Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013


08:15

Bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương


TTO - Ngày 21-2, TGĐ Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CPM) Dương Tuấn Minh cho biết Bộ GTVT đã gửi Bộ Tài chính đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

 
Xe qua trạm thu phí Chợ Đệm trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nối TP.HCM với Long An và Tiền Giang.
Trong đó, Bộ GTVT đã đưa ra hai phương án bán quyền thu phí đường cao tốc thời hạn 5 năm. Phương án 1 có giá chuyển giao quyền thu phí là 1.490,2 tỉ đồng và phương án 2 là 1.391,3 tỉ đồng.       
Theo Bộ GTVT, việc bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm thu hút vốn của các thành phần kinh tế để nhanh chóng hoàn trả vốn ngân sách đã đầu tư tuyến đường này, đồng thời thu hút nhiều nguồn vốn trong xã hội.
CPM cho biết dự án xây dựng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng chiều dài 62km, trong đó đường cao tốc dài 40km, phần còn lại là các nhánh đường nối vào đường cao tốc với tổng mức đầu tư 9.880 tỉ đồng.
Năm đầu tiên thu phí tuyến đường cao tốc này đạt khoảng 380 tỉ đồng/năm và đã chi tiền điện, duy tu bảo dưỡng tuyến đường này 65 tỉ đồng/năm.
CPM sẽ tổ chức đấu thầu việc chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc này ngay sau khi Bộ Tài chính thống nhất đề án chuyển giao quyền thu phí.
(Theo Tuổi trẻ) N.ẨN
Từ 2013 Nhà nước đã thu phí giao thông đường bộ để thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ. Đối tượng thu phí tăng lên nhiều lần do thu cả với mô tô, xe gắn máy. Việc cùng lúc thu phí định kỳ hàng năm, vừa bán vé thu phí trên các tuyến đường không có cách nói nào khác là phí chồng phí. Phải chăng đây là chủ trương tận thu do khó khăn ngân sách? Mọi chi phí cho tiền phí (dù phương tiện cá nhân hay vận tải) cuối cùng đều dồn vào túi tiền người tiêu dùng, cùng với nó là hệ lụy lạm phát và bật trở lại gây bất ổn kinh tế vĩ mô.  
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét