Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012


20:31
 Ngân hàng đang Lúng túng với vàng 


Chính sách quản lý vàng thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Chỉ cần đi dập mới lại vỏ vàng SJC màng halogram, người tiêu dùng cũng bị mất phí 30.000 đồng. Chưa kể đến chuyện, vàng nội địa tiếp tục duy trì chính sách hai giá vênh 3 triệu giữa vàng SJC và vàng phi SJC. Phía sau những con số này nói lên điều gì? SJC nghĩ ra chuyện đổi bao bì chống giả, khiến người dân lao theo. Như vậy, lộ trình chuyển đổi vàng thương hiệu quốc gia SJC không đơn giản là bảo hộ thương quyền nữa rồi…

Quản lý chưa ổn

Một lần nữa, NHNN (Ngân hàng nhà nước) lại tiếp tục gia hạn thời gian huy động vàng đến tháng 30-6-2013. Cái lý được đưa ra là, trong vòng 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã mua hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, số còn thiếu hiện vào khoảng 20 tấn. Các NHTM cần phải có thêm 1 thời gian nhất định nữa để có đủ số vàng cần thiết.

Như vậy đây sẽ là lần thứ hai NHNN nới thời hạn ngừng huy động vàng. Trước đó, theo Thông tư 11, từ ngày 1-5-2011 các ngân hàng phải dừng toàn bộ các nghiệp vụ liên quan tới vàng. Tuy nhiên do nhiều ngân hàng cho rằng hơi vội vàng, nên NHNN ân hạn thời gian thực hiện được cơ quan quản lý tới 25-11. Song đó cũng chưa là hạn cuối cùng cũng vì lý do NHNN muốn đảm bảo hệ thống thanh khoản trong những tháng cuối năm, quyết định lùi thời gian huy động.

Từ thực tế này cho thấy, có vẻ như cơ quan điều hành đang lúng túng trong việc đưa ra các biện pháp xử lý và chấn chỉnh trật tự thị trường vàng. Với mỗi một thời gian huy động vàng NHNN đã tốn bút mực đến 3 lần, liên tiếp hoãn rồi giãn. Và ai đảm bảo rằng với những tiền lệ giãn, thì 30-6-2013 sẽ là gia hạn cuối cùng cho vàng?

Nhưng đó chưa phải là vấn đề quá lớn khi mà thị trường vàng lại đang đau đầu với vàng giả, vàng nhái.  Kể từ khi có nghị định 24/CP về vàng thì khái niệm vàng miếng phân vùng thêm vàng SJC và vàng phi SJC. Đặc biệt vàng SJC luôn tăng lệch pha và cao hơn đến 3 triệu/đồng lượng so với giá vàng thế giới. Kẽ hở trong giá và tên gọi là lý do xuất hiện vàng nhái.

Vàng nhái thực ra vẫn đủ tuổi, đúng trọng lượng nhưng không phải do SJC bán ra nó có đường đi từ một số NHTM ra đã làm cho người tiêu dùng hoang mang. Để ngăn chặn vàng giả, SJC đã thực hiện chiến dịch "mặc áo” màng Hologram cho vàng và người dân mất tiền thêm.

Nói như TS Nguyễn Trọng Tài, Học viện Ngân hàng, chỉ đơn giản mỗi lần SJC thay áo cho vàng của mình, thì người dân nắm giữ vàng lại mất tiền. Có thể là mười nghìn, có thể là ba mươi nghìn…nhưng sâu xa với cách thức quản lý thị trường vàng như vậy, người dân đã mất đi tiền trăm, tiền triệu, có người mất luôn cả chỉ vàng mà đời người tích cóp, thậm chí mất luôn cả niềm tin. 

Người dân thiệt đơn, thiệt kép

Thành viên Hiệp hội Kinh doanh vàng phân tích việc SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia là nguyên nhân gây nên mọi cơ sự của vàng. Chỉ cần làm nhái vỏ bọc một lượng vàng SJC, đúng tuổi vàng và hàm lượng thì cũng lãi vài triệu đồng. Vì giá vàng giữa các thương hiệu phi SJC so với SJC chênh nhau từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/lượng. Điều vô lý đang tồn tại đó là vàng không được định giá theo tuổi, mà lại theo thương hiệu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng nói chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khoảng từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/lượng là hợp lý. Nhưng chưa bao giờ thị trường vàng có mức chênh lệch này. Trong cuộc họp làm rõ về giá vàng ngày 25-10 vừa đây, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho rằng: quản lý vàng đã dần phát huy tác dụng, chặn đứng được việc nhập lậu vàng. Giá vàng SIC có cao hơn là vì thương hiệu và chất lượng.

Nhưng xin thưa, có thể chặn được nhập lậu vàng nhưng không chặn được việc làm nhái vỏ. Việc so sánh chất lượng là nhìn vào xuất xứ vàng có xuất xứ đúng 9999 hay không chứ không đơn giản là nhìn vào thương hiệu. Có lẽ nào, trước khi SJC là vàng thương hiệu quốc gia thì mọi loại vàng của người dân đều là vàng kém chất lượng?

Chính sự phân biệt đối xử này đã làm tăng vị thế và tính độc quyền cho SJC. Trong thị trường cạnh tranh, nếu phát sinh độc quyền sẽ phá vỡ thế cân bằng chung về cung – cầu.

Đưa ra giải pháp cho thị trường vàng hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, ở Việt Nam không phải chỉ người giàu mới có vàng mà người nghèo cũng có vàng. Theo đó, để huy động được vàng trong dân, theo TS Doanh, phải đưa cơ chế quản lý thị trường "thuận mua vừa bán”có sự quản lý của Nhà nước theo một khung pháp luật nghiêm ngặt thì có  thể huy động được nguồn lực vàng trong dân.
Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên minh bạch và sòng phẳng trong các chính sách quản lý thị trường vàng để người nắm giữ vàng miếng, đặc biệt là vàng miếng phi SJC không bị thiệt khi mua bán, trao đổi.  Theo tiến sĩ Trần Du Lịch trong bối cảnh biến động thị trường vàng, không nên biến từ độc quyền nhà nước sang đặc quyền doanh nghiệp. Chuyện chọn thương hiệu vàng nào để mua là quyền của người dân.
(Theo Đại Đoàn kết)  ĐOÀN THÚY HẰNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét