Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Lấp sông Đồng Nai: Chính quyền nóng vội?

Cập nhật lúc 07:55
Tôi lại thấy lo và rất buồn trước một số quyết định nóng vội của chính quyền địa phương. Họ chưa quan tâm tới việc tuyên truyền, giải thích rõ ràng, minh bạch với cộng đồng dân cư.
LTS: Là người lên tiếng sớm nhất về dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, ông Đặng Văn Khoa, chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM đã chia sẻ với Tuần Việt Nam về dự án “lấp sông” đang được dư luận quan tâm.
Thưa ông Đặng Văn Khoa, dù đã có nhiều ý kiến phản đối, song Đồng Nai vẫn kiên quyết làm đến cùng dự án này vì cho rằng đúng quy trình, ông lý giải ra sao?
UBND tỉnh Đồng Nai phải tuân thủ những quy trình cần thiết để cho ra đời dự án này. Vấn đề là tuân thủ đã đúng mức hay chưa thôi.
Tôi được biết dự án đã có đánh giá tác động môi trường (TĐMT) của một cơ quan khoa học có chức năng thực hiện việc này.  Tuy nhiên, có mấy vấn đề tôi đã đề nghị cần xem xét.
Lấp sông Đồng Nai, ông Phạm Văn Khoa, môi trường đô thị, cảnh quan đô thị, quản lý đô thị 
Sông Đồng Nai đang được gấp rút san lấp để xây dựng một dự án khu đô thị. Ảnh: vnexpress.
Thứ nhất, kết quả đánh giá TĐMT này là đánh giá chung cho việc chỉnh trị, xây dựng bờ kè trên sông Đồng Nai, trong đó có đoạn thực hiện dự án chứ không phải kết quả đánh giá trực tiếp của dự án.
Thứ hai, nếu một dự án thực hiện đầy đủ các mục tiêu đánh giá từ các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học kỷ thuật, các nghiên cứu về xã hội, các đối tượng bị tác động và thụ hưởng một cách cẩn thận, kỹ lưỡng thì tôi tin chắc rằng sẽ không có sự phản đối quyết liệt từ phía dư luận và cơ quan quản lý nhà nước như chúng ta đang thấy.
Thứ ba, cơ quan nghiên cứu đánh giá TĐMT cho dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”  là cơ quan làm hồ sơ đánh giá TĐMT cho dự án thủy điện 6 và 6A.
Dự án này khi đi vào thực hiện đã bị phản đối quyết liệt vì kết quả đánh giá  không khách quan, nhiều phần sao chép. Các con số không chính xác… Cuối cùng dự án phải hủy, không thực hiện.
Tất nhiên chúng ta cũng không thể lấy sai lầm trong quá khứ để áp vào hiện tại và tương lai, vì không tránh khỏi nghi ngờ.
Nhưng đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đã quả quyết “Không có ảnh hưởng gì lớn”, “Không có tác động gì xấu” và họ tiếp tục triển khai gấp rút?
Trả lời như vậy không chỉ thiếu cơ sở khoa học về thủy lực, thủy văn, sinh thái v.v… mà còn thiếu tầm nhìn. Không thể chỉ nhìn thấy vấn đề tại chỗ mà phải có cái nhìn lâu dài, không chỉ vài chục năm mà phải nhìn rộng ra cả trăm năm sau và những hệ lụy phía sau nữa.
Không thể nào vì một dự án đô thị mà phải đánh đổi nhiều mất mát thương tổn không thể nào lấy lại cho con cháu chúng ta mai sau.
Theo ông, trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào để dung hòa giữa mục tiêu phát triển và giữ gìn cảnh quan, môi trường sống tự nhiên?
Trong quá trình phát triển của nhân loại luôn có sự tương tác với tự nhiên, không thể không có chuyện đụng chạm tới tự nhiên, và đó là tất yếu. Vấn đề là chúng ta lựa chọn con đường nào để phát triển bền vững, hài hòa, ít đau đớn về môi trường, ít hệ lụy về môi sinh nhất.
Lấp sông Đồng Nai, ông Phạm Văn Khoa, môi trường đô thị, cảnh quan đô thị, quản lý đô thị 
Ông Đặng Văn Khoa
Vì vậy, điều cần thiết ở đây là tầm nhìn và năng lực của nhà quản lý khi xác định quá trình như vậy.  Không phải xem mục tiêu phát triển, mục tiêu CNH – HĐH là mục tiêu phải đạt cho bằng được rồi coi nhẹ môi trường.
Mục tiêu CNH – HĐH với mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững là cùng quan trọng, phải lồng ghép vào nhau, đồng hành với nhau ngay từ đầu hình thành dự án.
Là người có nhiều gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh, ông có thể chia sẻ gì về kinh nghiệm triển khai các dự án mà lãnh đạo thành phố phải cân nhắc lựa chọn để dung hòa giữa mục tiêu phát triển và mục tiêu bảo vệ môi trường?
TP.HCM đã từng có nhiều hoạt động lấp kênh rạch, lấn ra bờ sông và đã phải trả giá đắt. Ví dụ việc lấp kênh Hàng Bàng rồi phải tốn cả ngàn tỷ để moi lên trở lại.
May mắn là thành phố có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, các cơ quan truyền thông đã nhanh chóng phát hiện và lên tiếng. Người dân và chính quyền TP.HCM cũng rất tỉnh táo để kịp thời điều chỉnh, không để sự việc sai lầm đi quá xa.
Cũng rất may cho TP.HCM là chưa có nơi nào sai lầm mà quy mô như ở Đồng Nai đang làm.
Đừng quên sông Đồng Nai là con sông lớn, liên quan đến 11 tỉnh thành trong khu vực. Dự án này tác động dây chuyền trên toàn bộ hệ thống.
Bởi vậy, tôi rất mong các cơ quan quản lý, các cơ quan liên quan tích cực nhanh chóng vào cuộc xem xét. Trước hết hãy tạm dừng dự án để nghiên cứu cho thấu đáo, nghiên cứu đến nơi đến chốn, đánh giá lại toàn bộ rồi sau đó xem phần nào không ảnh hưởng, không tác động xấu thì cứ thực hiện. Còn phần nào gây nguy hại, tác động xấu đến môi trường thì phải dừng và phục hồi nguyên trạng.
Từ những kinh nghiệm chúng tôi đã trải qua, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần lắng nghe người dân, cùng các nhà khoa học cùng chọn giải pháp điều chỉnh kịp thời trước khi quá muộn.
Với tư cách là thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và từng là ĐB HĐND, ông có suy nghĩ gì về sự tương tác giữa chính quyền địa phương và người dân trong một số dự án có liên quan tới đời sống dân sinh đang khiến dư luận quan tâm như dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội và dự án “lấp” sông Đồng Nai?
Tôi rất mừng vì ý thức làm chủ của nhân dân với xã hội, với đất nước đã rõ ràng, đã tiến lên thêm một bước. Người dân không còn thụ động nữa mà đã rất tích cực, không còn ngồi chờ đợi thụ động nữa. Đây là những hạt mầm tốt đẹp rất cần thiết cho tương lai đất nước.
Mọi chủ trương, chính sách cho dù hay nhưng nếu không có sự ủng hộ của người dân thì cũng khó thành công.
Một xã hội không thể phát triển năng động nếu không có ý thức chủ động, tự giác của cộng đồng. Cho nên với sự tích cực chủ động, tự giác tham gia của người dân thì tôi tin rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết đến tận góc cạnh của đời sống.
Tuy nhiên tôi lại thấy lo và rất buồn trước một số quyết định nóng vội của chính quyền địa phương, việc họ chưa quan tâm tới việc tuyên truyền, giải thích rõ ràng, minh bạch với cộng đồng dân cư.
Việc chặt cây hay hay lấp sông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong nhiều quyết sách chưa được dư luận đồng tình. Chính đây là những tác nhân làm cho sự phát triển của đất nước bị chậm lại, giống như lực trì trệ kéo lùi sự phát triển của đất nước.
(Theo TuanVietNam) Duy Chiến thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét