sử dụng như sách tham khảo nhưng giáo viên, học sinh rất thích thú.

Chưa có CT khung, SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn cũng chưa thẩm định qua giáo viên, học sinh các trình độ, vùng núi nông thôn khác xa đô thị, Bộ GD&ĐT chưa nên mặc định quyền hưởng tiền ngân sách chỉ thuộc về "đội nhà” biên soạn SGK! 
(Theo Đại đoàn kết) Thanh Như

* Một phụ huynh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội):
Sử lớp 9 hỏi "Quá trình khủng hoảng, sụp đổ của chế độ XHCN ở các nước Đông Âu”... 

SGK ở các quốc gia có tính ứng dụng rất cao, còn ở ta đến những con số cũng quá chừng cổ lỗ, thậm chí vô giá trị và chỉ làm khổ bộ nhớ học sinh. Môn sử là một điển hình.

Giở cuốn SGK lịch sử lớp 9 hiện nay ra, sẽ rất khó hiểu vì sao trong 34 bài lại có tới 13 bài (phần một) là lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 đến nay, trong đó 2 bài (chương I) là "Liên Xô và các nước Đông Âu sau chiến tranh thế giới thứ 2” và 4 chương còn lại của phần này là các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh, Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu từ 1945 đến nay… Trong 2 bài đầu Chương I có những câu hỏi quá sức, như "Hãy nêu những thành tựu chủ yếu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX”, "Quá trình khủng hoảng và sụp đổ của chế độ XHCN ở các nước Đông Âu đã diễn ra thế nào?”… 

Chúng tôi quả thực không hiểu lý do những người làm chương trình, soạn SGK sao phải nhồi nhét kiến thức đó cho học sinh lớp 9 ngay vào đầu năm học mới như vậy làm gì? Con tôi học thuộc lòng bài này, đúng một tuần sau là cháu quên hẳn, bởi toàn những số liệu "trời ơi”, như kinh tế Xô Viết hai thập niên 50-60 thế kỷ trước, sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm tăng 9.6%, chiếm khoảng 20% sản lượng công nghiệp toàn thế giới…. Đến giờ sau 3 tháng học bài đó, coi như "chữ thầy giả thầy”. Nhưng có lẽ cho tôi học tình hình cũng vậy, không hơn.

Xin lưu ý đây là cuốn sách tái bản lần thứ 9, NXB Giáo dục VN, in 100.000 bản, nộp lưu chiểu tháng 1-2014..

* ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương):
CT - SGK phải đổi mới phương pháp tiếp cận tri thức

Định hướng nội dung và phương pháp biên soạn SGK phổ thông là hết sức quan trọng. Đổi mới CT, biên soạn SGK không phải là đổi mới tri thức mà đổi mới phương pháp tiếp cận tri thức. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng một CT chuẩn cho toàn bộ CT phổ thông, có tính khoa học và thực tiễn cao, điều này là hết sức quan trọng. 

Theo đó, cần phân định rõ CT, xác định các tiêu chí kiến thức cơ bản ở mức tối thiểu cần đạt được tới đâu. Đồng thời, xác định rõ những nguyên tắc chuẩn mực cần có khi biên soạn SGK đảm bảo tính khoa học, tính chính xác về tri thức, tính phù hợp với CT giảng dạy và khả năng tiếp thu của học sinh ở các vùng miền khác nhau. Trên cơ sở đó, các tổ chức, cá nhân sẽ tiến hành biên soạn SGK bám sát yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông. 

Khi thẩm định SGK, Bộ GD&ĐT nên khuyến khích viết các nội dung kiến thức theo hướng mở, không nên đưa vào SGK những số liệu, thông tin quá cụ thể về các lĩnh vực ở những thời điểm đã qua hoặc hiện tại để khắc phục sự lạc hậu của SGK so với thực tế xã hội.

PV (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét