Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012


21:19
 Vai trò chủ sở hữu Nhà nước với tập đoàn còn sơ hở


SGTT.VN - Chính phủ cho rằng trong thời gian thí điểm tập đoàn vừa qua, “sự yếu kém, chưa hiệu quả của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước có một nguyên nhân quan trọng là quy định về thực hiện vai trò chủ sở hữu Nhà nước còn sơ hở, đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới một số vụ việc gây hậu quả rất nặng nề”, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói như vậy tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 28.10.

Giao thêm các tập đoàn cho bộ trưởng

Vinalines chi 490 tỷ mua ụ nổi No83M, "đống sắt gỉ" 43 tuổi. 
Vì vậy, theo bộ trưởng Vũ Đức Đam, kỳ họp thường kỳ của Chính phủ lần này đã dành nhiều thời gian để thảo luận về nghị định phân cấp, phân quyền thực hiện chức năng quản lý chủ sở hữu đối với các tập đoàn nhà nước. Cụ thể, theo ông Đam, trong số 21 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng, sẽ có danh mục một số tập đoàn do Thủ tướng chịu trách nhiệm, có quyền hạn trực tiếp, một số khác giao quyền và trách nhiệm cho các bộ trưởng. “Danh sách cuối cùng thì Chính phủ, các bộ trưởng đang biểu quyết nên tôi chưa nắm được cụ thể, song chắc chắn Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm dưới mười tập đoàn, việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tới đây phải làm quyết liệt hơn”, bộ trưởng nhấn mạnh. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ cũng lưu ý, việc dừng thí điểm một số tập đoàn, như với hai tập đoàn của ngành xây dựng mới đây không đồng nghĩa là các tập đoàn đó phải dừng hoạt động, bộ trưởng nói: Việc đó không ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn hay các tổng công ty mà thực chất là chỉ tiến hành sắp xếp, cái nào còn tập đoàn thì tổ chức theo mô hình tập đoàn, không thì tổ chức theo mô hình tổng công ty, và nếu vẫn là tập đoàn hay tổng công ty thì cũng chỉ tập trung ngành nghề sản xuất chính, phù hợp quy mô, thị trường và khả năng quản trị của chính mình.
“Không lấy tiền ngân sách trả nợ thay cho doanh nghiệp”
Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: việc xử lý nợ xấu được tiến hành với rất nhiều giải pháp đồng bộ, nên dù ngân hàng Nhà nước chưa trình được đề án thì không có nghĩa các việc khác chưa được triển khai, và thực tế, theo ông Đam, thời gian qua, ngân hàng Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp đang thực hiện một số giải pháp. “Tới đây phải có mục tiêu cụ thể, Chính phủ cũng có yêu cầu lộ trình cụ thể với ngân hàng Nhà nước, giảm khu vực nào, giảm từng bước thế nào”, bộ trưởng nói. Khi được hỏi về các bước đi đang được Chính phủ, ngân hàng Nhà nước triển khai để thành lập công ty mua bán nợ, và liệu công ty này có cần vốn mồi từ ngân sách, bộ trưởng Đam cho biết, quy mô của công ty nợ xấu thế nào thì ngân hàng Nhà nước đang xây dựng để trình Chính phủ, nhưng “dù quy mô nào thì Nhà nước cũng không (cho) dùng tiền ngân sách để trả nợ thay cho các doanh nghiệp”, bộ trưởng nhấn mạnh. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ lưu ý, nếu nợ xấu 100 đồng thì không phải tất cả đều do công ty mua bán nợ xử lý, và nếu công ty này tham gia xử lý 20 đồng nợ xấu thì cũng không đồng nghĩa với việc công ty này phải bỏ ra 20 đồng.
Với cả hai vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bộ trưởng Đam nhấn mạnh: Biện pháp đề ra đã nhiều, cái chính giờ là tập trung thực hiện.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)  Trung Đức
Cắt đầu tư mà làm lương sợ nhân dân không chịu
Bộ trưởng Đam thừa nhận, nhiều khả năng tới 1.5.2013 chưa đủ nguồn tiền tăng lương như dự kiến, Chính phủ dự kiến xin lùi thời hạn, một mặt khác tăng thu, quan trọng nữa là tiết kiệm chi, ngay sau khi có đủ nguồn cân đối thì tăng lương. Lý do, ông Đam giải thích:
Bội chi ngân sách 4,8% GDP, tính ra như năm 2013 là trên 160.000 tỉ đồng, năm nay chi đầu tư phát triển 180.000 tỉ, sang năm còn thấp hơn. Nguyên tắc bội chi là phải dành cho đầu tư, chứ cho chi thường xuyên là không được, nói nôm na là đi vay mà ăn thì cũng không được. Thứ hai là tiền thu từ đất là phải dành cho đầu tư phát triển chứ không thể bán đất mà ăn. Lẽ ra chi đầu tư phát triển trên 200.000 tỉ nhưng do khó khăn nên Chính phủ chỉ trình ra chi cho đầu tư phát triển dưới mức bội chi cộng tiền thu từ đất. Chúng ta không thể cắt tiếp được nữa. Vậy thì tiền ở đâu? Chỉ từ tăng thu, nhưng tăng làm sao để nuôi được nguồn, để doanh nghiệp còn đường mà sản xuất để còn có cái mà thu tiếp.
Cách thứ hai là cắt chi thường xuyên đi để làm lương. Nhưng chi thường xuyên cho an sinh xã hội, cho y tế, giáo dục… ngay một lúc không thể giảm ngay biên chế để tăng lương, ngoài tiết kiệm chi 10% thì siết các khoản chi thường xuyên sao cho tiết kiệm nhất có thể, ví dụ ngay kỳ họp Chính phủ này, Chính phủ chỉ đạo đi nước ngoài phải xem xét chặt chẽ hơn nữa. Cắt đầu tư mà làm lương thì rất khó, dân cũng không chịu, đại đa số các công trình rất cần thiết, người dân trông đợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét