Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Brexit: Nhiều người Anh hối hận vì chọn "ra đi"

Cập nhật lúc 07:47     

 Chưa đầy 24 giờ sau khi chọn “ra đi”, nhiều người Anh lũ lượt lên Twitter than thở họ hối hận, rằng họ tưởng lá phiếu của mình không ảnh hưởng gì.

“Tôi không nghĩ là phiếu của tôi sẽ ảnh hưởng nhiều. Tôi tưởng kiểu gì chúng ta cũng sẽ ở lại” – một người đàn ông tên Adam trả lời phỏng vấn đàiBBC. Dù Adam thổ lộ đang “rất lo lắng”, anh vẫn bị nhiều người chỉ trích trên mạng xã hội vì xem thường lá phiếu và bỏ phiếu cho điều mình không thực sự ủng hộ.
“Hiện thực sáng nay (24-6) thật chấn động. Tôi ước gì mình được bỏ phiếu lần nữa và lần này tôi sẽ chọn khác” – cô sinh viên Mandy Suthi nói với báoEvening Standard. Suthi chọn “ra đi” trong ngày 23-6 và sáng 24-6 “chào đón” cô (cùng toàn nước Anh) bằng việc đồng bảng mất giá chưa từng có trong vòng 30 năm qua.


Nhiều cử tri chọn ra đi đang hối hận. Ảnh: NBC
 
Nhiều cử tri chọn "ra đi" đang hối hận. Ảnh: NBC
Tỉnh dậy và hoảng hồn với cảnh nền kinh tế trong nước lẫn các thị trường tài chính toàn cầu tan tác, nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU) vừa hối hận vừa đổ lỗi cho phe “ra đi” đánh lừa họ.
Một số người bày tỏ tâm trạng trên Twitter:
“Tôi bỏ phiếu chọn ra đi vì tin vào những lời dối trá. Tôi hối hận hơn bao giờ hết. Tôi thấy như mình đã bị đánh cắp phiếu bầu” – tài khoản “khembe”.
“Tôi chọn ra đi để giúp kinh tế nước mình. Nhưng đồng bảng đang lao dốc và tôi lập tức hối tiếc” – tài khoản “Ryan Richardson”
“Đang ở cùng các cử tri đã chọn ra đi trên đài BBC. Hầu hết họ nói họ tỉnh dậy với câu hỏi ‘Tôi đã làm gì thế này?’. Họ không thực sự nghĩ ra Anh sẽ rời EU” – tài khoản “Louisa Compton ”
“Điên cuồng” tra Google về EU
Trong khi các thủ lĩnh của phe “ra đi” đang hồ hởi với chiến thắng, nhiều người dân Anh dường như không rõ lắm về điều họ đã làm, theo báo The Washington Post.
Theo thống kê của Google, số lượng tìm kiếm các vấn đề liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý tăng vọt trong ngày 24-6, tức một ngày sau khi nó diễn ra. Một số câu hỏi phổ biến nhất là: Brexit là gì?, Vì sao chúng ta nên ở lại EU?, Vì sao chúng ta nên rời EU?, Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta rời EU?, Những nước nào thuộc EU?...
Tréo ngoe hơn, cũng theo thống kê của Google, “EU là gì?” là câu hỏi được tìm kiếm nhiều thứ hai tại Anh kể từ khi kết quả chính thức được công bố hôm 24-6.
Hải Ngọc (Theo Vox, Washington Post, Slate)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét