Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

 13:57

 Thực hư chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu 

Đúng 1 tuần, sau khi Bộ Tài chính giảm thuế xăng về 18%, công thức tính giá chung của các doanh nghiệp xăng dầu chỉ ra rằng: "mặt hàng xăng Ron A 95 đang lỗ 497 đồng/l, xăng A95 lỗ 605 đồng/l”. Thực hư chuyện này ra sao?


Doanh nghiệp kêu lỗ, dư luận khó tin

Doanh nghiệp "trần tình” việc lỗ lãi

Sáng 30-5, một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam điện thoại cho phóng viên trao đổi, giá bình quân 30 ngày, tính từ ngày 28-4 đến 28-5, của mặt hàng RON92 là 110,97 USD Mỹ /thùng; DO 0,055S là 115,48 USD Mỹ/thùng. Với mức giá trên, DN đang lỗ 497 đồng/lít xăng Ron A92 và 605 đồng/lít đối với Ron A95, còn dầu diesel lỗ 270 đồng/l.

Giá xăng tại thị trường Singapore, nơi Việt Nam lấy làm tham chiếu trong phiên giao dịch ngày 29-5 cũng là 113.17 USD/ thùng, dầu  DO 0.025 là 117.60 USD/thùng. Vị đại diện này trần tình thêm, "đang ngồi trước máy tính, thuế giảm 18% giúp cho DN dễ thở hơn nhưng không ăn thua. Bảng giá cơ sở bình quân 30 ngày đối với mặt hàng xăng Ron A92 mấy ngày nay đều cao hơn giá bán hiện hành”. Thời điểm ngày 28-5, giá cơ sở xăng Ron A 92 là 23. 767 đồng/l, công ty đang lỗ 400 đồng/l. Đại diện DN xăng dầu này cũng cho biết, công ty ông chưa có kiến nghị gì gửi lên Bộ Tài chính. Hiện công ty đang phải nghe ngóng các động thái khác từ Petrolimex, PVoil…

Cần lưu ý, đây là bảng công thức tính giá chung áp dụng cho 13 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bản thân từng đơn vị có quy mô kho cảng khác nhau, thời điểm tàu hàng cập cảng khác nhau. Các DN lấy thông tin về giá chung, nhưng lựa chọn một thời gian nhập khẩu có lợi nhất  (có thể là giá thấp hơn và cao hơn, lệch đi so với bảng tính chung). Do vậy, tùy vào từng điều kiện, mức lỗ hay lãi thường biến động trong phạm vi thấp hơn 200 đồng/l so với bảng tính giá chung.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty TNHH một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp (PETIMEX), ông Nguyễn Thế Dũng cũng khẳng định với Đại Đoàn Kết: hiện tại DN đang lỗ. Quy định của ngành hàng xăng dầu phải dự trữ hàng tối thiếu 30 ngày, nên trong kho tồn một lượng hàng cũ được nhập với mức giá thấp hơn 113.17 USD/thùng, do vậy chưa kiến nghị mức tăng giá. Thêm nữa, lợi nhuận biên mà các DN đang được hưởng (gồm 300 đồng chi phí định mức, lợi nhuận định mức 860 đồng/l), lớn hơn mức lỗ mà DN đang bù đắp 605 đồng/l. Nếu như mức giá tại Singapore tiếp tục tăng cao như 2 ngày gần đây thì DN sẽ báo cáo bới Bộ Tài chính. 

Vẫn đua nhau vào "câu lạc bộ” kinh doanh xăng dầu

Trong khi DN kêu lỗ, than khổ, chịu đau nhưng tại sao ngày càng nhiều DN xin giấy phép kinh doanh xăng dầu từ Bộ Công thương? Thành viên kinh doanh xăng dầu từ con số 11 tăng lên 13, rồi 17. Mới đây Bộ Công thương cấp thêm 4 giấy phép kinh doanh cho Công ty CP Xăng dầu và dịch vụ hàng hải STS (TP.HCM), Công ty CP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (Hậu Giang), Công ty CP xăng dầu Thái Sơn (TP.HCM), và Công ty CP dầu khí Đông Phương (TP.HCM). Giấy phép cho các DN này có hiệu lực đến năm 2018.

Không chỉ có các lão làng Petrolimex, Pvoil, xăng dầu quân đội, mà đầu mối kinh doanh xăng dầu còn có thêm những tên tuổi mới như Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà, Tổng công ty Hàng hải... Sự gia nhập của các thành viên mới được ngầm hiểu rằng, lĩnh vực kinh doanh "nửa nhà nước, nửa DN” này đang có nhiều điều hấp dẫn. Chưa kể, muốn được kinh doanh xăng dầu thì chi phí đầu tư ban đầu cho kho bãi, xe bồn… lên tới 400-500 tỷ đồng. 

Vì thế, câu hỏi được đặt ra: những gì DN tính toán có đúng hay không? Liệu đang có những góc khuất nào khác. Thêm nữa, thời điểm than lỗ cùng lúc các DN chạy đua chiết khấu, mạnh tay chi cho đại lý từ 650 đồng- 900 đồng/l. Hộp đen phần trăm hoa hồng vẫn là sóng ngầm khó dứt trong lòng các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Và ai cũng biết rằng, miếng bánh thị phần kinh doanh xăng dầu đang thuộc về ông lớn Petrolimex. Chỉ cần một tiếng "ho khan” của Petrolimex thì các DN khác lao theo.

Một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về thị trường xăng dầu thẳng thắn trao đổi với Đại Đoàn Kết, thời gian qua dư luận xã hội luôn khó chịu với cách điều hành thị trường xăng dầu. Xăng dầu lỗ lãi như thế nào người dân không rõ. Bản thân DN cũng luôn có hai cuốn sổ. Giá nhập khác giá khai báo hải quan. Cơ quan quản lý chưa thực hiện đầy đủ vai trò của mình việc quản lý giá một trong những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. 

Vị này dẫn chứng, giá bình quân 30 ngày đến 29-5 là 110.97 USD thùng (mức thuế suất 18%) DN than lỗ 500 đồng. Ngược trở lại thời điểm 1 tháng,  giá bình quân 30 ngày đến 26-4 là 119.29 USD thùng (thuế suất nhập khẩu 16%) DN không lỗ. Vị này cho rằng, phần chênh thuế hoàn toàn bù được phần chênh với giá cơ sở giữa hai thời điểm. Từ đó đi đến kết luận, DN xăng dầu không lỗ.

Vị chuyên gia này nói thêm, với chức năng quản lý nhà nước về giá, cơ quan giá Bộ Tài chính phải có trách nhiệm phối hợp với Hải quan kiểm tra, kiểm soát từng ngày nhập hàng của một số DN đầu mối là biết ngay giải đáp của DN có tương thích, phù hợp không. Im lặng hay là không biết ? Điều này đã làm cho DN hưởng lợi cao, còn thiệt hại dành cho người tiêu dùng. 
(Theo ĐĐK) Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét