Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

 Ukraine có nguy cơ chia hai nửa Đông-Tây?

Cập nhật lúc 21:45
VOV.VN - Những diễn biến mới nhất tại Ukraine cho thấy, đất nước này có thể sẽ lún sâu vào cuộc tranh giành quyền lực và chia rẽ.

Tính từ thời điểm những người biểu tình nắm quyền kiểm soát thủ đô Kiev của Ukraine, chiếm giữ Văn phòng Tổng thống hôm thứ Bảy đến khi Quốc hội thông qua việc bãi miễn Tổng thống Victor Yanukovich, tuyên bố tổ chức bầu cử sớm vào ngày 25/5 tới, cũng như quyết định trả tự do cho lãnh đạo đối lập Yulia Tymoshenko, diễn biến chính trị tại Ukraine đã có những thay đổi chóng mặt khiến nhiều người lo ngại đất nước này lại sẽ rơi vào vòng xoáy bất ổn mới.

 
Người biểu tình Ukraine chiếm giữ quảng trường Độc lập (Ảnh: Reuters)

Đất nước có thể bị chia làm hai nửa
Việc phe đối lập kiểm soát hoàn toàn thủ đô Kiev và Tổng thống Yanukovich chuyển đến "thành trì" ủng hộ ông là Kharkiv ở phía Đông của đất nước khiến nhiều người nghĩ đến kịch bản chia tách Đông - Tây tại quốc gia 46 triệu dân này.
Rạn nứt chính trị dẫn đến các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 11/2013 khi Tổng thống Yanukovich đột ngột từ chối ký một Hiệp định đối tác và thương mại với EU. Thay vào đó, ông Yanukovich tăng cường hợp tác và chủ trương quan hệ gần gũi hơn với Nga.
Những người biểu tình thân phương Tây xem động thái của Tổng thống Yanukovich là một sự phản bội lợi ích quốc gia và yêu cầu ông thay đổi quyết định của mình. Số người biểu tình tăng lên nhanh chóng đến hàng trăm ngàn với yêu cầu Tổng thống Yanukovich từ chức và bầu cử sớm.
Trong khi đó, người ủng hộ ông Yanukovich ở phía Đông đất nước lại cho rằng, những người biểu tình và phe đối lập bị thao túng và tài trợ bởi phương Tây, đồng thời yêu cầu phải tăng cường liên kết về kinh tế và văn hóa hơn nữa với nước Nga.
Thêm vào đó, người dân khu vực phía Tây của Ukraine bao gồm cả thủ đô Kiev giận dữ bởi nạn tham nhũng trong chính phủ của ông Yanukovich và muốn có quan hệ gần gũi hơn với Liên minh châu Âu. Họ đã phản đối các cơ quan trong chính quyền của ông Yanukovich với lý do tham nhũng và tàn bạo. 
"Người dân đã xuống đường và đạt được mục tiêu của họ. Các cơ quan chính quyền đang sụp đổ và chiến thắng đã trong tầm tay", Sviatoslav Gordichenko, một công nhân xây dựng 31 tuổi nói với phóng viên AP khi anh ta và hàng ngàn người biểu tình khác vây quanh một khu nhà phô trương ở ngoại ô Kiev được cho là thuộc sở hữu của ông Yanukovich.
Về phần mình, sau khi tới Kharkiv, Tổng thống Yanukovich đã tuyên bố trên truyền hình rằng ông không có ý định từ chức, đồng thời cáo buộc Quốc hội ở Kiev dàn dựng một cuộc đảo chính. 
Giới lập pháp tại khu vực phía Đông cũng đặt dấu hỏi đối với tính hợp pháp của Quốc hội mới được trao quyền và kêu gọi các dân quân tình nguyện duy trì trật tự. Các thống đốc, tỉnh trưởng và nhà lập pháp tập hợp bên cạnh các nhà làm luật của Nga và thông qua một tuyên bố kêu gọi giới chức khu vực lãnh trách nhiệm hoàn toàn về trật tự hiến pháp.
Tuyên bố trên cũng nói rằng, các sự kiện tại Kiev đã dẫn đến sự "tê liệt của chính quyền Trung ương và làm gia tăng sự bất ổn trong nước. Các nhà lập pháp cũng cáo buộc phe đối lập không giữ lời hứa sẽ từ bỏ vũ khí và dỡ bỏ các trại biểu tình sau khi thỏa thuận hòa bình được ký giữa Tổng thống Yanukovich và phe đối lập.
 
Lãnh đạo đối lập Yulia Tymoshenko phát biểu trước người biểu tình sau khi được trả tự do (Ảnh: AFP)

Tác động từ bên ngoài đến tình hình ở Ukraine
Ukraine từ lâu đã có vị trí chiến lược với một thị trường tiêu dùng lớn và tiềm năng kinh tế chưa được khai thác. Điều này lý giải vì sao cả Mỹ,  Nga và EU đều cố gắng để giành được ảnh hưởng tại quốc gia 46 triệu dân này.
Với Moscow, Ukraine vẫn được xem là cái nôi sinh ra nhà nước Nga trong quá khứ và Chính thống giáo Nga (Othordox).  Hơn thế, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhận thấy quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với Ukraine là điều vô cùng cần thiết cho sự thành công trong Dự án nhằm xây dựng một liên minh các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ của mình.
Chính vì những lý do trên, Nga đã làm hết sức mình để Ukraine không ký hiệp ước với EU. Moscow đã đưa ra hàng loạt các biện pháp từ việc trừng phạt thương mại, cũng như những lời hứa hẹn giúp đỡ UkraineMoscow sẽ cung cấp một gói cứu trợ khoảng 15 tỷ USD giúp kinh tế Ukraine tránh nguy cơ đổ vỡ. Cho đến nay, Nga đã chuyển cho Ukraine 3 tỷ USD, khoản cứu trợ còn lại hiện đang đóng băng chờ kết quả của cuộc xung đột chính trị đang diễn ra tại nước này.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU tăng cường nỗ lực đàm phán trong tuần này vì lo ngại tình trạng bạo lực sẽ ảnh hưởng đến an ninh trên biên giới phía đông của họ. Những nỗ lực ngoại giao của khối này đã đưa đến việc ký kết thỏa thuận hòa bình tại Ukraine giữa chính phủ và phe đối lập.
Ở một khía cạnh khác, việc lôi kéo Ukraine thân với EU cũng có lợi cho việc tăng cường ảnh hưởng của phương Tây đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Một minh chứng là NATO có thể mở rộng ảnh hưởng hơn đến gần biên giới với Nga hơn và việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu - vấn đề mà cho đến nay Nga vẫn phản đối vì cho rằng hệ thống này nhằm vào Nga - sẽ dễ dàng hơn.
Theo các nhà phân tích, trong trường hợp Ukraine đi theo hướng thân phương Tây, chắc chắn Nga sẽ không chịu "ngồi trên ghế dự bị", bởi Moscow sẽ xem việc hình thành các căn cứ NATO gần lãnh thổ của mình là "mối đe dọa chiến lược".
Thực tế diễn biến tại Ukraine cho thấy, ngay sau khi được trả tự do, lãnh đạo đối lập Yulia Tymoshenko đã tuyên bố sẽ đưa Ukraine gia nhập EU trong tương lai gần và điều này có thể thay đổi tất cả tại Ukraine. Đây có lẽ là điều Nga không hề mong muốn.
Trong một phản ứng mới nhất, Ngoại trưởng Nga đã lên án các sự kiện diễn ra ở Ukraine sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết. Theo ông Lavrov, phe đối lập đã thất bại trong việc thực hiện các cam kết đã ký với ông Yanukovich.
Theo Ngoại trưởng Nga "những kẻ cực đoan có vũ trang" đã có những hành động đe dọa "chủ quyền của Ukraine và trật tự hiến pháp", ám chỉ phe đối lập hiện nay ở Ukraine. Ông Lavrov cũng kêu gọi Đức, Ba Lan và Pháp (những nước trung gian hòa giải) gây áp lực với phe đối lập để tôn trọng các thỏa thuận hòa bình đã ký kết với chính phủ.
Sự phân chia Đông - Tây có thể là một xu hướng được nhìn thấy trong tương lai và có nguy cơ đẩy đất nước này vào vào một cuộc nội chiến dù cho đến nay các bên liên quan vẫn đang cố gắng để tình hình không xấu thêm./.
                                                      Nguyễn Hùng/VOV online 
                                                       Theo AP, RIA, PressTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét