Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

 Ukraine: Phía trước là nợ nần, chia rẽ và xung đột

Cập nhật lúc 09:45
VOV.VN - Kinh tế trên bờ vực phá sản và chủ nghĩa dân tộc, ly khai là những điều đang hiện hữu tại quốc gia Đông Âu có vị trí quan trọng này.
Những biến động chính trị nhanh chóng tại quốc gia Đông Âu vào cuối tuần quan với việc phe đối lập giành được quyền kiểm soát thủ đô Kiev và buộc Tổng thống đương nhiệm Victor Yanukovich buộc phải chạy trốn về phía Đông đất nước. Quốc hội Ukraine - cơ quan mà phe đối lập coi là hợp pháp duy nhất vào thời điểm đó cũng đã nhanh chóng bầu ra Chủ tịch Quốc hội mới và chỉ định Tổng thống lâm thời điều hành đất nước cho tới khi cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào 25/5 tới. Một chính phủ mới cũng đang được xúc tiến thành lập (dự kiến việc bỏ phiếu sẽ được tiến hành vào ngày 27/2).

Nhìn vào những động thái trên, có vẻ như Ukraine đang dần đi vào ổn định sau những biến cố chính trị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, khoảng trống quyền lực mà Tổng thống Yanukovich để lại không dễ lấp đầu trong một sớm một chiều. Những dấu hiệu không mấy tốt lành cả về chính trị và kinh tế đã xuất hiện và hứa hẹn sẽ là những thách thức không nhỏ với chính quyền mới tại Ukraine.
 
Sau thắng lợi sẽ là hàng núi khó khăn với chính quyền mới ở Ukraine (Ảnh: Reuters)

Ngân khố trống rỗng và những khoản nợ khổng lồ

Đổ lỗi cho những nguyên tắc mà chính quyền của ông Viktor Yanukovych áp dụng đã đẩy nền kinh tế Ukraine đến "bờ vực của một thảm họa", Tổng thống lâm thời Ukraine Aleksandr Turchinov đã thừa nhận rằng, ngân khố của nước này đang trống rỗng và phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ sắp đáo hạn.

Theo ước tính, Ukraine sẽ cần khoảng 15 tỷ USD để trả cho các chủ nợ từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính nước này cũng cho biết, Ukraine cần khoảng 35 tỷ USD viện trợ để cải thiện nền kinh tế đang chìm sâu trong khủng hoảng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chính quyền mới ở Ukraine vẫn chưa biết đào đâu ra những khoản tiền khổng lồ trên mặc dù có rất nhiều lời hứa từ phương Tây.

Hãng AP đưa tin, sau những gì được cho là "thắng lợi" của Mỹ và EU tại Ukraine khi lật đổ được ông Yanukovich - người được  cho là thân Nga - lãnh đạo các quốc gia phương Tây đang phài đối mặt với sự thật ảm đạm của nền kinh tế Ukraine và đây cũng là thách thức lớn với sự hảo tâm của các quốc gia này.

"Câu hỏi được đặt ra bây giờ là bao nhiêu gánh nặng để đối phó với nền kinh tế kiệt quệ tại Ukraine sẽ đặt lên vai người dân châu Âu và bao nhiêu lên vai người nộp thuế Mỹ?", AP dẫn lời ông Wayne Merry, một học giả tại Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ cho biết.

Theo ông Wayne Merry, vào thời điểm hiện tại vấn đề Ukraine không phải là ưu tiên hàng đầu của Washington, trong bối cảnh nước này đã có nhiều vấn đề lớn hơn cần quan tâm như: tình hình Syria, tiến trình hòa bình Israel - Palestine và cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Trong khi đó, Jonathan Adelman, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Denver cho AP biết, ông thấy rất ít cơ hội Washington sẽ thông qua gói cứu trợ cho Ukraine tại thời điểm khó khăn ngân sách Mỹ đang khó khăn. Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã công bố đề xuất giảm quy mô quân đội Mỹ, theo đó số lượng bộ binh Mỹ sẽ giảm từ 520.000 xuống còn 450.000 người, tương đương với thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ 2 trước sức ép cắt giảm ngân sách.
"Sẽ không có sự nhiệt tình ở đây khi quyết định chi hàng chục tỷ USD viện trợ để bảo lãnh cho nền kinh tế Ukraine thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ", giáo sư Adelman nói.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - thể chế tài chính lớn nhất thế giới dù tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Ukraine nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra con số cụ thể nào. Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde tuyên bố, thể chế của bà sẵn sàng giải cứu Kiev nhưng với điều kiện cải cách phải được thực hiện (ám chỉ đến những quy định ngặt nghèo mà châu Âu đưa ra).

Trong khi đó Nga - đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine hiện đang nghi ngờ về tính hợp pháp của chính quyền mới tại Ukraine và quyết định tạm thời dừng gói viện trợ 15 tỷ USD (được ký kết giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Yanukovich năm ngoái).

Phát biểu với các phóng viên bên lề Hội nghị G20 diễn ra tại Sydney cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, Moscow sẽ cân nhắc việc có tiếp tục kế hoạch mua trái phiếu châu Âu của Ukraine như là một phần của gói hỗ trợ tài chính đã ký giữa hai nước nữa hay không, cho đến khi Kiev thành lập một chính phủ mới.

Moscow cũng đưa ra cảnh báo rằng, các hợp đồng mua bán khí đốt giữa Ukraine và Nga là có giới hạn và Nga có thể xem xét lại các hợp đồng này. Theo thỏa thuận được ký giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Yanukovich, bên cạnh gói viện trợ 15 tỷ USD, Nga cũng đồng ý giảm 30% trong tổng số 2,7 tỷ USD giá khí đốt tự nhiên mà Nga đã bán cho Ukraine năm 2013.

Chuyên gia Lưu Phụng Hoa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc khi trả lời trên Tân Hoa xã cũng lưu ý rằng, việc Nga tạm dừng nhập khẩu sữa và các sản phẩm thép từ Ukraine trong năm 2013, cũng như việc điều chỉnh giá gas đã gây thiệt hại hơn 6,5 tỷ USD cho Ukraine.

Ngoài những khó khăn về kinh tế, chính quyền mới tại Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc đoàn kết dân tộc và tránh nguy cơ chia rẽ của đất nước.

Mặc dù sau cuộc chính biến tại Ukraine, cả Nga, EU và Mỹ đều nhanh chóng lên tiếng kêu gọi ổn định tình hình tại quốc gia này, tuy nhiên nguy cơ chia cắt thành hai nữa Đông - Tây như đã từng xảy ra trong lịch sử lại xuất hiện.

Nguy cơ về một sự chia rẽ sâu sắc tại quốc gia Đông Âu này, giữa một bên là miền Đông, với những người dân nói tiếng Nga và thân Nga, chiếm đa số và bên kia là miền Tây, với những người dân nói tiếng Ukraine, có tinh thần dân tộc cao và thân châu Âu khiên nhiều người lo rằng có thể xảy ra nội chiến tại Ukraine.

Ngay bản thân Chủ tịch Quốc hội, đồng thời là Tổng thống lâm thời Ukraine Aleksandr Turchinov ngày 25/2 cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ xuất hiện chủ nghĩa ly khai ở quốc gia này sau khi chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych sụp đổ.

Ngay sau khi phe đối lập tuyên bố giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev, tại thành phố cảng Sevastopol, miền Đông Ukraine, hàng nghìn người đã xuống đường tuần hành lên án cuộc chính biến tại thủ đô Kiev. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu bảo vệ thành phố Sevastopol. Đây cũng là nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga gần 200 năm nay và là thành trì của những người có quan điểm thân Nga.

Một động thái của chính quyền mới cũng có thể khiến sự rạn nứt Đông - Tây lớn hơn nữa là việc Quốc hội thông qua một dự thảo luật về việc hủy bỏ việc công nhận tiếng Nga là một ngôn ngữ chính thức tại một số vùng của Ukraine. Động thái này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối từ Moscow. Ông Konstatin Dolgov, một quan chức phụ trách vấn đề nhân quyền của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Hành động tấn công vào ngôn ngữ Nga tại Ukraine không những vi phạm quyền con người, mà còn đi ngược lại các nguyên tắc của luật pháp”.

Hãng tin Ria Novosti của Nga ngày 25/2 đưa tin, kể từ khi chính quyền mới được thành lập ở Ukraine, lời kêu gọi ly khai đã lan rộng ở phía Đông và phía Nam - nơi cộng đồng dân cư chủ yếu nói tiếng Nga sinh sống.
 
Những người Ukraine ủng hộ việc thiết lập quan hệ thân thiết với Nga biểu tình tại Sevastopol ngày 23/2 (Ảnh: RIA Novosti)

Chủ nghĩa dân tộc và ly khai gia tăng
Thậm chí, tại Sevastopol, thành phố trên bán đảo Crimean, người dân đã yêu cầu một cuộc họp Hội đồng thành phố để bầu một doanh nhân địa phương có quan hệ thân thiết với Nga là Alexei Chaliy  làm Thị trưởng mới của thành phố. Cuộc họp Hội đồng sau đó đã thống nhất bầu ông Chaliy làm Thị trưởng.
"Một thị trưởng Nga cho một thành phố Nga", đám đông đã hô vang khẩu hiệu khi tập trung ở trung tâm thành phố Sevastopol.

Ria Novosti cũng cho biết, giới chức địa phương cũng đã yêu cầu lực lượng an ninh tại đây trung thành với Thị trưởng mới và thiết lập các rào chắn để bảo vệ thành phố. Cảnh sát trưởng thành phố Sevastopol, Alexander Goncharov cho biết: "Nếu chúng tôi nhận được yêu cầu bắt giữ tội phạm từ Kiev, chúng tôi sẽ không thực hiện chúng".
Tính đến thời điểm nhà lãnh đạo Liên Xô là Nikita Khrushchev (vốn là người Ukraine) quyết định cắt bán đảo Crimea chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954, bán đảo Crimea vốn là một phần lãnh thổ của Nga. 

Trong nhiệm kỳ của ông Yanukovych, bắt đầu vào đầu năm 2010, Ukraine đã đồng ý gia hạn cho Nga thuê căn cứ hải quân ở Sevastopol đến năm 2042. Điều này cho thấy một sự liên kết chặt chẽ giữa Nga và khu vực này và cũng dễ hiểu việc dân chúng tại đây muốn có quan hệ với Nga hơn là thân phương Tây như ở vùng phía Tây đất nước.

Nguy cơ về kinh tế và chia rẽ về chính trị đang hiện hữu và việc cân nhắc lựa chọn ngả về Đông hay Tây đối với chính quyền mới hiện nay ở Ukraine đang là vấn đề đau đầu. Theo các nhà phân tích, việc quá ngả về bên nào cũng sẽ khiến tình hình ở Ukraine thêm rối ren và hơn ai hết, những chính trị gia tại quốc gia này là người hiểu rõ nhất./.
Nguyễn Hùng/VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét