Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012


10:14
 Các bộ “cãi nhau” về chỉ số tồn kho 
  • Cảnh báo thiếu hụt gia súc, gia cầm trong dịp Tết  
SGTT.VN - Theo tính toán của tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho của ngành xi măng lên đến hơn 53% so với cùng kỳ năm trước (tính đến ngày 1.10). Tuy nhiên, đại diện của bộ Xây dựng cho rằng tỷ lệ đó “nghe có vẻ sợ”, chứ thực tế không đến mức như vậy. Các ý kiến được nêu lên tại hội nghị giao ban sản xuất kinh doanh tháng 10 do bộ Kế hoạch và đầu tư sáng 26.10 tại Hà Nội.

Chưa tính được tồn kho so với tổng mức
Theo lý giải của đại diện bộ Xây dựng, trong mười tháng đầu năm, sản xuất xi măng đạt 46,5 triệu tấn so với kế hoạch cả năm (56 triệu tấn), như vậy là đạt được 80% kế hoạch. Trong khi đó, số liệu của bộ Xây dựng thì tồn kho xi măng ở khoảng 2,6 triệu tấn, tương đương 15 – 18 ngày sản xuất. Do đó, số tồn kho luân chuyển là bình thường. Chứ tính tồn kho theo tổng cục Thống kê (theo tỷ lệ) thì sẽ khiến lo ngại là dư thừa lớn.
Đáp lại lập luận của đại diện bộ Xây dựng, ông Nguyễn Bích Lâm, phó tổng cục trưởng tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số tồn kho nói trên là so với chỉ số của 10 tháng đầu năm 2011. Và không có chuyện sai, vì đã thống kê theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trước truy vấn của thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Cao Viết Sinh thì một đại diện khác của tổng cục Thống kê thừa nhận là chưa có chỉ tiêu tồn kho so với tổng mức (để tính chính xác tồn kho các mặt hàng).
Đại diện của bộ Công thương cũng bày tỏ bức xúc vì khó xem xét số liệu tồn kho, theo tổng cục Thống kê là như thế nào? Chẳng hạn có những doanh nghiệp được thống kê là không tồn thì lại tồn. Có thể nói là chưa có chỉ số xác định thế nào là tồn kho .
Trước diễn biến đó, ông Bùi Hà, vụ trưởng vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (bộ Kế hoạch và đầu tư) đề nghị cần phải cân nhắc lại, vì hiện nay vấn đề tồn kho đang được xem là “nút thắt” của nền kinh tế. Phải tính toán chính xác thì mới tháo được nút.
Theo con số của tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1.10 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng 23,9%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 32%, may trang phục tăng 48%, sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 55%, sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 56,5%, sản xuất xi măng tăng 53,1%, sản xuất sắt, thép, gang tăng 38% .
“Chỉ có buôn lậu mới chịu được lãi suất hiện nay”
Nhấn mạnh đến khó khăn của doanh nghiệp, đại diện của bộ Xây dựng nói, “Tôi nói xin lỗi, với lãi suất 17 – 18% hiện nay thì chỉ có buôn lậu mới chịu được”.
Ông này cho rằng, mặc dù Chính phủ đã đưa chính sách lãi suất 12% nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp thì chưa có hoặc rất ít người có lãi suất này. Trong hai yếu tố phát triển doanh nghiệp là thị trường và vốn thì hiện nay doanh nghiệp rất khó tiếp cận được ngân hàng. Do đó, muốn sản xuất phát triển thì lãi suất phải giảm.
Đồng chia sẻ vấn đề này, đại diện của bộ Công thương nói, thực tế doanh nghiệp có lúc vay được có lúc không. Cần phải có cơ chế giám sát các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện chỉ đạo cho doanh nghiệp vay vốn. Hiện nay hầu như các doanh nghiệp đều phải thu hẹp sản xuất, không thể mở rộng, nên việc kích thích tăng trưởng là khó khăn.
Trả lời vấn đề này, đại diện của ngân hàng Nhà nước (SBV) cho hay, SBV điều hành lãi suất theo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, lạm phát. Nếu so sánh lãi suất của các nước khác chỉ có 1 – 2% thì lạm phát của họ cũng ở quanh mức đó. Trong khi lạm phát của Việt Nam cao. Do đó “so sánh là khập khiễng”.
Với tư cách chủ trì phiên họp, thứ trưởng Cao Viết Sinh nói, cái mọi người quan tâm là trong khi doanh nghiệp khó khăn thì vẫn có những ngân hàng có lợi nhuận lớn, cần làm rõ thêm. Bên cạnh đó, đề nghị SBV cũng phải có trách nhiệm công bố số nợ xấu cụ thể, chính xác. Từ đó các chuyên gia mới có khuyến nghị chính sách thiết thực với Chính phủ .
Theo đại diện của bộ Nông nghiệp và nông thôn, bằng giờ này năm trước, đàn gia súc, gia cầm đều tái đàn rồi. Nhưng năm nay trâu, bò, lợn, gà đều giảm đàn, người chăn nuôi không muốn đầu tư, vì giá đầu vào cao, sức mua giảm. Hầu như chăn nuôi nhỏ lẻ đang lỗ, do đó bộ Nông nghiệp lo ngại nguồn cung sẽ bị thiếu hụt trong dịp Tết này .
(Theo Sài Gòn tiếp thị) Việt Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét