Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Cần chấm dứt việc HDV “chui” người Trung Quốc tuyên truyền sai lệch về Việt Nam ngay tại VN

Cập nhật lúc 08:47


 Liên quan đến sự việc HDV “chui” người Trung Quốc giới thiệu sai lệch về lịch sử Việt Nam cho khách Trung Quốc đến Đà Nẵng, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch nêu quan điểm; đây là điều không thể chấp nhận được.
 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Dũng khẳng định, nếu việc này xảy ra như phản ánh thì đây là điều không thể chấp nhận được.
“Không cần biết anh là HDV có hiểu biết giới thiệu đúng về Việt Nam, nhưng anh là người nước ngoài đến Việt Nam hướng dẫn cho khách đã là sai luật rồi chứ đừng nói đến việc vừa là người nước ngoài sang Việt Nam làm HDV “chui” lại giới thiệu sai lệch về lịch sử, địa lý Việt Nam là điều không thể chấp nhận được”, ông Dũng nói.
Vị đại diện Vụ lữ hành này cho biết, quan điểm của Tổng cục Du lịch (TCDL) là kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi phải xác minh đó là công ty nào và bắt “tận tay” mới xử lý được.
 Đà Nẵng vốn có tiếng nề nếp đang bị một số HDV chui giới thiệu sai lệch về thành phố này.
Đà Nẵng vốn có tiếng nề nếp đang bị một số HDV "chui" giới thiệu sai lệch về thành phố này.
Bức xúc trước hiện tượng HDV “chui” là người Trung Quốc đang “hoành hành” tại Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Luật Du lịch Việt Nam quy định rất rõ về việc sử dụng HDV, tuy nhiên việc để xảy ra vấn đề này đơn giản là bởi các doanh nghiệp Việt Nam đang bị một số doanh nghiệp Trung Quốc chèn ép.
“Họ lấy lý do là không đủ HDV tiếng Trung, nhưng thực tế, Việt Nam chúng ta có tới 700 HDV nói tiếng Trung nhưng không được sử dụng. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp Việt Nam tự thỏa thuận với doanh nghiệp Trung Quốc với lý do là không có tiền. Đây là cái tội của doanh nghiệp Việt Nam đã thông đồng với doanh nghiệp Trung Quốc tạo ra sự lũng loạn gần đây tại Đà Nẵng - một thành phố có tiếng về nề nếp”, ông Bình bức xúc.
Ông Bình chia sẻ thêm: Để sự việc này xảy ra là có cả lỗi của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Tại sao ngành du lịch địa phương không có văn bản đưa HDV tiếng Trung của chúng ta từ địa phương khác đến những nơi có khách Trung Quốc đông như ở Đà Nẵng, Nha Trang mà để xảy ra hiện tượng đau lòng trên. Đây là lỗi của cơ quan quản lý ở địa phương.
Không thể biện hộ được điều này, mà phải xem đó là sự đồng lõa của doanh nghiệp và có cả việc “bật đèn xanh” của cơ quan quản lý ở địa phương. Chúng ta không có lý do để bào chữa. Tại sao không quản lý được mà không báo cáo với Trung ương. Mỗi điểm du lịch đều có sức chứa riêng của nó, các cơ quan quản lý của chúng ta có tính được không, làm gì có chuyện khách du lịch đông hơn cư dân địa phương, làm gì có chuyện người nước ngoài sang Việt Nam thuyết minh về lịch sử, đất nước con người Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn không thể chấp nhận được.
 
Đà Nẵng đang được xem là điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam nhưng hiện tượng này rất có thể khiến du lịch thành phố bên sông Hàn xuống giá
Đà Nẵng đang được xem là điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam nhưng hiện tượng này rất có thể khiến du lịch thành phố bên sông Hàn "xuống giá"
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtour cho rằng, giá tour thấp là yếu tố chính khiến làn sóng khách Trung Quốc gây ra nhiều điều tiếng cho thị trường này. Chính vì giá tour thấp, nên mới có chuyện khách Trung Quốc sang Việt Nam chỉ được dẫn vào nhà hàng Trung Quốc, rồi HDV cũng toàn là người Trung Quốc.
“Giáo tour thấp đương nhiên sẽ nảy sinh ra nạn chặt chém để bù lại tiền, phải dẫn vào “vòng khép kín” mới có lãi. Đây là hiện tượng đang xảy ra ở Việt Nam. Tất cả đã gây ra tiếng xấu cho ngành du lịch nước sở tại và cả sự thiệt thòi cho người dân Trung Quốc khi đi du lịch”, ông Hoan nói
(Theo Dân trí) Hữu Thắng

 Sự xuyên tạc láo xược của hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc

 

Là một dân tộc hiếu khách, những du khách đến với Việt Nam còn mang lại lợi ích kinh tế, nhất là với các tỉnh đặt du lịch là kinh tế mũi nhọn. Song, chúng ta không chấp nhận bằng mọi giá. Những hành vi xuyên tạc lịch sử, đốt tiền Việt Nam cần phải lên án mạnh mẽ và cần được xử lý bằng pháp luật.
 


(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Theo báo điện tử Dân trí, bài “Hướng dẫn viên Trung Quốc giới thiệu về Việt Nam như thế nào?” cho biết, ngày 24/6, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm phương hướng đối với những bức xúc liên quan đến sự phát triển nóng lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng.
Tại đây, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết có hướng dẫn viên tiếng Trung của Việt Nam phát hiện hướng dẫn viên của Trung Quốc giới thiệu “trước đây Việt Nam thuộc Trung Quốc, toàn bộ biển Đà Nẵng là của Trung Quốc”.
Nếu như thông tin này là xác thực, đây là hành động láo xược, xuyên tạc sự thật lịch sử, xúc phạm dân tộc Việt Nam, gây phương hại đến tình hữu nghị hai dân tộc và làm hoen ố hình ảnh của chính đất nước họ.
Theo bài báo trên, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam gần đây tăng đột biến, riêng tại Đà Nẵng, chiếm tới 40% tổng lượng khách quốc tế đến với thành phố này. Nếu nhìn vào con số trên, thì đây là hiện tượng đáng mừng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một nhà chuyên môn thì không hẳn như thế mà thậm chí, ngược lại.
Lý do thứ nhất, khách Trung Quốc thường tìm đến những khách sạn của người Trung Quốc. Họ lại sử dụng luôn cả hướng dẫn viên du lịch cũng người Trung Quốc nên ít góp phần giải quyết công ăn việc làm. Ông Vinh còn cho biết, họ chỉ sử dụng đồng nhân dân tệ.
Lý do thứ hai, sự gia tăng lượng du khách Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc suy giảm lượng khách các nước khác, nhất là những du khách của các quốc gia giàu có phương Tây .
Báo Người lao động, bài “Khách Trung Quốc đến, khách Tây đi!” còn cho biết: “Thực tế cho thấy ở đâu có du khách Trung Quốc đến đông thì ở đó khách châu Âu giảm hẳn vì họ thường rất xô bổ, ồn ào, thiếu ý thức...”.
Bài báo còn trích ý kiến một người dân: “Du khách châu Âu thấy khách Trung Quốc vào là bỏ đi luôn nên nhiều khi chúng tôi rất bực bội vì mất khách” và “các điểm có khách TQ đến đông thì khách châu Âu rất ngại đến”, bài báo viết. Phải chăng sự hiện diện của du khách Trung Quốc là điều không được hoan nghênh với du khách các nước khác? Hậu quả là lượng khách thì tăng nhưng lợi nhuận thì không, thậm chí giảm đáng kể.
Thứ ba, du khách Trung Quốc không được đánh giá cao về tinh thần văn hóa. Họ thường có thói quen ăn nói ầm ĩ, khác nhổ lung tung và vứt rác bừa bãi. Một số còn có thái độ hung hăng, côn đồ và có nhiều hành vi thiếu văn hóa khác. Ông Huỳnh Đức Thơ còn cho biết hiện tượng du lịch “chui” gắn liền với trốn tránh sự kiểm soát, gây thất thu thuế, gây ra những phản cảm về văn hóa làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Đà Nẵng.
Trở lại với hành vi láo xược đã nói ở trên, còn nhớ cách đây không lâu, một du khách Trung Quốc đã có hành động cũng láo xược tương tự: đốt tiền Việt Nam. Đó là hình ảnh vô cùng xấc xược, xúc phạm dân tộc Việt Nam và xúc phạm hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên đồng tiền.
Là một dân tộc hiếu khách, những du khách đến với Việt Nam còn mang lại lợi ích kinh tế, nhất là với các tỉnh đặt du lịch là kinh tế mũi nhọn. Song, chúng ta không chấp nhận bằng mọi giá. Những hành vi xuyên tạc lịch sử, đốt tiền Việt Nam cần phải lên án mạnh mẽ và cần được xử lý bằng pháp luật.
Song, câu hỏi đặt ra, chúng ta phải làm gì để chấm dứt hiện tượng này? Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm về sự lỏng lẻo trong công tác quản lý? Các quốc gia trong khu vực đã có biện pháp gì với những hành vi tương tự?... Câu hỏi đó thuộc về ccác cơ quan quản lý du lịch Việt Nam.
Chỉ nhắc lại, không có bất cứ ai vì bất cứ lý do gì được phép xuyên tạc lịch sử Việt Nam cũng như xúc phạm đến hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải không các bạn?
(Báo Dân trí) Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét