Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Phương Tây hứa viện trợ cho Ukraine sau cuộc chính biến?

Cập nhật lúc 20:24
VOV.VN - EU tuyên bố sẵn sàng trợ giúp Chính phủ mới của Ukraine 20 tỷ Euro để tiến hành cải cách. 
Ukraine vừa trải qua những thay đổi chính trị lớn sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất.
Quốc hội Ukraine đã thông qua một loạt quyết định, từ việc bổ nhiệm Tổng thống tạm quyền, chuẩn bị thành lập chính phủ lâm thời đến việc chuẩn bị bầu cử Tổng thống trước thời hạn vào tháng 5 tới.
Gần như ngay lập tức, các nước phương Tây đã hoan nghênh những thay đổi này, sẵn sàng cung cấp khoản viện trợ lớn giúp Ukraine tránh nguy cơ vỡ nợ, trong khi Nga yêu cầu các bên tại Ukraine thực hiện nghiêm túc thỏa thuận hòa bình đã ký kết và chỉ trích lực lượng đối lập đã tiếm quyền.
 
Cuộc biểu tình tại Sevastopol ngày 23/2 (Ảnh: RIA Novosti)

Tại thành phố cảng Sevastopol của Ukraine, hàng nghìn người đã xuống đường tuần hành lên án cuộc chính biến tại thủ đô Kiev hôm 23/2. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu bảo vệ thành phố Sevastopon cho rằng: “Đã xảy ra một cuộc đảo chính ở Kiev”. Đây là nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga gần 200 năm nay và là thành trì của những người có quan điểm thân Nga.
Như vậy, những diễn biến chính trị chóng vánh vừa qua gần giống như những gì đã diễn ra cách đây 10 năm sau cái gọi là cuộc “Cách mạng Cam” đưa nhà lãnh đạo có tư tưởng thân phương Tây lên nắm quyền.
Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc biểu tình trên đường phố ở Kiev vừa qua, đáng chú ý là sự xuất hiện của một số quan chức châu Âu và Mỹ trong dòng người biểu tình. Không hô hào đòi Chính phủ từ nhiệm, nhưng các quan chức phương Tây này cảnh báo sẽ cấm nhập cảnh cho một số nhà lãnh đạo Ukraine nếu tiếp tục trấn áp người biểu tình. Điều này đã bộc lộ hình thức can thiệp của phương Tây, như cáo buộc của Nga vào công việc nội bộ của Ukraine, đất nước bị coi là "con át chủ bài" của Liên minh châu Âu trong cuộc “tranh giành” Đông -Tây.
Trước những thay đổi chính trị tại Ukraine, Nga đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Kiev về nước để tham vấn.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tình hình Ukraine ngày một xấu đi, cần có sự phân tích một cách toàn diện. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: điều quan trọng tại Ukraine hiện nay là bảo đảm thực hiện đầy đủ thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng ký ngày 21/2 vừa qua. Thỏa thuận yêu cầu phe đối lập chấm dứt chiếm đóng các cơ quan công quyền và phong tỏa các tuyến đường, đồng thời giao nộp vũ khí cho cơ quan chức năng. Ngoại trưởng Nga cáo buộc phe đối lập ở Ukraine đã không tuân thủ thỏa thuận mà họ ký kết hôm 21/2 và đã tiếm quyền.
Trong khi đó, giới chức Mỹ và châu Âu đã tỏ ra sốt sắng trong việc giúp Ukraine khôi phục kinh tế và tránh nguy cơ sụp đổ. Ngày 23/2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice lên tiếng trấn an Nga rằng “sẽ không có sự mâu thuẫn giữa một Ukraine có quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời với Nga và một Ukraine hiện đại muốn tăng cường hội nhập với châu Âu”.
EU tuyên bố sẵn sàng trợ giúp Chính phủ mới của Ukraine 20 tỷ Euro để tiến hành cải cách. Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề quốc tế Elmar Brock khẳng định: khoản tiền trợ giúp của EU nhằm tạo ra những điều kiện kinh tế tốt cho tương lai của Ukraine và công tác chuẩn bị ký kết Hiệp định liên kết với EU. Còn Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết: “Nếu chính quyền Ukraine yêu cầu sự hỗ trợ của IMF, những tư vấn chính sách, hỗ trợ về tài chính cùng với các cuộc thảo luận về cải cách kinh tế, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng thúc giục Ukraine đoàn kết để vượt qua những thách thức hiện nay: “Điều quan trọng là người Ukraine cần đoàn kết, vì sự toàn vẹn và an ninh của đất nước. Tất cả mọi việc cần được thực hiện theo cách hòa bình và không bạo lực. Sau đó họ sẽ bầu tổng thống vào tháng 5 tới. Đó là những bước đi mới không thể bị đảo ngược”.
Tuy nhiên, những lời hứa hỗ trợ tài chính của phương Tây vẫn mới chỉ dừng lại ở lời nói, bởi chính châu Âu cũng đang phải trải qua cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng. Trong khi đó, với những diễn biến mới nhất trên chính trường và những khó khăn trong nhiều năm qua của nền kinh tế, Ukraine đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
Nga đã thông báo họ chưa giải ngân khoản viện trợ dành cho Kiev theo thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD mà ông Yanukovych đã ký với Tổng thốngV.Putin. Trong khi đó, nợ công của Ukraine trong năm 2013 đã tăng lên 13% so với năm 2012 ở mức 73,1 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng sản phẩm Quốc nội (GDP).
Theo kế hoạch, đến cuối quý 2 năm nay, Ukraine sẽ phải trả nợ IMF 3 tỷ USD. Nhưng, trong bối cảnh đà thâm hụt ngân sách cũng vượt mức 8%, Ukraine khó có thể trả nợ đúng thời hạn mà không có sự trợ giúp ở bên ngoài./.
                             Ngọc Khương/VOV -Trung tâm Tin tổng hợp

Thật bất hạnh khi một dân tộc chỉ hy vọng vào tương lai bởi những lời hứa ngoại bang. Lực lượng đối lập ở Ukraine liệu đã biết đến những lời hứa tương tự của Phương Tây với các nước như Séc, Slovakia, Balan… chưa. Nhiều nước từng hy vọng mấy năm sau sẽ trở thành những nước giàu tựa Phương Tây. Gần hai chục năm qua họ vẫn là những nước đội sổ về kinh tế trong liên minh châu Âu. Không tự lực với sức mạnh đoàn kết dân tộc thì chẳng bao giờ có tương lai tươi sáng.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét