Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Thảm họa cá chết ven biển miền Trung: Hành trình 85 ngày tìm nguyên nhân và thủ phạm

Cập nhật lúc 09:27  
 
Đồ họa: VĂN THẮNG

Thảm họa về môi sinh khiến cá chết trắng ven biển miền Trung từ tháng 4.2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng vạn hộ gia đình ngư dân, khiến khách du lịch “tháo chạy” khỏi các bãi biển... 85 ngày sau thảm họa cá chết, hôm nay (30.6), Chính phủ chính thức công bố nguyên nhân, thủ phạm làm cá chết không chỉ là những bằng chứng khoa học, mà còn là chứng cứ vi phạm pháp luật của thủ phạm gây ra thảm họa trên.
Toàn cảnh thảm họa
Sự kiện cá chết trắng dọc biển miền Trung từ tháng 4.2016 không chỉ là thảm họa về môi sinh, mà còn gây hệ lụy nghiêm trọng đến hàng ngàn, hàng vạn gia đình ngư dân, những người làm nghề du lịch, cũng như thương hiệu quốc gia. Hôm nay (30.6), Chính phủ tổ chức công bố nguyên nhân, thủ phạm cá chết, cũng như biện pháp khắc phục, chúng ta cùng nhìn lại toàn cảnh sự kiện này.
Hành trình 85 ngày
* Ngày 6.4: Xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
* Ngày 10.4: Hiện tượng cá chết lan dần đến Quảng Bình, Quảng Trị.
* Ngày 15.4: Cá chết xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế.
* Ngày 20.4: Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà họp khẩn với các đơn vị trong bộ và xác định: Không loại trừ nguyên nhân ô nhiễm môi trường.
* Ngày 21.4: Ngư dân Nguyễn Xuân Thành ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh thông tin về một ống xả thải khổng lồ chạy dưới biển, một đầu đường ống nối với Khu công nghiệp Formosa. Ngư dân này khẳng định nước phun ra từ ống có màu vàng và rất hôi thối. Cũng trong ngày 21.4 đoàn công tác đầu tiên của Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT, đến thị xã Kỳ Anh để kiểm tra thực tế, tìm hiểu nguyên nhân.
* Ngày 23.4 tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổ chức thảo luận đánh giá tình hình cá chết hàng loạt thời gian qua và xác định yếu tố độc cực mạnh đã gây ra nguyên nhân cá chết.
Cùng thời gian Formosa thừa nhận nhập 300 tấn chất hóa học để xúc xả đường ống.
* Ngày 25.4: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo kiểm tra thực địa tại tỉnh Hà Tĩnh và tình hình cá chết tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ: Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hải sản chết bất thường, báo cáo Thủ tướng biện pháp xử lý.
Cùng ngày, trả lời PV VTC, ông Chu Xuân Phàm - Phó phòng Đối ngoại Formosa đã đưa ra phát ngôn gây sốc: “Phải chọn tôm cá hay xây dựng ngành thép”.
* Ngày 25.4: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tổ chức họp báo và đưa ra lời xin lỗi của ông Phàn.
* Ngày 27.4: Đại diện các bộ: Tài nguyên Môi trường, NNPTNT, Công Thương, Y tế, Khoa học Công nghệ... cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam họp để đi đến kết luận về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Cuộc họp báo sau đó chỉ khoanh vùng hai nguyên nhân: Độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và tảo nở hoa.
* Ngày 28.4: Ông Chu Xuân Phàm - Phó phòng Đối ngoại Formosa thông tin mình bị đuổi việc vì phát ngôn gây sốc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đi kiểm tra Formosa.
* Ngày 1.5: Tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do cá chết bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Bất cứ tổ chức, cơ quan, cá nhân nào vi phạm cũng phải làm rõ và không được bao che ai”.
* Ngày 2.5: Bộ trưởng Bộ TNMT làm việc với các chuyên gia Đức, Mỹ, Israel để tìm ra nguyên nhân cá chết. Đồng thời gần 100 chuyên gia trong nước cùng vào cuộc.
* Ngày 4.5 tổ công tác liên ngành bắt đầu làm việc kiểm tra Formosa Vũng Áng trong 4 ngày.
* Ngày 14.5: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đã đủ cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân cá chết.
* Ngày 2.6: Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn thông tin: “Đã xác định nguyên nhân cá chết nhưng chưa thể công bố”.
* Ngày 20.6 kênh truyền hình PTS của Đài Loan phát phóng sự dài 60 phút về tình trạng cá chết ở miền Trung Việt Nam. Trong phóng sự cũng nêu nhiều ý kiến yêu cầu làm rõ vai trò của Tập đoàn Formosa, bị nghi là nguyên nhân số 1 gây nên loạt hiện tượng ô nhiễm biển nghiêm trọng tại Việt Nam thời gian qua.
* Ngày 28.6: Bộ TTTT chính thức thông báo về cuộc họp của Chính phủ, trong đó sẽ dành thời lượng lớn để thông tin tới người dân nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết.
* Ngày 30.6: Họp báo.
Thảm họa bất ngờ
Miền Trung là dải đất hẹp, uốn lượn theo Biển Đông, hàng triệu gia đình bao đời gắn bó, coi biển là nguồn sống, bờ cõi thiêng liêng của tổ quốc. Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời đã hình thành nên nhiều điểm du lịch hấp dẫn từ Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Lăng Cô… Hệ sinh thái biển có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống. Dọc bờ biển, đã hình thành một hệ thống trầm tích văn hóa sâu sắc, độc đáo. Trong đời sống của dân miền Trung, cũng như đồng bào cả nước, biển cả vừa gần gũi, vừa huyền bí, vô tận, là nguồn sống và tương lai của cộng đồng.
Thảm họa biển miền Trung đến quá bất ngờ. Khoảng 9h ngày 6.4, ông Chu Văn Đại, thợ lặn đang làm việc dưới biển khu vực xả thải của Nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), phát hiện cá chết rất nhiều xung quanh miệng cống. Ông Đại cũng cảm thấy miệng đắng, người mệt mỏi và trong nước có chất độc. Cả tốp thợ lặn 15 người bạn ông đều cảm thấy nước biển có vị khác lạ, độc, người mệt nên đồng loạt xin nghỉ. Sau đó mấy ngày, người dân phát hiện rất nhiều cá chết dạt vào bờ, gồm nhiều loại cá khác nhau, có những loại thuộc tầng đáy nước sâu.
Sau đó, người dân ven biển miền Trung từ nam Hà Tĩnh trở vào lần lượt phát hiện cá chết rất nhiều dạt vào bờ. Từ ngày 10.4, nhiều ngư dân sống ven biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) bàng hoàng phát hiện cá chết tấp vào bờ. Liên tiếp mấy ngày sau đó ngư dân vùng biển xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) và Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy)… cũng phát hiện nhiều loại cá chết bất thường nổi trên mặt nước và trôi dạt vương vãi khắp bờ biển. Đặc biệt là ngày 14.4, cá chết với số lượng lớn ước tính hàng chục tấn.
Hiện tượng cá chết tiếp tục lan vào phía nam. Từ ngày 16 - 19.4, khoảng 20km bờ biển huyện Vĩnh Linh và Gio Linh (Quảng Trị) xuất hiện cá chết hàng loạt. Ước tính mỗi ngày ngư dân vớt được 1 - 5 tấn cá. Hiện tượng cá chết ở Thừa Thiên - Huế bắt đầu từ 15 - 21.4, tại bãi biển các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Sau đó cá chết lan vào đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô) và xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Từ ngày 2 - 5.5, hiện tượng cá chết bất thường trở lại ở Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), xã Phú Thuận, Phú Hải, cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang). Cá lồng bè nuôi trên biển cũng bị chết hàng loạt. Ngày 29.4, một số người dân ở quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) phát hiện cá chết nhiều dạt vào khu vực bờ biển Nguyễn Tất Thành, trong đó có những con to đến hơn 10kg. Tại xã đảo Tân Hiệp (còn gọi là Cù Lao Chàm, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng đã xuất hiện tình trạng cá chết không rõ nguyên nhân, chủ yếu gồm các loài như cá sơn, cá kia, cá liệt, cá kẽm. Một số địa phương công bố tình trạng rạn san hô bị chết, cũng như có hiện tượng cá chết nằm dưới đáy biển.
Hiện tượng cá chết đã gây ra hàng loạt các hậu quả hết sức nghiêm trọng. Người dân lo lắng, hoang mang không sử dụng các loại hải sản dọc bờ biển các tỉnh miền Trung, hàng vạn hộ ngư dân không thể ra khơi đánh bắt hải sản, trước nguy cơ thiếu đói. Ngành du lịch biển nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tê liệt như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Các ngành nghề phụ trợ như buôn bán hải sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ… đều lâm cảnh hiu hắt. Các địa phương lân cận cũng bị ảnh hưởng như Nghệ An, Quảng Ngãi… Những giọt nước mắt đắng cay, bế tắc, tuyệt vọng của ngư dân, của doanh nghiệp, tiểu thương đã rơi trên những doi cát mặn mòi.

 
Cá không bán được, bà Nguyễn Thị Bình (Quảng Trị) phải đưa cá về gửi ở các cơ sở đông lạnh, đợi người dân ăn cá trở lại. Ảnh: H.THƠ
Quyết liệt xử lý hậu quả, điều tra nguyên nhân
Sau khi sự cố cá chết, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị các địa phương cùng khẩn trương vào cuộc, tiến hành thu gom, chôn lấp, xử lý số cá chết, hỗ trợ ngư dân, tích cực điều tra nguyên nhân thảm họa. Ngày 29.4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ TNMT khẩn trương giúp Hà Tĩnh triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của Nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở TNMT Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định: “Không để bất cứ một tàu thuyền nào của ngư dân có hải sản mà không tiêu thụ được”. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân.
Ngày 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường, nhấn mạnh: “Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che”, “xác định đến cùng thủ phạm chính là gì trên tinh thần khách quan, trung thực, thận trọng và khẩn trương”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tụ tập, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường đầu tư. Thủ tướng đồng ý cấp 4.500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ với mức 15kg/người trong 1,5 tháng; miễn lãi suất 6 tháng đối với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67.
Đồng bào cả nước chung tay hướng về miền Trung, với nhiều hành động thiết thực thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ngư dân trong hoàn cảnh khó khăn. Nhiều địa phương đã có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, chuyển hướng ngành du lịch biển.
Đến cuối tháng 6, tình hình cơ bản đã ổn định, tuy nhiên, thị trường hải sản và du lịch nhiều địa phương vẫn chưa phục hồi; hàng nghìn tàu cá của ngư dân vẫn nằm bờ, nhiều khu du lịch biển vắng tanh vắng ngắt. Tâm lý lo lắng, e ngại của người tiêu dùng vẫn còn ngự trị, đặc biệt sau sự kiện phát hiện chất phenol trong 30 tấn cá nục ở Quảng Trị. Đồng bào cả nước, ngư dân đều mong muốn Chính phủ sớm công bố nguyên nhân cá chết, giải pháp khắc phục, phục hồi môi trường cũng như trừng trị nghiêm khắc thủ phạm đã gây ra thảm họa này, và yêu cầu được bồi thường một cách thỏa đáng.
Các nước phạt nặng trong những thảm họa môi trường
Năm 1999, chính quyền Campuchia đã kỷ luật hàng chục quan chức và gửi trả hàng nghìn tấn chất độc mà Công ty Đài Loan Formosa Plastics tống sang cảng Sihanoukville. Các nước khác cũng có nhiều hình phạt nặng với các thảm họa môi trường khác.
* Theo báo chí quốc tế và tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nêu ra, từ cuối năm 1998 Formosa đã tìm cách “xuất cảng” chất thải công nghiệp độc hại sang Campuchia. Sự việc xảy ra từ ngày 4 - 6.12.1998, khi Formosa cho đem sang cảng Sihanoukville khối chất thải nhiễm độc, và gây nhiễm độc cho nước biển, đất ven bờ và cả người dân địa phương. Trước đó, theo một báo cáo của HRW, chính Cơ quan Bảo vệ môi trường Đài Loan (EPA) đã nhận được đơn của Formosa xin phép đem 5.000 tấn chất thải chứa thủy ngân sang Campuchia nhưng bác đơn này. Dù vậy, vào tháng 12.1998, tàu container Chang Shun từ Đài Loan đã vào cảng Sihanoukville và đem đến 2.799 tấn chất thải. Pich Sovann, một công nhân khuân vác ở cảng đã chết ngày 16.12.1998 chỉ vì tham gia đổ khối hàng xuống. Sau đó có thêm một người đàn ông nữa chết sau khi tìm kiếm trên đống rác có chất thải hãng Đài Loan đổ ra.
Vẫn theo BBC, Formosa sau đó đã thu lại chừng 3.000 tấn chất độc để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Mỹ. Nhưng Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã rút lại quyết định trước đó cho Formosa nhập chất độc vào Mỹ, với lý do hàm lượng độc tố cao hơn chuẩn mà luật Mỹ cho phép. Chính quyền ở Cao Hùng, Đài Loan cũng đã phạt Công ty Formosa 48.000USD vì vận chuyển chất thải ra nước ngoài trái phép. Đài Loan cũng mở cuộc điều tra về hành động của Formosa Plastics.
Tiếp đó, tháng 9.2009, chính quyền Mỹ tại hai bang Texas và Louisiana đã buộc Formosa Plastics chi hơn 10 triệu USD để xử lý vi phạm thải chất độc ra không khí và nguồn nước. Sự việc xảy ra tại hai nhà máy của Formosa tại Point Comfort, Texas, và Baton Rouge, Louisiana. Công ty Đài Loan cũng phải đồng ý trả tiền phạt dân sự 2,8 triệu USD vì các vi phạm luật về nước sạch, không khí sạch và luật về kế hoạch công nghiệp của Hoa Kỳ, theo báo chí Mỹ.
Chính quyền Campuchia, dưới sức ép của dư luận đã kỷ luật nhiều quan chức cảng của họ và đòi phía Đài Loan nhận lại container chứa chất thải. Đến tháng 4.1999, chừng 4.000 tấn chất thải và cả đất nhiễm độc đã bị gửi trả lại Đài Loan.
* Tháng 7.2015, Công ty BP của Anh đã phải đồng ý trả khoản phạt môi trường kỷ lục 18,7 tỉ USD trong vụ kiện của Chính phủ Mỹ và các bang của Mỹ đưa ra vì công ty này đã gây tràn dầu trong Vịnh Mexico năm 2010 gây chết người. Bộ Tư pháp Mỹ cùng các bang Louisiana, Mississippi, Alabama, Texas and Florida đều kiện BP vì những thiệt hại trong thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Vụ nổ năm 2010 ở giàn khoan Deepwater Horizon của BP đã khiến 11 người chết và làm 4,2 triệu thùng dầu tràn ra Vịnh Mexico trong 87 ngày.
* Mới nhất, trong tuần qua, bang Texas của Mỹ đã đạt được thỏa thuận bồi thường một phần với Công ty sản xuất ôtô Volkswagen liên quan đến vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng do bang này đưa ra từ tháng 10.2015. Theo đó, Volkswagen đã cố ý lừa gạt trong các thử nghiệm phát thải trong nhiều năm và công ty này sẽ phải trả 14,7 tỉ USD tiền phạt. Đây mới là bước đi tạm thời đầu tiên, công ty có thể vẫn phải vẫn tiếp tục đối mặt với các cáo buộc hình sự khác cũng như các khoản phạt dân sự khác vì vi phạm Luật Không khí sạch. V.N
(Theo Lao động) LÂM CHÍ CÔNG - QUANG ĐẠI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét