Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Trung Quốc – gã khổng lồ cô đơn đang cố tỏ ra cường tráng!
Cập nhật lúc 20:02

 (Quan hệ quốc tế) - Song song với điểm nóng Biển Đông, Trung Quốc không quên gầm ghè Nhật Bản tại biển Hoa Đông. Phải chăng Trung Quốc đang dư thừa sức mạnh?
Căng thẳng lan rộng
Những ngày cuối tháng 5/2014, cùng với những cẳng thẳng tại Biển Đông về giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981), Trung Quốc tiếp tục khiến thế giới chú ý đến biển Hoa Đông khi liên tiếp có những hành động khiêu khích với Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã cho máy bay chiến đấu áp sát máy bay quân sự Nhật vào hôm qua 24/5 trên vùng trời biển Hoa Đông. Theo các quan chức Nhật, hai chiếc SU-27 của Trung Quốc đã bay với khoảng cách rất gần, chỉ cách máy bay trinh sát OP-3C của Nhật 50m và cách máy bay do thám điện tử YS-11EB 30m. Tokyo còn tố chiếc SU-27 này được trang bị tên lửa.
Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát Nhật ở khoảng cách gần như thế. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nhấn mạnh với báo giới “đây là cuộc chạm trán tầm gần, một hành động quá thể”.
Đáp lại những cáo buộc của Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định "Máy bay quân sự Nhật xâm nhập không phận nơi đang diễn ra cuộc tập trận mà không xin phép."

Chiếc SU-27 mang tên lửa áp sát chiến đấu cơ của Nhật 24/5/2014 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản 
Chiếc SU-27 mang tên lửa áp sát chiến đấu cơ của Nhật 24/5/2014 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Bắc Kinh khẳng định máy bay Nhật đi vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của nước này dù trước đó đã có thông báo "cấm bay" vì Hải quân Trung Quốc đang tập trận chung với Nga.
Chỉ có điều, vùng ADIZ này được Bắc Kinh đơn phương áp đặt trên biển Hoa Đông năm ngoái, bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang tranh chấp với Nhật Bản.
Một điều cần lưu ý, đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát máy bay Nhật Bản đến như vậy, còn những vụ “mèo vờn chuột” trên không, trên biển của khu vực này diễn ra như cơm bữa.
Chỉ có điều, Trung Quốc "xử rắn" như vậy trong bối cảnh hải quân của Nga đang sát cánh với hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận ngay tại đó.
Thiên thời, địa lợi – nhân không hòa
Từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Biển Đông đã rất nóng. Giàn khoan này đã tập trung sự chú ý của dư luận thế giới không khác gì một điểm nóng ở Trung Đông hay Đông Âu. Nhất cử nhất động của mỗi bên đều được báo chí quốc tế nhanh chóng đưa thông tin.
Vì sao dư luận thế giới phải chú ý? Bởi đơn giản, Trung Quốc đã bị Mỹ cho vào tầm ngắm. Cả chiến lược quốc gia của Mỹ do Tổng thống Obama soạn thảo đều nhằm đến mục tiêu kìm chế và cô lập Trung Quốc. Hành động này của cường quốc châu Á khiến cả thế giới mong đợi nhiều hơn về một sự đối đầu nảy lửa của các ông lớn.
 Tàu chiến Trung Quốc bắn đạn thật trong cuộc tập trận với Nga tại Hoa Đông
Tàu chiến Trung Quốc bắn đạn thật trong cuộc tập trận với Nga tại Hoa Đông
Nhưng vì sao lại là tháng 5 mà không phải sớm hơn hay muộn hơn giàn khoan này đến Hoàng Sa? Xin chỉ ra một số lý do sau đây.
Thứ nhất, tháng 5 là thời điểm Biển Đông khá lặng sóng, theo dự đoán của nhiều trung tâm khí tượng thủy văn toàn cầu, sẽ không có bão trong thời gian này. Một tháng trôi qua đủ để Trung Quốc hạ đặt giàn khoan mà không gặp phải sự cản trở của thiên nhiên. Phải thấy rằng Trung Quốc đã tính đến thiên thời.
Tháng 5/2014 cũng là thời điểm các cường quốc trên thế giới bận rộn với những sự đối đầu, mà cụ thể là giữa Nga và phương Tây tại điểm nóng mới nổi Ukraine. Trong tháng 5, Ukraine sẽ tổ chức cuộc bầu cử nhằm hợp thức hóa chính phủ lâm thời thân phương Tây, và trước đó, những người biểu tình thân Nga cũng lên kế hoạch trưng cầu dân ý.
Nga, Mỹ, EU buộc phải dồn sự chú ý vào thời khắc nhạy cảm này, và Trung Quốc rảnh tay hơn với tham vọng của mình. Vấn đề địa chính trị của Ukraine đã giúp Trung Quốc hạ quyết tâm với cái giàn khoan này. Đây là yếu tố “địa lợi” của Trung Quốc.
Đã có thiên thời, địa lợi, ngỡ rằng nhân sẽ hòa, nhưng thực tế, Việt Nam khôn khéo hơn Trung Quốc tưởng. Việc đưa hành động của Trung Quốc ra rất nhiều diễn đàn quốc tế, từ ASEAN cho đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng thời đưa phóng viên báo chí nước ngoài ra thực địa, đã khiến Trung Quốc vướng phải sự phản đối kịch liệt của dư luận.
Đặc biệt, Mỹ đã chú tâm hơn vào Việt Nam. Gói viện trợ 18 triệu USD cho lực lượng chấp pháp của quốc gia Đông Nam Á này dù không nhiều, nhưng là một sự kiện chưa từng có tiền lệ từ năm 1975.
Ngoài ra, Nhật Bản đã tính đến việc gia tăng quyền hạn cho lực lượng phòng vệ của mình, đồng thời đề xuất việc phòng ngự chủ động, cho phép quân đội can thiệp vào các cuộc đụng độ xảy ra ngoài lãnh thổ của mình. Ngoài ra, Nhật Bản có thể đang hướng tới việc sát cánh với Việt Nam và Philippines nhằm phản đối những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc.
 Tàu Trung Quốc kìm kẹp, tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam
Tàu Trung Quốc kìm kẹp, tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam
Động thái mới nhất tại giàn khoan, Trung Quốc đã phải đưa tàu quân sự của mình ra xa khỏi phạm vi hạ đặt này và che giấu kỹ càng. Có thể nói rằng, sự nhẫn nhịn của Việt Nam đã bắt đầu mang lại hiệu quả.
Điều Trung Quốc cần nhất bây giờ là hướng sự chú ý của dư luận tới một điểm nóng khác, để khiến Việt Nam không thể xuất hiện ngày ngày trên trang nhất của các hàng thông tấn thế giới.
Dụng ý khiến Hoa Đông tăng nhiệt
Thực tế, Hoa Đông chưa bao giờ giảm nhiệt. Trong năm tài khóa 2013 (tính đến tháng 3/2014), máy bay chiến đấu của Nhật Bản từng đối đầu với máy bay Trung Quốc 415 lần, tăng 36% so với năm tài khóa trước đó.
Sự gia tăng các hành động khiêu khích này, cùng với việc thành lập vùng ADIZ cho thấy Trung Quốc đã rất sốt sắng trong việc thực hiện giấc mơ Trung Hoa của mình.
Trung Quốc như đang chơi trò đuổi bắt với Mỹ khi lôi kéo Nga vào Hoa Đông tập trận. Bắc Kinh muốn nói rằng nếu bạn có liên minh, tôi cũng có. Trung Quốc biến ảo Hoa Đông, Biển Đông hư hư thực thực, không biết đâu mới là mục tiêu của mình.
Trong lúc này, Trung Quốc vừa lợi dụng Nga để tạo đối trọng với Mỹ, vừa khoét sâu những mâu thuẫn Nga – Nhật.
 Vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc (đường nét liền màu đỏ) và vùng tương tự của Nhật Bản (đường nét liền màu xanh). Đồ họa: EIA/CDM
Vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc (đường nét liền màu đỏ) và vùng tương tự của Nhật Bản (đường nét liền màu xanh). Đồ họa: EIA/CDM
Câu trả lời của nước Mỹ
Nga – Trung bắt tay nhau, phải chăng sẽ có liên minh để đối trọng với Mỹ? Trả lời cho câu hỏi này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bình thản: “Điều đó chẳng có gì là mới mẻ cả. Đó không phải là cái gì đó quá bất ngờ đối với những gì đang diễn ra. Và nếu thỏa thuận đó mang lại lợi ích cho cả thế giới thì cũng tốt thôi. Điều đó chẳng có gì đáng lo ngại.”
Quả thực, mối quan hệ Nga – Trung dù tốt đẹp, nhưng xuyên suốt đó chỉ là vấn đề lợi ích kinh tế. Nga cần tiền của Trung Quốc để giúp nền kinh tế chống đỡ đòn trừng phạt của châu Âu, vực dậy những chỉ số chứng khoán của các tập đoàn Nga.
Nhìn vào những gì Nga ký kết với Trung Quốc, thì đó là năng lượng và vũ khí. Ngoài hai thứ Nga có sẵn ấy ra, không có một thỏa thuận nào thêm về việc bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp có xung đột.
Trung Quốc cô độc và cố tỏ ra mình không cô độc. Trung Quốc đầy nội thương nhưng cố tỏ ra mình cường tráng. Khác với Mỹ, họ có vết thương, nhưng dựa vào đồng minh để chia sẻ gánh nặng. Việc NATO tăng ngân sách quốc phòng chính là một cách chia sẻ gánh nặng với Mỹ.
Càng hung hăng gây hấn, giấc mơ địa chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông hay xa hơn là châu Á – Thái Bình Dương sẽ chỉ là một vũng lầy khiến người khổng lồ này mắc kẹt.
(Theo Đất Việt) Đỗ Minh Tú
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét