Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Phương Tây hãy dũng cảm thừa nhận là Putin đúng đi

Cập nhật lúc 09:45   

 putin

Đó là câu nói đang được các nhà phân tích kinh tế ủng hộ điện Kremlin nói ra nhiều nhất trong hai ngày đầu tháng 3.2015, để đáp trả lại những hoài nghi và chê bai từ giới truyền thông và các học giả phương Tây về những chính sách kinh tế mà tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai trong suốt thời gian qua để giai quyết nguy cơ khủng hoảng kinh tế mà xứ sở bạch dương phải đối mặt. 
Đến thời điểm hiện tại, đã có thể khẳng định là những chính sách kinh tế có phần cứng rắn của điện Kremlin là đúng đắn và đã phát huy hiệu quả, đồng Rup đã có đà tăng giá mạnh nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Và có lẽ đây là thời điểm thích hợp để thừa nhận rằng, ông Putin đã đúng.
Nếu có một cuộc chiến một chiều nào điển hình nhất trên thế giới trong suốt giai đoạn cuối năm 2014 và đầu năm 2015, thì đó hẳn phải là cuộc chiến trong đó giới truyền thông và học giả phương Tây công kích các chính sách kinh tế của Nga. Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, giá dầu giảm mạnh cùng với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây đã đẩy Nga vào chân tường với nguy cơ khủng hoảng kinh tế đã ở ngay trước mắt. 
Đồng Rup tụt giá thảm hại, đỉnh điểm là tụt xuống gần 40% khiến đã có lúc đồng tiền nội tệ của Nga đã được xem là đồng tiền có tốc độ mất giá nhanh nhất thế giới, các lệnh trừng phạt kinh tế cũng khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rút khỏi Nga đồng thời chặn đứng các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xứ bạch dương. Đồng Rup mất giá khiến cho lạm phát tăng cao đến mức, quỹ dự trữ ngoại hối của Nga trong năm 2014 đã sụt mất trên 100 tỷ USD mà một phần trong đó là để trợ giá đồng Rup.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đã buộc Moscow phải sử dụng các giải pháp phi quy ước. Lãi suất ngân hàng ở Nga lập tức được nâng lên mức kỷ lục là 17% để ngăn chặn đà lạm phát đang tăng cao, và nó ngay lập tức nhận được sự chế giễu và dè bỉu từ các hãng truyền thông phương Tây. 
Số bài bình luận và phát biểu của các chuyên gia kinh tế phương Tây tỏ ra không đồng tình với quyết định cứng rắn của tổng thống Putin nhiều không kể xiết, trong khi có rất ít những bài viết phân tích sâu và giải thích về bản chất các quyết định được cho là phi lý của điện Kremlin. Đơn giản là vì khi đã mang sẵn thành kiến với Nga khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea, và lại chứng kiến một giải pháp kinh tế rất khác biệt và hiếm gặp, các học giả phương Tây đã tự che mắt bản thân để không nhận ra được yếu tố cốt lõi của vấn đề.
Sự khác biệt chủ yếu nhất giữa đồng Rup và các đồng tiền của phương Tây như USD hay Euro là ở chỗ đồng Rup luôn có một phần giá trị đặt vào sự biến động của giá dầu. Nếu như ở Mỹ hay EU sự sụt giá của đồng USD hay Euro là do các chính sách kinh tế thì ở Nga nó phụ thuộc một phần vào giá dầu, giá dầu tăng thì giá trị đồng Rup tăng, giá dầu giảm thì giá trị đồng Rup giảm. 
Chính vì đặc điểm này, Nga hoàn toàn có thể tăng lãi suất lên một mức cao khó tin mà Mỹ hay EU không bao giờ làm nổi để ngăn chặn đà sụt giá của đồng Rup khi giá dầu giảm mạnh, đơn giản là vì khi giá dầu hồi phục thì giá trị đồng Rup cũng sẽ tự hồi phục theo mà không cần ngân hàng trung ương Nga phải động chân động tay. Yếu tố mấu chốt trong chiến lược nâng cao lãi suất lên 17% của tổng thống Putin là ở niềm tin giá dầu sẽ hồi phục trở lại sau khi đã chạm đáy trong tháng 12.2014.
Và thực tế đang chứng minh những tính toán của ông Putin là chính xác. Đồng Rup đã có giai đoạn tăng giá mạnh nhất trong vòng hơn 20 năm qua khi đã đạt mức tăng 11,5% trong tháng 2.2015 và được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng giá trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng đây là kết quả trực tiếp của việc giá dầu hồi phục và ổn định ở mức 60 USD/thùng – một mức tương đối đủ để đem lại ổn định cho tỷ giá đồng Rup, cùng với đó là việc cuộc xung đột ở Ukraine đã chấm dứt và sức ép từ các khoản nợ đáo hạn của các doanh nghiệp Nga là thấp. 
Cùng với đó là việc các tập đoàn hàng đầu của Nga như Gazprom hay Rosneft vẫn tiếp tục bán USD ra thị trường trong tháng 2 để củng cố giá trị đồng Rup. Khi mà hai trong số ba nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho đồng Rup sụt giá là giá dầu giảm và cuộc xung đột ở Ukraine đã chấm dứt thì không có gì khó hiểu khi đồng nội tệ của Nga tăng vọt trở lại. Theo ước tính, ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Minsk, giá đồng Rup đã lập tức tăng thêm 3% chỉ trong hai ngày sau đó.
Giới phân tích dự báo đồng Rup sẽ còn tiếp tục đà tăng giá ít nhất là trong hai tháng nữa khi mà tình hình đã ổn định trở lại và cuộc đàm phán về chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế từ EU được khởi động. Cứ với đà tăng giá như thế này, nhiều khả năng đồng Rup sẽ có thể san lấp được khoảng cách với đồng USD để trở lại tỷ giá trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga diễn ra, trong thời điểm nóng nhất thì đồng nội tệ của Nga đã giảm khoảng gần 40% so với đồng USD. Nhưng để san lấp được cách biệt với đồng USD như trước thì đồng Rup vẫn cần phải phụ thuộc vào sự hồi phục của giá dầu trong giai đoạn tới.
Sự hồi phục mạnh của đồng Rup vì thế đang là một dẫn chứng hùng hồn hơn bao giờ hết cho thấy các biện pháp của tổng thống Vladimir Putin và các cộng sự là đúng đắn. Và nó đang khiến cho các nhà phân tích và bình luận kinh tế ở các hãng truyền thông phương Tây đang trở nên tẽn tò hơn bao giờ hết khi mà chỉ cách đây hơn một tháng họ vẫn tiếp tục chỉ trích các chính sách tăng lãi suất của Nga là phi lý và cảnh báo kinh tế Nga vẫn đối mặt với nguy cơ sụp đổ. 
Nó cũng đang là lời phát biểu hùng hồn nhất cho việc các lệnh trừng phạt kinh tế Nga của phương Tây đã hoàn toàn vô tác dụng, và chính các nước EU mới đang là những người gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt do chính họ đưa ra. Có lẽ đã đến lúc Mỹ và EU cần dẹp bỏ lòng tự ái và thừa nhận một sự thực rằng Putin và nước Nga đã đúng.
Nhàn Đàm (theo the Moscow Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét