Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

"Liều thuốc" nào cho U-Crai-na?
 Cập nhật lúc 11:01

QĐND - Cơn chính biến tại U-crai-na đang phủ màu đen lên tương lai của quốc gia Đông Âu này. Chưa biết ai thắng, ai thua, song chắc chắn tình hình U-crai-na sẽ còn bất ổn.
Kể từ cuộc “cách mạng cam” tròn một thập kỷ trước, U-crai-na luôn mong manh trong các tính toán chính trị kéo theo hệ quả tồi tệ về kinh tế. Nạn tham nhũng hoành hành, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Thâm hụt ngân sách luôn nằm trong mức báo động. Mất tính cạnh tranh, các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rũ áo chào tạm biệt. Nền kinh tế U-crai-na đang đứng trong tốp đội sổ ở châu Âu.
Những khó khăn trong cuộc sống là chất kích thích một bộ phận người dân U-crai-na tràn ra đường biểu tình trong suốt ba tháng qua, dẫn tới biến cố ngày 22-2. Dù Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích (V. Yanukovych)-Tổng thống được bầu cử hợp pháp-đã bị Quốc hội phế truất, một chính quyền mới có thể được dựng lên, song liệu đó đã phải là "liều thuốc" giúp U-crai-na thoát khỏi cơn bĩ cực? Dường như câu trả lời là chưa! Bất kể khó khăn kinh tế nào cũng có liệu pháp, miễn là tồn tại một môi trường chính trị ổn định để chúng phát huy tác dụng. Một thể chế vận hành trơn tru, đem lại phồn vinh cho đại bộ phận dân chúng chẳng thể bỗng dưng xuất hiện từ những cuộc biểu tình, bạo động mà đòi hỏi thời gian và những nỗ lực xây dựng không mệt mỏi trên cơ sở thực tiễn của từng quốc gia.
 
Người biểu tình Ukraine chiếm giữ quảng trường Độc lập (Ảnh: Reuters). Nguồn: VOV.vn
Nhìn vào bản đồ sẽ thấy rõ số phận đã trao cho U-crai-na một vị trí đặc biệt, nằm giữa Nga và châu Âu. Dù đã qua thời chiến tranh lạnh, song U-crai-na vẫn đứng trước hai khả năng: Hoặc trở thành cầu nối Đông - Tây hoặc biến thành địa bàn giằng xé chiến lược. Những biến động thời gian qua cho thấy, các chính trị gia đã đẩy U-crai-na vào tình huống thứ hai và với những hệ lụy hiển hiện.
Do yếu tố địa lý và lịch sử, miền Tây và miền Đông U-crai-na có những khác biệt nhất định. Về văn hóa, miền Đông sử dụng tiếng Nga phổ biến dù tiếng U-crai-na là quốc ngữ. Về phương diện kinh tế, nhờ giao thương xuyên biên giới với nước Nga, miền Đông phát triển hơn miền Tây. Theo thống kê năm 2011, GDP bình quân đầu người ở thành phố miền Đông Đni-prô-pê-trốp-xcơ, trung tâm công nghiệp quan trọng nhất U-crai-na, là 4.748 USD. Ở khu vực Lơ-vốp, một trong những trung tâm công nghiệp phía tây, GDP bình quân đầu người chỉ 2.312 USD. Những người biểu tình suốt ba tháng qua cũng chủ yếu đến từ miền Tây, dưới sự hô hào của các chính trị gia đối lập hướng mang trong mình tâm thế xa lánh nước Nga và coi phương Tây là tất cả.
Kể từ cuộc “cách mạng cam”, thực tế đã nhiều lần chứng minh tư duy “bài Nga, hướng Tây” đã khiến U-crai-na mất rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu. Các nước phương Tây rõ ràng chẳng dễ mở hầu bao. Trong khi đó, lâm vào cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với Nga thì hậu quả nhãn tiền. Là hai nước láng giềng, Nga và U-crai-na có những mối ràng buộc về lịch sử, lợi ích kinh tế, thương mại và quốc phòng. Chỉ riêng vấn đề khí đốt cũng đủ thấy nếu mối quan hệ với Nga căng thẳng sẽ phương hại đến mức nào đối với U-crai-na. Đất nước này sẽ thấm thía hơn nỗi đau thân phận quân cờ chiến lược khi các nước phương Tây lúc muốn xích lại gần Nga thì không ai dám bảo đảm sẽ không xuất hiện một thỏa hiệp trên lưng U-crai-na.
Với vị trí địa chính trị của mình, U-crai-na nhất thiết phải xây dựng chính sách đối ngoại trên nền tảng của một mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Tuy nhiên, nếu Ki-ép không giữ vững được độc lập, tự chủ, phụ thuộc chính trị và kinh tế vào Mát-xcơ-va thì cũng lại là một sai lầm nguy hiểm. Xu hướng lệ thuộc luôn là mầm mống của sự phản kháng và dễ dàng để các lực lượng chính trị tạo cớ kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây những biến động khó lường mà cơn chính biến hiện nay đã phần nào phản ánh.
Đó là những lý do vì sao U-crai-na cần theo đuổi một chính sách đối ngoại sẵn sàng hợp tác với cả châu Âu và Nga. Trở thành cầu nối Đông - Tây xem ra là lựa chọn không thể khác để U-crai-na tạo dựng được một môi trường chính trị ổn định. Không chỉ có ích về mặt chính trị mà U-crai-na sẽ còn hưởng lợi về kinh tế khi tận dụng được những ưu thế của cả Nga và châu Âu.
U-crai-na đang trong cơn bão tố. Xử lý khôn khéo gánh nặng Đông - Tây U-crai-na mới có thể vươn dậy sau những năm tháng bể dâu. Đi theo ai cũng chẳng có tương lai mà cánh cửa chỉ mở ra với con đường của chính mình.
(Theo QĐND) BẢO TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét