Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013


12:51

Văn minh và “rừng rú”
 

Vụ "ngựa thành bò" đã góp phần làm rõ hơn những khiếm khuyết trong quá trình liên kết của liên minh châu Âu (ảnh: Reuters)  
 
NDĐT- Cùng với cuộc khủng hoảng nợ công và nhiều vấn đề nóng bỏng khác, vụ đánh tráo thịt ngựa thành thịt bò đã phơi bày mặt trái của tiến trình liên kết trong Liên minh châu Âu. Hơn thế, vụ việc này còn giúp thấy rõ hơn những hạn chế trong hợp tác quốc tế, trước hết trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm.
Vụ việc các sản phẩm dán mác 100% thịt bò có chứa thịt ngựa bắt đầu bị phát giác tại Pháp và sau đó mau chóng lan rộng ra tới 13 nước EU. Sự việc ngày càng trở nên trầm trọng khi Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) tuyên bố đã phát hiện có chất cấm (cụ thể là trong số 206 con ngựa được kiểm tra thì có 8 con chứa chất phenylbutazone – chất có thể gây rối loạn tuần hoàn máu cho người tiêu dùng).
Nếu xét về mặt dinh dưỡng, chuyện thịt ngựa lẫn trong thịt bò cũng không khiến người tiêu dùng châu Âu lo ngại đến vậy.
Nhưng nếu xét từ những góc độ khác như về mặt lợi nhuận, khi giá thịt ngựa chỉ bằng 1/2 giá thịt bò (giá thịt bò là 5euro trong khi giá thịt ngựa chỉ 2,5euro), hoặc đặc biệt về mặt tâm lý người tiêu dùng (ở những thị trường như ở Anh, Ireland v.v. việc ăn thịt ngựa có thể coi như phạm vào điều cấm vì “thiếu văn minh”), thì đây có thể coi là một vụ scandal không hề nhỏ.
Các nhà chức trách EU cũng nhận thức được điều này, bằng chứng là ngay ngày 13-2, họ đã phải nhóm họp gấp tại Brussels (Bỉ) để tìm giải pháp tháo gỡ vụ việc. Tuy nhiên, dường như các nhà lãnh đạo EU chưa thực sự cảm nhận hết mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Theo ông Simon Coveney, Bộ trưởng nông nghiệp Ireland, thì “đây là vấn đề gian lận trong dán mác sản phẩm… Một nhà sản xuất nào đó trong chuỗi cung ứng thực phẩm đã bán các sản phẩm thịt ngựa được dán nhãn thịt bò và kiếm lợi bằng hành động gian lận này. Việc này là không thể chấp nhận được… Chúng tôi cần phải tìm ra người chịu trách nhiệm trong vấn đề này”.
Ông Tonio Borg, Ủy viên phụ trách các vấn đề y tế EU, cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy vấn đề này có liên quan đến an toàn thực phẩm. Do vậy chúng tôi cho rằng đây chỉ là vụ gian lận, một vụ gian lận nhằm kiếm lợi chứ không phải do cẩu thả”.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng chỉ dừng lại ở chỗ chỉ trích “đây là vụ scandal gian dối ngoạn mục”. Chính vì thế, các biện pháp được đề xuất đều chỉ hướng tới việc tìm kiếm một công ty nào đó phải chịu trách nhiệm (trên thực tế họ đã tìm ra những đơn vị kiểu đó, tiêu biểu như công ty chế biến thịt hàng đầu của Pháp Spanghero, và ngừng cấp giấy phép hành nghề).
Các biện pháp xa hơn là mở rộng quy mô xét nghiệm các mẫu hàng, cụ thể là các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xét nghiệm khoảng 2250 mẫu và sẽ phải nộp báo cáo lên EU vào ngày 15-4 tới. Một điều chắc chắn là EU sẽ lại tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn những mặt hàng thực phẩm đến từ các vùng Đông và Nam Âu và nhất là từ các nước đang phát triển.
Đây thực sự là những giải pháp được EU thường xuyên sử dụng mỗi khi phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Cần phải thấy rằng, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ được cho “đơn thuần là gian lận” trong khu vực EU. Vào thập niên 1990 đã xảy ra vụ bò điên của Anh, rồi kẹo socôla của Bỉ có chứa dioxit và năm 2011 là vụ dưa chuột của Đức bị phát hiện bị nhiễm khuẩn Ecoli v.v. Những giải pháp như trên đã được tiến hành nhưng hệ quả là tiếp tục xuất hiện các vụ việc tương tự chỉ là dưới các hình thức và mức độ khác nhau mà thôi.
Chính vì thế, vụ “thịt ngựa giả bò” lần này cần phải có những nhận thức nghiêm túc và rộng lớn hơn.
Trước hết, cần phải nhìn nhận những thiệt hại do vụ việc này gây ra là lớn hơn nhiều chứ không đơn thuần chỉ là số lợi nhuận mà nhóm người bất lương có thể thu được hay mức độ tổn thương niềm tin của người tiêu dùng. EU đã phải chi “nóng” ba triệu euro cho công việc xét nghiệm AND các mẫu thịt (tất nhiên với số lượng mẫu nhất định) nhằm phân biệt ngựa và bò. Nếu phải xét nghiệm toàn bộ số thực phẩm liên quan và nhất là nếu việc xét nghiệm trở thành quy định có tính định kỳ thì số chi phí này sẽ không còn khiêm tốn nữa.
Trong bối cảnh bão nợ công vẫn đang hoành hành, thì vụ “ngựa giả bò” thực sự đẩy EU vào tình trạng “họa vô đơn chí”. Vì vậy, cũng giống như đối với căn bệnh nợ công, đã đến lúc EU cần phải tìm ra những liệu pháp chữa trị tận gốc căn bệnh gian dối trong kinh doanh này. Hiện nay, quy trình cũng cấp thịt bò cho đến tận tay người tiêu dùng là vô cùng phức tạp và rộng lớn. Chỉ đơn cử một mô hình sau: Một công ty của Romania có chức năng thu gom thịt bò từ rất nhiều nguồn tại đất nước Nam Âu này rồi cung cấp cho công ty cung ứng Spanghero (Pháp) – đến lượt Spanghero sẽ trung chuyển thịt bò cho các công ty con, như kiểu Comigel. Những công ty con này bắt đầu chế biến và cung cấp cho một chuỗi các siêu thị, nhà hàng v.v. Như vậy, nguyên nhân để xảy ra vụ “thịt ngựa thành bò” có rất nhiều, thậm chí chỉ cần một khâu nào đó vô trách nhiệm. Việc tăng cường kiểm tra, xét nghiệm hàng hóa rõ ràng chỉ mang tính chất “cắt cơn” của căn bệnh mất an toàn thực phẩm. Căn bệnh này phải được chữa trị ở tất cả các khâu.
Muốn thực hiện được điều này thì EU nói riêng và tất cả các nước trên thế giới nói chung cần phải thay đổi nhận thức về tính cấp thiết cũng như mô hình hợp tác quốc tế. EU dù có nỗ lực đến đâu (như thông qua hệ thống các quy định đối với hàng hóa thực phẩm nhập khẩu ngày càng ngặt nghèo) cũng không bao giờ ngăn chặn được sự xâm nhập, bằng rất nhiều con đường, các loại hàng hóa kém chất lượng, thậm chí những quy định này lại dẫn đến việc người dân châu Âu lại phải oằn mình chịu đựng sự tăng giá.
Chuyện giá thịt bò tăng năm 2012 cũng chính vì EU dừng nhập khẩu thịt bò từ Brazil, nước cung cấp thịt bò lớn nhất cho thị trường EU. EU muốn có thực phẩm đảm bảo đúng yêu cầu thì họ cần hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn nữa với các nước xuất khẩu. Sự hợp tác này không chỉ đơn thuần theo kiểu quan hệ “cung – cầu” hay “xuất – nhập” mà đã đến lúc cần phải nhìn nhận theo mô hình “chuỗi cung ứng duy nhất”. Nói cách khác, nếu tiếp tục còn có sự phân cách giữa “nước xuất khẩu” và “nước nhập khẩu” thì căn bệnh gian dối kiểu “ngựa giả bò” sẽ vẫn còn có đất sống.
Bài học từ câu chuyện “thịt ngựa giả bò” có lẽ không chỉ hữu ích trong lĩnh vực an toàn thực phẩm mà nhìn rộng ra là đối với hầu hết các lĩnh vực trong đời sống nhân loại hiện nay. Khi mà chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, mức độ tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ, thì nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia cũng vì thế mà trở nên bức thiết hơn. Đơn giản là bởi mỗi nước chỉ có thể đạt được lợi ích của mình trong sự hợp tác với các nước còn lại.
                                              (Theo Nhân dân) TS ĐỖ SƠN HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét