Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Xăng tăng giá, người Việt tiết kiệm nhất ASEAN
Cập nhật lúc 08:24
 (Thị trường) - Giá xăng đã chính thức tăng lần đầu tiên trong năm với mức 300 đồng/lít sau 3 lần Bộ Tài chính ra thông báo không được phép tăng. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 2 mới đc công bố ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại, khảo sát của một công ty nước ngoài cho thấy người Việt tiết kiệm và ít mua sắm so với các nước trong khu vực.
Xăng tăng 300 đồng/lít
Từ 20h tối 21/2 giá xăng đã tăng 300 đồng/lít lên mức 24.510 đồng/lít, các mặt hàng dầu cũng được phép điều chỉnh thêm từ 204-247 đồng.
Quyết định cho phép tăng giá được cơ quan quản lý đưa ra với lý do giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục biến động mạnh trong những ngày qua. Mức bình quân 30 ngày (22/1 đến 20/2) của giá xăng RON 92 hiện đã tăng lên 115,61 USD một thùng, trong khi dầu diezen cũng chạm ngưỡng 122 USD. Diễn biến này đã khiến giá cơ sở đối với các mặt hàng cao hơn giá bán 204-527 đồng một lít và nhà điều hành cho biết buộc phải điều chỉnh.
Cùng với quyết định tăng giá, Bộ Tài chính cũng yêu cầu dừng trích quỹ bình ổn đối với 2 mặt hàng là dầu hỏa và dầu madút. Như vậy, sau quyết định ngừng sử dụng đối với dầu diesel và xăng, hiện không còn mặt hàng nào được giữ giá bằng quỹ bình ổn.
 Từ 20h tối 21/2 giá xăng đã tăng 300 đồng/lít
Từ 20h tối 21/2 giá xăng đã tăng 300 đồng/lít
Đây là lần điều chỉnh giá xăng đầu tiên trong năm 2014, nhưng lại là lần thứ 3 đối với dầu diesel (trước đó giảm 2 lần, tổng cộng hơn 400 đồng ).
Cuối năm 2013, giá xăng từng được điều chỉnh tăng gần 600 đồng. Giá hiện tại của xăng RON 92 đang thấp hơn so với mức cao nhất trong lịch sử 560 đồng.
Năm 2013 giá xăng đã được điều chỉnh 6 lần giảm, 5 lần tăng, giá xăng tính đến thời điểm cuối năm vẫn cao hơn 1.060 đồng/lít so với thời điểm đầu năm, tăng 4,48%.
Cũng với việc tăng giá xăng, giá điện cũng được điều chỉnh tăng 2 lần trong năm và tăng lên 10%, giá gas cũng được điều chỉnh tăng 7 lần nhưng chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2013 do Tổng cục thống kê công bố lại tăng 6,04% so với cùng kỳ tháng 12/2012, mức tăng được ghi nhận là thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Vừa qua, Tổng cục Thống kê cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội, TP HCM tháng 2 vừa qua mặc dù là tháng tết nhưng có mức tăng rất kiêm tốn so với tháng trước đó. Cụ thể Hà Nội tăng 0,49%, TP HCM chỉ tăng 0,24%, đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại điều này đã phản ánh sự tiết giảm đáng kể trong chi tiêu của người dân.
Trả lời trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam trước đó, TS.Ngô Trí Long nói: “CPI giảm nhưng mừng ít mà lo nhiều”.
Theo đó, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp phản ánh một phần bức tranh kinh tế ảm đạm. Đó là tình trạng tồn kho cao, thu nhập người lao động giảm sút nên sức mua rất yếu và niềm tin người tiêu dùng đang sụt giảm.
TS Ngô Trí Long phân tích, việc tăng giá xăng dầu thời gian qua cũng đẩy giá cả một số mặt hàng khác tăng, góp phần làm suy yếu sức mua trên thị trường. Điểm đáng ngại khác là sự giảm giá này không phải nhờ ở cải thiện về năng suất lao động mà chủ yếu là do dư thừa hàng hóa so với nhu cầu. 
Việt Nam tiết kiệm nhất ASEAN
Tờ Vnexpress thông tin, báo cáo khảo sát toàn cầu về niềm tin người tiêu dùng mới được hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố cho thấy, Việt Nam là quốc gia tiết kiệm nhất trong khu vực ASEAN.
 Quần áo là lựa chọn cắt giảm đầu tiên của người Việt để tiết kiệm chi phí.
Quần áo là lựa chọn cắt giảm đầu tiên của người Việt để tiết kiệm chi phí.
Cụ thể, có 74% người Việt tham gia khảo sát cho biết họ sẽ để dành tiền sau khi đã trang trải hết các sinh hoạt phí thiết yếu trong cuộc sống. Xếp thứ 2 là Indonesia (72%), kế đến Philippines (68%), Thái Lan (66%), Singapore (64%) và Malaysia (63%). Các quốc gia này đều thuộc Top 10 nước tiết kiệm nhất thế giới.
Có 90% người Việt Nam được hỏi cho biết họ thay đổi thói quen mua sắm của mình để tiết kiệm tiền thừa. Trong đó, chi tiêu cho quần áo mới và các khoản giải trí ngoài gia đình là những lựa chọn cắt giảm đầu tiên, kế đó là gas và điện. "Tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu vì người tiêu dùng muốn bảo vệ ngân sách gia đình mình", ông Matt Krepsik, Giám đốc giải pháp Đo lường hiệu quả Marketing khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương nói.
Matt cũng đánh giá người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á vẫn hết sức cẩn thận trong chi tiêu và tiết kiệm. "Họ đang tìm đến các trải nghiệm mới, tận hưởng lối sống của tầng lớp trung lưu nhưng đồng thời muốn bảo đảm cho các kế hoạch trong tương lai".
Du lịch và và nghỉ dưỡng là 2 khoản đầu tư chỉ đứng sau tiết kiệm. Singapore đứng đầu thế giới với 49%, kế tiếp là Indonesia (42%), Malaysia (40%), Việt Nam (31%) và Philippines (28%).
(Theo Đất Việt) Thu Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét