Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012


09:11
Tiếp tục gia hạn huy động vàng đến 30/6/2013:
Vì an toàn của hệ thống!


(Thời báo Kinh Doanh) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức có văn bản về việc tiếp tục gia hạn thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới không vượt quá ngày 30/6/2013 cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN, xác nhận việc các ngân hàng mua vàng thời gian qua để kịp tất toán đúng hạn 25/11/2012 là nguyên nhân khiến giá trong nước đắt hơn thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng. 

"Vậy nên, nếu cứng nhắc buộc thực hiện đúng hạn 25/11, sẽ gây khó khăn cho thanh khoản của toàn hệ thống. Vì cứ vào quý IV hằng năm, nhu cầu vốn cho nền kinh tế đều tăng cao, nếu các ngân hàng lại phải tập trung nguồn để mua vàng, sẽ đe dọa tới an toàn hệ thống", Phó Thống đốc Lê Minh Hưng giải thích.

Ba ngân hàng khó tất toán đúng hạn

Ngày 26/10/2012, NHNN đã có văn bản số 7019/NHNN - QLNH yêu cầu các TCTD còn số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng thực hiện một số nội dung để chấm dứt huy động vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT - NHNN.

Theo đó, các TCTD được tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng từ nay đến hết ngày 24/11/2012 theo nguyên tắc: thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới không vượt quá ngày 30/6/2013; chứng chỉ huy động phát hành mới không được chi trả trước hạn; các TCTD chỉ được phát hành thêm chứng chỉ huy động ngắn hạn khi số vàng tồn quỹ và thu nợ không đủ để chi trả, tổng khối lượng huy động tối đa không vượt quá tổng khối lượng vàng sử dụng (ngoại trừ các khoản chuyển đổi vàng thành tiền theo Thông tư 32/2011/TT - NHNN và các khoản bán vàng kỳ hạn) và theo nguyên tắc tổng khối lượng vàng huy động giảm dần.

Đây là lần thứ 2 NHNN nới thời hạn ngừng huy động vàng. Theo Thông tư 11, từ ngày 1/5/2011, các nhà băng phải dừng cho vay vàng, đồng thời chỉ được huy động vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ phục vụ mục đích chi trả. Họ có một năm để tất toán các hợp đồng huy động đã ký và lẽ ra đến 1/5 năm nay phải dừng toàn bộ các nghiệp vụ liên quan tới vàng. Tuy nhiên, do nhiều ngân hàng chưa thể tất toán hợp đồng, thời gian thực hiện được cơ quan quản lý dời tới 25/11.

Trên thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực mua vàng để hoàn tất những nghiệp vụ liên quan tới vàng theo Thông tư 12. Theo thống kê của NHNN, trong vòng 6 tháng qua, các TCTD đã mua hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, số còn thiếu hiện vào khoảng 20 tấn. Nếu với tốc độ mua vào như thời gian qua, các ngân hàng cần thêm 2 tháng nữa để có đủ số vàng cần thiết.

Mặc dù nỗ lực mua vàng bất chấp giá vàng đang cao nhưng theo Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, hiện vẫn còn 3 ngân hàng rất khó khăn để có thể bù đắp kịp số vàng còn thiếu dư nợ của họ chiếm khoảng 8 trong tổng số 20 tấn cả hệ thống. Vì vậy, cần thêm thời gian để các đơn vị này thu xếp.

Ngày 27/10, giá vàng SJC bán ra là 46,36 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới là 43,24 triệu đồng (chưa gồm các loại phí và quy đổi theo tỷ giá 20.870 đồng), giá vàng trong nước chênh với thị trường nước ngoài trên dưới 3 triệu đồng. Như vậy, để mua hết 20 tấn vàng, các ngân hàng cần phải chi thêm gần 25.000 tỷ đồng (1 tấn vàng tương đương hơn 26.500 lượng). 

Mặc dù vậy, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định khả năng nhập khẩu vàng thời gian này là không có, vì cơ quan này thấy chưa cần thiết do mức chênh lệch không dẫn tới nhập lậu, không gây ảnh hưởng tới tỷ giá và không tạo cơn sốt mua vàng như những năm trước, nếu có chỉ ảnh hưởng tới các ngân hàng.

Sẽ tính thuế đặc biệt với kinh doanh vàng?

Tiếp tục hướng bình ổn thị trường vàng, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN vừa có đề xuất với Bộ Tài chính trong việc xem xét đánh thuế đối với vàng. Bởi ở nhiều nước trên thế giới, cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng đều phải nộp thuế như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Một trong những hình thức đánh thuế mà theo đề xuất của NHNN là tính thuế tiêu thụ đặc biệt với với kinh doanh vàng, vì đây là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ. Hiện nay, vàng chỉ chịu thuế xuất khẩu 10%, còn vàng nguyên liệu nhập khẩu không chịu thuế.
Như vậy, nếu đề xuất ban đầu này của NHNN được Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận, Bộ Tài chính cũng cần thời gian để nghiên cứu kỹ các phương án tính thuế. Cơ quan quản lý cũng cần lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện.

Sở dĩ có đề xuất này là vì vàng là loại hàng hóa mà NHNN không khuyến khích người dân nắm giữ, Nhà nước không bình ổn giá vàng vì mặt hàng này không nằm trong nhóm hàng tính chỉ số giá tiêu dùng, không ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh. 

Hơn nữa, việc tham gia mua bán vàng khi giá có biến động lớn thực ra chỉ sinh lời theo hướng chảy từ túi người này sang người khác chứ không mang giá trị gia tăng cho nền kinh tế, vì nước ta không sản xuất vàng, chỉ buôn bán qua lại. Ngược lại, hoạt động kinh doanh này hút lượng thanh khoản lớn, trong khi đó vàng chỉ nằm im chẳng khác gì hàng tồn kho ứ đọng. 

Trong khi đó, từ trước tới giờ, thị trường vàng miếng hầu như không bị quản lý. Nó được coi như hàng hóa bình thường nên ai cũng có thể mua bán được, dẫn đến tình trạng nhập và xuất lậu vàng. Đó là lý do vì sao mỗi khi giá vàng trong nước chênh với thế giới hơn 400.000 đồng/lượng là xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Việc làm này đã đẩy giá ngoại tệ trên thị trường chợ đen tăng lên, tác động tới tỷ giá trên thị trường chính thức và làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, xuất nhập khẩu. 

"Nếu không giữ vàng ổn định thì sẽ gia tăng lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô. Vì vậy, mục tiêu quản lý thị trường vàng của NHNN là không ảnh hưởng đến mục tiêu vĩ mô, bảo đảm ổn định tỷ giá và để vàng kém hấp dẫn với người dân", Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết. 

Minh Huệ
Rõ ràng hệ thống ngân hàng thương mại đang có “vấn đề” với vàng. Họ đã huy động quá nhiều, nợ dân quá nhiều, không có khả năng chi trả nên NHNN không giám cho họ “chết”. NHNN đang “bảo lãnh” cho NHTM mà không bảo đảm quyền lợi người dân (phải mua vàng cao hơn TG 3 triệu đồng/lượng, bị “hạ giá” nếu đã trót sở hữu vàng phi SJC).
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét