Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Nhà thầu bị phá đường: Hằn lún là do khâu thi công

Cập nhật lúc 07:42

(Tin tức thời sự) - "Thời tiết chỉ là một nguyên nhân, còn theo tôi chủ yếu vẫn là thi công không đúng chất lượng".

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hải, nhà thầu thi công vừa bị kẻ xấu phá hoại một số điểm trên đường quốc lộ bằng hóa chất, khia trao đổi với Đất Việt, ngày 1/7.
Ba yếu tố dẫn đến đường bị hằn lún nếu thực hiện không đúng
Bởi vì theo ông Minh nếu thi công đảm bảo đúng quy trình, vật liệu đúng tỷ lệ, chất lượng tốt, thì sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng hằn lún.
Ông Minh cũng chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến hằn lún cũng do nhiều yếu tố: "Thứ nhất, khâu thiết bị, thường thì đối với mặt đường bê tông nhựa, thiết bị rất quan trọng, phải là thiết bị tiên tiến, hiện đại vì chạy đua với nhiệt độ.
Lu phải đạt cường độ, trước 70 độ C phải xong toàn bộ công tác lu lèn. Có nhiều đơn vị ít lu, nên khi lu với nhiệt độ dưới 70 độ C, thì vẫn chưa đạt, dù có tiếp tục lu nữa thì lúc đó không còn tác dụng. Thiết bị phải tiên tiến, đồng bộ, hiện đại, đủ số lượng.
Thực tế, Sơn Hải khi làm luôn phải có tối thiểu ít nhất 6 xe lu, trong đó 1 xe lu dự phòng. Nếu khoán lu thảm đường nhựa sẽ không bao giờ thành công, vì lợi nhuận nhà thầu sẽ lu nhẹ, không đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, chưa kể đến nguyên vật liệu, đá phải đúng cấp phối với thiết kế, hiện nay tình trạng nhiều nhà thầu mua vật liệu lại từ các đơn vị cung cấp, người ta sản xuất thế này, mai sản xuất thế khác, không theo một chất lượng nhất định.
Bên Sơn Hải thì mua đá nghiền ra hoặc đưa ra các mỏ để nghiền ra được đá cấp phối như ý muốn, theo tiêu chuẩn cố định, cụ thể.
Thứ ba, quá trình thi công thì phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm, có nhiều bí quyết trong đó. Ví dụ như: độ chặt nền đường phải đảm bảo chịu được nhiệt độ 80 độ C thì khi đưa vào khai thác mới đảm bảo không lún".
Bên cạnh đó, theo ông Minh thì nguyên nhân do nắng nóng thì không phải năm nay mới nóng, những năm trước đây nhiệt độ nóng cũng đã rất cao, năm nay chỉ cao hơn nửa độ, hoặc 1 độ, nên có thể thấy nền nhiệt không thay đổi quá nhiều. Chính vì thế, sự thay đổi nhiệt độ là không quá nhiều nên không thể đổ lỗi cho thời tiết.

Nha thau bi pha duong: Han lun la do khau thi cong
Kết cấu mặt đường của tuyến đường quốc lộ do Tập đoàn Sơn Hải thi công được kiểm tra 
Từ đó, ông Minh khẳng định: "Chúng ta có thể thấy rõ, nguyên nhân dẫn đến các tuyến đường bị hằn lún vệt bánh xe là do khâu thi công không đảm bảo chất lượng cộng với tác động nhiệt độ tăng cao, lưu lượng xe đi vào thì nó ma sát chiếc xe, mặt đường dẫn đến lún, khi đó kết cấu mặt đường yếu đi".
Kiểm tra kết cấu mặt đường để phát hiện nguyên nhân dẫn đến hằn lún
Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Minh cho rằng, việc hằn lún là do quá trình thi công, nên chỉ cần kiểm tra về kết cấu mặt đường, bằng cách cắt lớp mặt đường thì có thể kiểm tra luôn phần thi công, sau đó sẽ xác định được nguyên nhân là do đâu.
Khi đó sẽ trả lời được câu hỏi: Vì sao lún do thi công chưa đảm bảo theo quy định cộng với nhiệt độ tăng cao nên mới sinh ra lún?.
Ông Minh cho hay: "Chúng tôi không phủ nhận chuyện nhiệt độ cao kết hợp với hấp thụ nhiệt của mặt đường, lưu lượng xe lớn, tạo ra độ ma sát lớn khiến ngày cao điểm nhất nhiệt độ mặt đường lên đến 60-65 độ C cũng tác động nhiều đến nền đường".
Còn về sự việc, Dự án mở rộng QL 1A đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình thuộc các gói thầu số 10 và 14 có một số đoạn bị kẻ xấu đổ hóa chất làm bong tróc mặt đường, theo ông Minh, thì chắc chắn là do tổ chức nhà thầu nào đó thực hiện.
"Các nhà thầu muốn đường các nhà thầu đều như nhau, không có sự chênh lệch về thời gian bảo hành, khi đó, nếu tiến hành sửa chữa thì Bộ GTVT sẽ chi trả lại số tiền này", ông Minh nói.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ GTVT cũng đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm thiết kế, thi công, quản lý chất lượng, xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa.
Tại đây, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hằn lún là do con người. Cụ thể, công tác thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa còn nhiều tồn tại; một số nhà thầu sử dụng các đơn vị tư vấn thiếu kinh nghiệm trong công tác thiết kế bê tông nhựa; một số dự án khi đoàn kiểm tra đến đã phát hiện ra chưa có kết quả thí nghiệm hằn lún vệt bánh xe nhưng đã cho thi công đại trà.
“Các dự án có xuất hiện hằn lún vệt bánh xe đã không tuân thủ quy định của Bộ GTVT về việc tập trung ít nhất 70% khối lượng vật liệu trước khi thí nghiệm, thiết kế cấp phối và rải bê tông nhựa trước khi thi công đại trà.
Điều này dẫn đến tình trạng chỉ tiến hành thử nghiệm, thiết kế cấp phối bê tông nhựa cho một mỏ vật liệu nhưng khi thi công đại trà lại dùng vật liệu ở nhiều mỏ cung cấp hoàn toàn khác loại vật liệu đã được thí nghiệm, khiến chất lượng bê tông nhựa không đảm bảo ổn định, nên dẫn đến hiện tượng hằn lún vệt bánh xe”, ông Hoàng Hà phân tích.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nếu như năm 2014 tỷ lệ hằn lún khoảng 8-10%, thì sang năm nay tỷ lệ này còn 3,46%. Các vị trí hằn lún ở QL 1A qua địa phận tỉnh Ninh Bình sửa chữa năm 2014 là 56.000m2, nay chỉ còn lại 2.000m2 hư hỏng (khoảng 3%).

Nhiều điểm bị hằn lún trên QL1 
Tuy nhiên, ông Đông cũng cho biết, dù đã có nhiều chỉ đạo của Bộ GTVT nhưng tình trạng hằn lún vệt bánh xe vẫn xảy ra cục bộ ở một số công trình, gói thầu, rải rác khắp các vùng miền, cả dự án do bộ GTVT làm chủ đầu tư cũng như các chủ đầu tư khác. Nếu công trình vừa đi vào khai thác đã xuất hiện ngay hằn lún thì nguyên nhân do chủ quan nhiều hơn.
“Vì thế, nhà đầu tư cần phải có nhận thức tốt, trách nhiệm cao và tuân thủ các quy chuẩn của Bộ GTVT đưa ra. Chúng ta phải khẳng định được chất lượng ngay từ lúc thi công, chứ không đợi đến khi thông xe xong vài tháng sau mới biết.
Giải pháp là phải bảo hành công trình tối thiểu 5 năm vì về nguyên tắc càng lâu thì độ cứng, độ chắc, độ bền của đường càng lớn”, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ.
(Theo Đất Việt) Bảo Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét