Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

THẤY GÌ SAU 5 NĂM BÁN ĐƯỜNG CHO “ÔNG” BOT?
Cập nhật lúc 08:05    

 
Trạm thu phí Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Trạm nhiều, phí cao, chất lượng một số dự án còn có vấn đề... những mặt được và mất của quá trình 5 năm triển khai hình thức hợp đồng BOT và BT vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các chuyên gia tổng kết đưa ra tại hội nghị tổ chức ngày 7.6 ở Hà Nội.
Phí cao, trạm dày: Dân thiếu đồng thuận vì không được tham vấn

Theo thống kê, trên cả nước có 74 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và 12 hệ thống thu phí trên đường cao tốc do Bộ GTVT quản lý; 14 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và 1 hệ thống thu phí trên đường cao tốc do địa phương quản lý. Trong số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ có tới 20 trạm có khoảng cách chưa tới 60km.
Dù khẳng định đã làm đúng quy trình nhưng Bộ GTVT thừa nhận quá trình triển khai các dự án BOT còn có một số ý kiến khác nhau về vị trí trạm và khoảng cách giữa các trạm thu phí...
Nguyên nhân để dẫn tới sự chưa đồng thuận của người dân là do trong quá trình địa phương tham gia ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân, công tác tuyên truyền không tốt và một số vị trí trạm thu phí lựa chọn chưa thực sự phù hợp.
Khi nhìn lại 5 năm triển khai hình thức BOT, Bộ GTVT nhận định, một số công trình dự án sau khi đưa vào khai thác đã có vấn đề chất lượng như hư hỏng đường đầu cầu, mặt đường và hằn lún vệt bánh xe và nhà đầu tư phải tự bỏ chi phí khắc phục mà không được tính vào chi phí của dự án (ví dụ như ở dự án QL 1 đoạn tránh TP. Vinh, tỉnh Nghệ An; đoạn tránh TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh...).
Sẽ rà soát, thay đổi hình thức BOT như thế nào?
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ nghiên cứu, triển khai đầu tư tuyến mới và tổ chức thu phí trên tuyến mới để người dân được lựa chọn giữa hai tuyến đường, phần thiếu hụt trong phương án tài chính để đảm bảo dự án khả thi (nếu có) sẽ do Nhà nước hỗ trợ.
Bộ khẳng định sẽ không đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới để thu phí trên tuyến cũ hoặc thu phí trên cả hai tuyến, trừ những dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai.
Bộ cho biết sẽ tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng hoàn thành 2.000-2.500km đường bộ cao tốc trước năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng; hoàn thành, đưa vào khai thác từng phần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đối với các tuyến quốc lộ hiện hữu, Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội và người dân thường xuyên qua lại trạm thu phí để đảm bảo sự đồng thuận của người dân... và chỉ nghiên cứu triển khai đầu tư những dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2011-2015, thông qua hình thức BOT, Bộ GTVT đã huy động nguồn vốn tư nhân được 186.660 tỉ đồng (chiếm 42%) trong tổng số 444.040 tỉ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông và thu hút, ký kết được 6,24 tỉ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,46 tỉ USD). Tới nay, nguồn vốn huy động từ tư nhân giải ngân đạt 121.833 tỉ đồng, đạt 65,3% tổng nguồn vốn huy động được là 186.660 tỉ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT (58 dự án BOT với TMĐT 170.355 tỉ đồng và 4 dự án BT với tổng mức đầu tư (TMĐT) 16.305 tỉ đồng) trong đó, lĩnh vực đường bộ 58 dự án với TMĐT là 185.070 tỉ đồng. Hiện, có 36 dự án đang triển khai đầu tư với TMĐT 111.854 tỉ đồng (35 dự án BOT với TMĐT 100.368 tỉ đồng và 1 dự án BT với TMĐT 11.486 tỉ đồng).
(Theo Lao động) Khánh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét