Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012


20:47

 Độc quyền dân thiệt, ai lợi?


Từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố độc quyền vàng miếng SJC, hàng loạt vấn đề rắc rối đã nảy sinh trên thị trường. Đáng nói là cả người dân và xã hội đều chịu thiệt hại, lãng phí từ chính sách độc quyền này.


Dân thiệt lần đầu tiên khi thông tin sẽ chỉ còn tồn tại duy nhất thương hiệu vàng miếng SJC trên thị trường. Thời điểm đó, dù chưa tuyên bố chính thức nhưng các thương hiệu vàng miếng không phải SJC ngay lập tức mất giá hàng triệu đồng/lượng so với vàng miếng SJC. Người sở hữu các loại vàng miếng này ngậm ngùi chấp nhận thiệt thòi "đổi" sang vàng SJC cho "chắc ăn". Đến khi việc độc quyền được chính thức, dù NHNN khẳng định, vàng phi SJC được đảm bảo giá trị nhưng trên thị trường, mức chênh lệch cao giữa 2 loại vàng vẫn duy trì. Những người "kiên gan" giữ vàng miếng phi SJC cuối cùng, buộc phải chấp nhận thiệt hại để đổi vàng.
Thiệt hại lần thứ 2 đến từ việc giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới từ 2- 3 triệu đồng do cung không đủ cầu. Điều này là đương nhiên khi hàng chục cơ sở sản xuất vàng miếng buộc phải đóng cửa để SJC "một mình một chợ" sản xuất và cung cấp vàng miếng. Với mức chênh lệch này, những người có thói quen tích trữ vàng, các nhà đầu tư vàng trong nước phải đối diện với rủi ro cực lớn khi giá vàng đột ngột đổi chiều hay biến động mạnh. Thậm chí, nếu nhà độc quyền muốn làm giá, cố tình tạo khan hiếm giả, cung cấp nhỏ giọt thì người dân cũng "bó tay".
Thiệt hại lần 3 là mua nhầm vàng nhái, giả SJC. Tính đến ngày hôm qua, đã phát hiện gần 470 lượng vàng nhái, giả SJC chủ yếu do người dân mang đến. Đây là kết quả của việc độc quyền nhưng thiếu chuẩn bị về năng lực cung cấp cũng như giám sát của cơ quan quản lý. Những kẻ cơ hội, bọn tội phạm đã tận dụng tối đa chênh lệch giá giữa vàng SJC với vàng phi SJC; giữa vàng SJC với vàng thế giới để tung ra thị trường các loại vàng nhái, giả SJC kiếm lợi. Chỉ tội người dân, ngay cả nhà sản xuất, các chuyên gia vàng còn khó phân biệt giữa vàng SJC thật và nhái, giả thì họ làm sao biết được thật - giả. Đành một lần nữa chấp nhận thiệt thòi.
Đó mới chỉ là thiệt hại cụ thể về tài chính, còn rất nhiều những thiệt hại về thời gian, công sức, tâm lý hoang mang của người dân, lãng phí của xã hội cũng như những rối ren xảy ra trên thị trường chưa thể "đong - đếm" được.
Người thiệt tất nhiên sẽ có người hưởng lợi. Đó là những đơn vị hốt siêu lợi nhuận từ việc được NHNN cho phép dập lại vàng miếng phi SJC thành vàng miếng SJC. Như đã nói trên, hiện chênh lệch giữa vàng miếng phi SJC và SJC trên thị trường cao tới 3 triệu đồng/lượng, thấp cũng cả triệu đồng/lượng. Chỉ cần dập lại, bán sang tay, họ kiếm lợi trung bình 2 - 3 triệu đồng/lượng vàng. Với 350.000 lượng vàng đầu tiên cho phép dập lại, số lợi từ chênh lệch này là khổng lồ.
Có thể khẳng định, không có ngoại lệ nào cho sự độc quyền. Thực tế đã chứng minh, tất cả các ngành độc quyền như xăng, điện... đều xuất hiện tình trạng làm giá, mập mờ, thiếu minh bạch và người dân luôn phải chấp nhận sự bất công, thiệt thòi từ các cơ chế này.
Chính sách đi ngược lại với cơ chế thị trường, gây thiệt hại cho người dân, lãng phí cho xã hội... không thể tồn tại.
(Theo Thanh niên) Nguyên Khanh

Đây là một sản phẩm của Thống đốc NHNN Nguyễn văn Bình. Cách đây hơn một năm, giữa diễn đàn QH, Thống đốc Bình đã hào hển tuyên bố trước “Quốc dân đồng bào” rằng SJC sẽ là thương hiệu vàng của Nhà nước, nếu cần sẽ đặt tên thương hiệu mới SBV, sẽ không còn chuyện lộn xộn trên thị trường vàng, vv và vv… Và đến hôm nay thị trường vàng thế nào thì mọi người đã biết và nhiều “đồng bào” đang nếm trái đắng như trái khổ qua. Phải chăng vì “thành tích” này mà ông Bình đang được đề xuất phong danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc!!! Không biết rồi ông Bình có được trao danh hiệu này hay không, nhưng đã có tờ báo quốc tế xếp ông Bình vào nhóm 10 thống đốc có thành tích kém cỏi nhất thế giới.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét