Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Vụ “sau vinh danh là… đuổi việc” ở Bình Phước:

Tiếp tục thách thức chỉ đạo của Tỉnh ủy

Cập nhật lúc 15:11
 
Ngày 19.2, nguồn tin từ tỉnh Bình Phước (BP) cho biết: Một lần nữa, Tỉnh ủy Bình Phước (BP) tiếp tục chỉ đạo Phòng Giám định y khoa (GĐYK) tỉnh BP giải quyết dứt điểm vụ “sau vinh danh là… đuổi việc” đối với dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh (ảnh) - nhân viên Phòng GĐYK (báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh trong năm 2013). Tuy nhiên đến nay, lãnh đạo Phòng GĐYK vẫn không thực hiện chỉ đạo trên; trái lại, có những động thái thách thức chỉ đạo của cấp trên…

Xử lý lại từ đầu
Trước đó, UBND tỉnh BP đã có văn bản giao Sở Y tế, Phòng GĐYK hệ thống tất cả các nội dung tố cáo của chị Oanh có liên quan tới Sở Y tế và Phòng GĐYK. Đánh giá và khẳng định rõ những nội dung tố cáo đúng, những nội dung tố cáo sai. Qua đó nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá kiểm điểm để có hình thức xử lý cụ thể, phù hợp với tính chất, mức độ các nội dung tố cáo đúng (dù mang tính hiện tượng hay bản chất). 
Trên cơ sở đó hệ thống thành hồ sơ, thành lập Hội đồng kỷ luật (HĐKL), trong trường hợp pháp luật quy định để thực hiện họp HĐKL xử lý các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo xử lý đúng tính chất, mức độ hành vi. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến. Đối với việc xử lý kỷ luật dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, nhân viên Phòng GĐYK, nội dung văn bản nêu: “Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Trưởng phòng GĐYK là người sử dụng lao động và bà Oanh nhân viên hợp đồng là người lao động của Phòng GĐYK. Đồng thời Phòng GĐYK là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động trực thuộc Sở y tế, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, có con dấu riêng, có tài khoản riêng để hoạt động, được tự quyết định biên chế. 
Do đó, Trưởng phòng GĐYK có đủ thẩm quyền để ký hợp đồng và xử lý kỷ luật nhân viên hợp đồng theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, UBND tỉnh yêu cầu Trưởng phòng GĐYK khi ban hành quyết định kỷ luật dược sĩ Oanh - nhân viên hợp đồng của Phòng GĐYK thì phải tuân thủ nghiêm quy trình, trình tự thủ tục, thẩm quyền và đúng quy định của Bộ luật lao động năm 2012. Đồng thời, phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chị Oanh theo quy định của pháp luật. Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, Sở Y tế phải tổ chức gặp gỡ chị Oanh để giải thích rõ những nội dung chị Oanh tố cáo đúng, những nội dung tố cáo sai và quyền, lợi ích hợp pháp của chị Oanh”.
Thách thức chỉ đạo của Tỉnh ủy
Chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là vậy, thế nhưng, không hiểu tại sao, lãnh đạo Sở Y tế và Phòng GĐYK tỉnh BP vẫn cố tình dây dưa, không giải quyết dứt điểm vụ việc của chị Oanh theo đúng quy định luật pháp. Trong cuộc họp báo vào tháng 1.2014, ông Nguyễn Đồng Thông - GĐ Sở Y tế - còn mạnh miệng bảo vệ hành vi sa thải chị Oanh của lãnh đạo Phòng GĐYK là… đúng luật! Mới đây, ông Đoàn Đức Loát - Trưởng phòng GĐYK - còn quyết định thu hồi thẻ BHYT, không cho chị Oanh nộp BHYT tại phòng GĐYK(?). Lý giải hành vi này, lãnh đạo Phòng GĐYK cho rằng căn cứ quyết định sa thải (trái luật - PV), chị Oanh không còn làm việc tại phòng GĐYK nữa, thì phải thu hồi thẻ BHYT...
Chị Oanh được Sở Y tế 3 lần ra quyết định “hợp đồng tiếp viên chức”, không thuộc dạng HĐLĐ. Tháng 10.2008, ông Nguyễn Đồng Thông - khi còn làm Phó GĐ Sở Y tế - đã ký quyết định “Hợp đồng viên chức y tế” số 702/QĐ-SYT với dược sĩ Oanh, nội dung chị Oanh nhận nhiệm vụ tại Phòng GĐYK. Đến ngày 5.10.2009, GĐ Sở Y tế là bà Trần Thị Kim Sang ký quyết định “Hợp đồng tiếp viên chức” lần 2, thời hạn 1 năm từ ngày 2.10.2009. 
Và ngày 5.1.2011, ông Thông tiếp tục ký quyết định “Hợp đồng tiếp viên chức” lần 3 với chị Oanh, thời hạn một năm kể từ ngày 2.10.2010. Chưa kể sau khi vô cớ bị đuổi việc lần thứ nhất, dược sĩ Oanh khiếu nại thì ngày 22.11.2011, chính ông Nguyễn Đồng Thông ký công văn 755/SYT-TCCB, khẳng định việc chấm dứt HĐLĐ với chị Oanh phải do GĐ Sở Y tế quyết định chứ không phải ông Loát. Vậy mà sau khi chị Oanh có động thái tố cáo những sai phạm tại Phòng GĐYK, lãnh đạo Sở Y tế đã … thay đổi quan điểm, thách thức cả chỉ đạo của cấp trên, quyết tâm “bứng” bằng được chị Oanh ra khỏi ngành y tế tỉnh BP.
Ông Loát không đủ thẩm quyền sa thải
Theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa - TPHCM: “Hợp đồng tiếp viên chức lần thứ ba do ông Thông ký cho chị Oanh vào ngày 5.1.2011, với thời hạn một năm (tính từ ngày 2.10.2010) tức HĐLĐ của chị Oanh hết hạn vào ngày 1.10.2011. Theo quy định tại khoản 2, điều 27 Bộ luật lao động năm 1994 được sửa đổi, bổ sung năm 2002, quy định: Khi HĐLĐ xác định thời hạn đã hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong vòng 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới. Nếu không ký kết HĐLĐ mới, đương nhiên hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Như vậy cho rằng đến ngày 19.10.2012, ông Đoàn Đức Loát - Trưởng phòng GĐYK - ký HĐLĐ với chị Oanh để từ đó cho rằng ông Loát là người sử dụng lao động, còn chị Oanh là người lao động là sai. Vì kể từ ngày 1.11.2011 (tức sau 30 ngày) HĐLĐ của chị Oanh hết hạn nhưng Sở Y tế không có ý kiến, trong khi chị Oanh vẫn làm việc thì đương nhiên HĐLĐ đã trở thành không xác định thời hạn. Lúc này phòng GĐYK chỉ là địa điểm chị Oanh làm việc, còn Sở Y tế mới là người sử dụng lao động. Do đó, ông Loát không có thẩm quyền xử lý kỷ luật chị Oanh, thẩm quyền thuộc Giám đốc Sở Y tế tỉnh.
(Theo Lao động) CAO NGUYỄN ĐÔNG ANH  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét