Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Doanh nghiệp FDI được quyền "mặc cả": Tiền lệ xấu Samsung?

Cập nhật lúc 07:45

 (Tài chính) - Nếu cứ để DN trong nước tự bơi, tỉ lệ hi sinh là rất cao, khi đó tính tự chủ của nền kinh tế cũng bị đe dọa

Vì sao FDI có “quyền mặc cả”? 
Trong báo cáo của mình, Viện nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đã đặt vấn đề DN FDI đang xin quá nhiều. Báo cáo đã chỉ thẳng ví dụ về Samsung và cho rằng cần đặt ra vấn đề hạn chế "quyền mặc cả" của FDI để tránh tạo những tiền lệ xấu.  
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại phải làm như vậy? Có phải vấn đề ưu đãi cho FDI suốt 20 năm qua bây giờ mới bộc lộ những mâu thuẫn? Và chính sách ưu đãi này đang ảnh hưởng thế nào tới khu vực sản xuất trong nước? 

Doanh nghiep FDI duoc quyen
Ảnh minh họa
Không phủ nhận những đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên ông Bùi Trinh cho rằng chính sách ưu đãi hiện nay đang tạo ra một sân chơi bất bình đẳng giữa khu vực DN FDI với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. 
Trong khi khu vực DN FDI đang nhận được rất nhiều ưu đãi và hoạt động rất tốt thì khu vực doanh nghiệp nội vẫn yếu kém và yếu thế. Đáng nói, có nhiều địa phương vì chỉ tiêu tăng trưởng, vì thành tích thi đua đã không ngại thỏa hiệp ưu đãi nhằm thu hút FDI bằng được, thỏa hiệp cũng để giữ chân bằng được DN FDI. 
Không đổ lỗi hoàn toàn cho chính sách ưu đãi nhưng rõ ràng đây cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội khó càng thêm khó. DN nội nếu muốn tìm được chỗ đứng trên thị trường cũng phải chịu rất nhiều sức ép hoặc phải chấp nhận lép vế trước doanh nghiệp FDI. 
Do nội lực các doanh nghiệp nội quá yếu, cách làm còn thụ động việc dựa vào FDI để phát triển là tất yếu. Nhưng nếu để phụ thuộc quá nhiều sẽ còn nguy hiểm hơn, nhất là khi có biến động, hoặc vì lý do nào đó FDI rút vốn thì không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra.  
Theo ông Trinh, một điều chắc chắn các cơ quan lý đều biết là khi thu hút FDI và ngay cả khi những doanh nghiệp FDI hoạt động tốt thì cơ bản Việt Nam cũng gần như không được hưởng hoặc là hưởng rất ít trong chuỗi sản phẩm của họ. FDI chỉ coi Việt Nam là công xưởng gia công. Nhập nguyên liệu từ nước ngoài và về lắp ráp. Cơ bản tính lan tỏa trong sản xuất là không có.  
“Nhưng hình như người dân và cả các cơ quan quản lý bằng lòng với điều này, các doanh nghiệp nội làm gia công thì gia công cho FDI cũng thế thôi. Các nhà quản lý nghĩ thế chăng?”, ông đặt câu hỏi. 
Đáng buồn, dù FDI luôn ở vị thế lấn lướt và được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính sách thu hút vốn của Việt Nam nhưng như vậy còn chưa đủ với những doanh nghiệp này. Không riêng gì địa phương, các cơ quan quản lý trung ương cũng phải nhân nhượng hết lần này đến lần khác chạy theo những đòi hỏi vô lý từ chính sách miễn giảm thuế cho đến những cơ chế mang tính đặc thù riêng của những doanh nghiệp loại này. Ngay cả khi việc đóng góp thuế của Samsung đã được chỉ ra còn không bằng tổng giá trị miễn giảm của chính sách thuế họ đang hưởng. 
Cả những đóng góp vào tăng trưởng GDP của khu vực FDI cũng được chỉ ra là không có nhiều ý nghĩa. Ông Trinh nói rằng, phải nhìn sâu hơn vào chỉ tiêu này xem tăng trưởng này là vì cái gì? Nó có lan tỏa đến chu kỳ sản xuất sau không? Hay càng tăng trưởng lại càng nợ nần, càng bội chi ngân sách, môi trường bị hủy hoại? 
“Tại sao các doanh nghiệp FDI có quyền mặc cả còn doanh nghiệp nội thì không? Tai sao các doanh nghiệp nội chậm nộp thuế thì bị “công khai minh bạch” trong khi cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp lại không công khai cục thuế nào nợ thuế doanh nghiệp? Tại sao không có sự cư xử bình đẳng giữa các thể chế?”, ông Trinh nói thẳng vấn đề này chỉ có cơ quan quản lý mới có thể trả lời được.  
PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện kinh tế và thương mại quốc tế cũng cho rằng chính sách thu hút FDI hiện nay đang lộ rõ những bất cập lớn. Chính sách hiện nay thay vì quan tâm nhiều hơn tới doanh nghiệp trong nước thì lại đang giành ưu thế cho doanh nghiệp nước ngoài. DN trong nước gần như bị bỏ quên hoặc đứng ngoài những chính sách ưu đãi hiện nay.  
Lẽ ra cần phải có chính sách hỗ trợ phát triển song song giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài thì Việt Nam lại đang nới room quá đà trong ưu đãi các DN FDI. Thực tế chứng minh, nếu một môi trường phát triển không công bằng, minh bạch sẽ làm thui chột những ý tưởng sáng tạo, triệt tiêu động lực phát triển của những doanh nghiệp trong nước. Sự thất bại thảm hại của ngành công nghiệp ô tô trong nước đã thấy rõ điều này.  
Phải thay đổi tư duy “quả mít”
Cho rằng chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài bao giờ cũng cần nhưng phải lựa chọn thu hút thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Dễ nhận thấy, trước đây VN có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, về đất đai, nhưng chính sách thuế thì giai đoạn này khá thoáng. Tài nguyên cũng cạn kiệt dần, những lợi thế tự nhiên dần thu hẹp để đối trọng lại không còn cách nào khác phải chạy theo thỏa thuận và ưu đãi. Đó là bất cập lớn.
Theo PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh nếu muốn hạn chế được quyền đòi hỏi của FDI trong bối cảnh này chỉ còn cách chỉ ra được lợi thế của mình. Phải phân tích, đánh giá được lợi thế của mình. Phải trả lời được câu hỏi tại sao họ lựa chọn VN? VN có lợi thế so sánh thế nào với các nước ASEAN và TQ?  
Đó là về mặt kỹ thuật. Về mặt chiến lược cần phải có cái nhìn sâu rộng hơn. Tuyệt đối không nên bị choáng ngợp bởi nguồn vốn các DN nước ngoài đầu tư vào. Đánh giá lợi ích cụ thể cho đất nước, cho từng địa phương phải dựa trên tầm nhìn 5-10 năm. Đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể cả về tác động tới xã hội, về sức lan tỏa tới nền kinh tế và lao động để có cơ chế ưu đãi cho phù hợp.
Tức là ưu đãi phải đổi lại được những lợi ích thực tế. Một là đội ngũ; hai là công nghệ; ba là doanh nghiệp phát triển và bốn là hệ thống quản lý… Nếu không làm được như vậy, DN FDI vào ồ ạt khi hết lợi thế sẽ rút đi ồ ạt cuối cùng cái VN được là ô nhiễm môi trường và trở thành bãi rác thải công nghệ. 
Theo ông Minh, có thể dễ dàng nhận thấy ở VN các cơ quan quản lý địa phương đang mắc phải một nỗi sợ hãi vô hình. Sợ hãi vì áp lực tăng trưởng GDP và sợ hãi vì áp lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Khi nỗi sợ quá lớn sẽ dễ mắc sai lầm trong thu hút đầu tư nước ngoài. Khi mắc sai lầm sẽ phải chạy theo sai lầm hoặc phải mất thời gian rất dài để khắc phục sai lầm đó. Điều này không khác nào đã đẩy các doanh nghiệp trong nước vào thế khó, không thể cạnh tranh, phát triển được.  
VN có thể học cách thu hút vốn từ Hàn Quốc. Trong những năm có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, Hàn Quốc đã thành lập cả danh sách những ngành công nghiệp được ưu tiên kêu gọi phát triển và đi cùng là những cam kết cụ thể. Ví dụ, DN FDI muốn đầu tư vào công nghiệp ô tô, phải có cam kết 5 năm đầu tỉ lệ sản phẩm nội địa hóa đạt 30%, 10 năm tiếp theo là 70%. 
Vấn đề của VN lúc này là phải biết lựa chọn và tận dụng thế mạnh để tập trung vào thế mạnh đó. Nhưng hiện nay, VN vẫn chưa đủ dũng cảm và vẫn còn điều hành theo tư duy “quả mít”. Tức là khu vực nào, lĩnh vực nào cũng là nền kinh tế mũi nhọn. 
Ông Minh cho rằng, ngay lúc này cần phải thay đổi tư duy, chính sách. Cơ bản vẫn là tạo được một môi trường cạnh tranh bình đẳng dù chỉ ở mức tương đối. Bên cạnh đó, nhà nước phải có động thái tích cực từ chính sách song song với ưu đãi phải có điều kiện buộc FDI liên kết, thúc đẩy DN trong nước phát triển.
"Nếu cứ để DN trong nước tự bơi, tỉ lệ hi sinh là rất cao khi đó tính tự chủ của nền kinh tế cũng bị đe dọa nghiêm trọng", PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh kết luận.  
(Theo Đất Việt) Vũ Lan ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét