Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Lộ diện đối trọng đáng gờm của Trung Quốc trong tương lai
Cập nhật lúc 20:47

 (Thị trường) - Phát triển kinh tế phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ASEAN để làm giảm sự phụ thuộc chính trị vào TQ của một số quốc gia nội khối.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Đối trọng tương lai của Trung Quốc?
Một bài viết trên tờ “Học giả kinh tế” (The Economist) của Anh cho biết, với việc duy trì được địa vị độc tôn trong lĩnh vực sản xuất trong 30 năm qua, Trung Quốc đã khiến ngành sản xuất toàn cầu có những thay đổi mang tính cách mạng.
Tuy nhiên, cùng với mức tăng của tiền lương cũng như tình trạng bất ổn trong lao động, nền kinh tế của Trung Quốc cũng đang có những biến đổi nhất định. Phải chăng điều này cho thấy địa vị độc tôn của Bắc Kinh trong ngành sản xuất thế giới đang đến ngày kết thúc?
Ban tin tức của tờ “Học giả kinh tế” nhận định, mặc dù chuỗi cung ứng đã xuất hiện xu thế mới, nhưng các yếu tố như cơ sở hạ tầng mới và hiệu quả sản xuất ngày càng nâng cao, sẽ giúp Trung Quốc tiếp tục duy trì sức cạnh tranh của mình.
Sở hữu nguồn cung cấp lao động lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, có hệ thống chính trị ổn định và nền giáo dục phát triển, là những tiền đề để Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành một cường quốc có giá trị sản xuất cao nhất. Điều này khiến Trung Quốc ngày càng phồn vinh, đồng thời cũng tạo ra áp lực không nhỏ trong nâng cao thu nhập và cải thiện môi trường làm việc.
Tuy nhiên, luận điểm cho rằng, các nhà sản xuất sử dụng sức lao động lớn sẽ rời bỏ Trung Quốc để tìm một số điểm đến có chi phí sản xuất rẻ hơn, là sự thổi phồng thái quá.
Qua so sánh giữa năng suất lao động và thu nhập của đa số các ngành kinh tế mới nổi từ năm 2013 đến 2018, phải thừa nhận là hiếm có nơi nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc về mặt chi phí, và càng không có nền kinh tế nào có hiệu suất lao động vượt qua được Trung Quốc.
Ở thị trường châu Á, Bangladesh được cho là sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành nước có nền sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu giá rẻ, tuy nhiên, việc giảm bớt chênh lệch về cạnh tranh của nước này với Trung Quốc lại diễn ra chậm nhất: thu nhập tăng nhanh hơn so với Trung Quốc, nhưng năng suất lao động chỉ bằng một nửa của Trung Quốc.
Tốc độ gia tăng thu nhập ở Việt Nam tương tự của Trung Quốc, nhưng năng suất lao động lại tăng tương đối chậm. Tình trạng ở Indonesia cũng không khác gì khi Jakarta đứng sau Bắc Kinh rất nhiều trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.
Từ năm 2013 đến 2018, việc gia tăng thu nhập ở hầu hết các nước đều chậm hơn Trung Quốc. Nhưng về quy mô của nền kinh tế và môi trường thương mại, chỉ có Ấn Độ là tiệm cận Trung Quốc, còn ở các nước thường được coi là đối thủ của Trung Quốc như Mexico, Brazil và Ai Cập, tốc độ nâng cao năng suất lao động đều diễn ra rất chậm.


Chắc chắn rằng, tiền lương chỉ là một trong số những yếu tố cần cân nhắc khi di chuyển nhà máy, doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất còn chịu sự chi phối của các yếu tố như chi phí, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư và những rủi ro trong của thị trường kinh doanh.
Biểu đồ so sánh sự gia tăng của năng suất lao động với những rủi ro trong kinh doanh cho thấy, những rủi ro trong trong kinh doanh ở đại đa số các thị trường mới nổi đều cao hơn so với Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước Argentina, Ai Cập và Nigeria.
Những nước có chi phí thấp hơn nhưng tỷ lệ rủi ro lại cao hơn Trung Quốc là Ấn Độ, IndonesiaPhilippines. Thông qua phân tích, Ban tin tức của tờ “Học giả kinh tế” khẳng định rằng trong vài năm tới, các nhà sản xuất chi phí thấp sẽ không rời khỏi Trung Quốc mà sẽ rời khỏi các thị trường mới nổi.
Có thể khẳng định, trong vài năm tới Trung Quốc sẽ dựa vào cơ sở hạ tầng tuyệt vời và sức mạnh kinh tế to lớn ngày càng hoàn thiện để tiếp tục giữ vững địa vị của mình. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là tình hình trong vài năm tới sẽ không thay đổi.
Thách thức trực tiếp đối với địa vị độc tôn của Trung Quốc không phải là một vài kẻ cạnh tranh nhỏ, nhặt nhạnh những “mảnh vụ thị trường”, mà là “bức tường đồng vách sắt” trước cửa nhà Trung Quốc, đó chính là Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC), dự kiến ​​sẽ được thành lập vào năm tới.
Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là IAI) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.
Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) nhằm mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) với mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ.
Vai trò trụ cột của Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Bắt đầu từ năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đặt mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư, kinh doanh từ bên ngoài.

AEC chính là sự đẩy mạnh những cơ chế liên kết hiện có của ASEAN như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định Khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình Hội nhập Tài chính và Tiền tệ ASEAN, v.v…, để xây dựng ASEAN thành “một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất”.
Để thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối thống nhất, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: Nguồn vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề, dựa trên và nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN và bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn.
Từ sớm, ASEAN đã đẩy mạnh các nỗ lực chuẩn bị cho AEC thông qua việc gỡ bỏ các rào cản chính về thuế quan, tự do hóa lĩnh vực dịch vụ và nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài.
Khi AEC ra đời, thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được mở cửa tiếp nhận đầu tư và doanh nghiệp một nước thành viên làm ăn ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp sở tại.
Các ngành ưu tiên hội nhập gồm: 7 ngành sản xuất hàng hóa là nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, ô tô; 2 ngành dịch vụ là hàng không và e-ASEAN (hay thương mại điện tử); và 3 ngành vừa hàng hóa vừa dịch vụ là y tế, công nghệ thông tin và Logistics.
Các ngành nói trên được lựa chọn trên cơ sở lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên, kỹ năng lao động, mức độ cạnh tranh về chi phí, và mức đóng góp về giá trị gia tăng đối với nền kinh tế ASEAN.
AEC sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên; hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và tổng sản lượng (GDP) hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD.
Liệu AEC có thể ra đời vào năm 2015 không? Câu trả lời là tuy có thể chưa hội nhập được 100% nhưng AEC sẽ ra đời đúng theo dự định. Tính đến cuối tháng 3-2013, ASEAN đã hoàn thành 80% các giải pháp được nêu trong kế hoạch xây dựng AEC trên tất cả các lĩnh vực (Theo báo cáo thường niên 2012-2013 của ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN thời điểm đó).

Song song với nỗ lực hoàn thành công cuộc hội nhập kinh tế khu vực vào năm 2015, ASEAN cũng đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu nước đối tác có hiệp định thương mại tự do với ASEAN, gồm Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việc đàm phán hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) cũng được dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2015. Ngoài AEC và RCEP, một số thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam còn tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản.
Có thể nhận định là sau năm 2015, sẽ nổi lên vai trò cốt lõi của ASEAN như là một trung tâm hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này sẽ có những tác động lớn lao đến các lĩnh vực khác như chính trị, quân sự, văn hóa-xã hội trong nội khối.
Trong nội bộ ASEAN hiện có những quan điểm và cách hành xử khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc, tất cả những điều đó đều xuất phát từ nguyên nhân kinh tế. Bắc Kinh đã sử dụng con bài viện trợ, đầu tư, hợp tác để “mua chuộc” thái độ chính trị của một số quốc gia.
Vì vậy, nếu ASEAN giải quyết được bài toán kinh tế, giúp các nước giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc thì mới tạo được sự đồng thuận cao trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền giữa một số nước nội khối với Trung Quốc, đồng thời cũng làm hạn chế sự lũng đoạn về kinh tế của Bắc Kinh.
Có thể khẳng định rằng, AEC sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong bộ 3 trụ cột của Cộng đồng chung ASEAN, là yếu tố quyết định sự vững mạnh của Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Kinh tế có mạnh thì mới có tiềm lực củng cố quốc phòng-an ninh và phát triển văn hóa-xã hội. Vì vậy, phải đặt phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Tuy chưa thể đạt ngay đến hiệu quả cao nhất nhưng có thể tin tưởng là theo thời gian, AEC sẽ trở thành nhân tố quyết định trong xây dựng một Cộng đồng chung ASEAN đoàn kết, thống nhất và mạnh mẽ, đủ khả năng làm đối trọng với Trung Quốc.
(Theo Đất Việt) Thiên Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét