Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

14:28

 “Bóng ma” lạm phát đáng ngại hơn giảm phát
SGTT.VN - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,06% so với tháng 4 và là tháng thứ hai kể từ đầu năm đến giờ có mức âm đang làm dấy lên lo ngại nguy cơ giảm phát của nền kinh tế, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ đều đang cạn dần.

 
Sức mua yếu, doanh nghiệp đưa ra nhiều mặt hàng giá rẻ nhưng khách hàng vẫn quay lưng. Ảnh: Minh Phúc
Mặc dù mức giảm 0,06% của CPI không lớn, song mối lo ngại được đặt trong bối cảnh chỉ số này “lình xình” trong nhiều tháng liên tiếp. Cụ thể, tháng 4, CPI chỉ tăng không đáng kể 0,02% so với tháng 3 – mức tăng thấp nhất trong vòng mười năm trở lại đây và tháng 3, chỉ số này giảm 0,19% so với tháng 2. Tính chung lại, từ đầu năm đến nay, CPI tăng 2,35% so với tháng 12.2012 và tăng 6,74% so với bình quân cùng kỳ 2012.
Thêm vào đó, con số thống kê cũng thể hiện sức cầu vẫn yếu ớt. Theo đó, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng nhẹ 0,8% so với tháng trước. Tính chung năm tháng đầu năm, chỉ số này tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,8% – một mức tăng rất thấp, chưa bằng một nửa so với bình quân của nhiều năm trước! Tuy nhiên, bên cạnh cầu yếu, nguyên nhân quan trọng làm CPI tháng này giảm vẫn đến từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Bởi vậy, trước khi có công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 khá lâu, đánh giá về nguy cơ giảm phát của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh từng cho rằng “chưa có vấn đề gì đáng ngại”, bởi theo ông “CPI giảm liền trong một quý mới được coi là có hiện tượng giảm phát”.
"Chính phủ lạm phát cũng lo, thiểu phát cũng lo, song tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý”.
(Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam)
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo không phải vì CPI thấp mà vội vã thực hiện các gói kích thích kinh tế mạnh tay bởi nguy cơ lạm phát vẫn có thể quay lại bất cứ lúc nào. Vài tuần trước, chuyên gia kinh tế Trịnh Quang Anh, tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, cũng đã từng phân tích: Yếu tố chi phí đẩy của nền kinh tế vẫn hiện hữu, bao gồm: các doanh nghiệp suốt thời gian dài vừa qua phải tăng mạnh chi phí đầu vào, song do sức mua yếu nên hầu hết không tăng giá, thậm chí còn giảm giá, chấp nhận hoà vốn, thậm chí thua lỗ, song sự chấp thuận đó chỉ mang tính tạm thời, khi cung – cầu thị trường dần cân bằng trở lại, họ sẽ phải tìm cách đẩy giá lên. Một loạt các mặt hàng thiết yếu như điện, than, dịch vụ y tế… thời gian vừa qua buộc phải neo giá, song vẫn nằm trong lộ trình điều chỉnh dần theo giá thị trường. Đặc biệt, thị trường chuẩn bị đón một lượng tiền bơm ra khá mạnh, từ hai nguồn là gói hỗ trợ cho vay nhà ở 30.000 tỉ đồng mới được phê duyệt và gói xử lý nợ xấu. Đó là chưa kể kế hoạch tăng trái phiếu phát hành… “Có thể CPI âm giỏi lắm một tháng nữa”, ông Quang Anh nhận định.
Một khía cạnh khác được ông Quang Anh chia sẻ, đó là ai cũng dễ dàng nhìn thấy tổng cầu suy giảm, song chưa quan tâm đầy đủ tới khía cạnh tổng cung cũng sụt giảm. “Đường tổng cung cũng dịch chuyển đi xuống, đó là do doanh nghiệp chủ động cắt giảm sản lượng, quy mô trong một thời gian dài trước tình cảnh sức mua kém”, ông Quang Anh nói, và cho biết thêm, nếu tổng cung tiếp tục giảm, cầu nhích lên, CPI có thể sẽ tăng nhanh trở lại do hụt cung. Ông Quang Anh nhấn mạnh: “Có thể nói, nhiều nhân tố đang chờ được kích hoạt và lạm phát có thể trở lại bất cứ lúc nào”.
Trước một số kiến nghị tăng trần nợ công, tăng chi tiêu Chính phủ như một biện pháp tăng tổng cầu, ông Quang Anh nói rằng “kịch liệt phản đối”. Bởi theo ông, điều đó thể hiện Chính phủ thiếu nhất quán và kiên quyết trong mục tiêu ổn định vĩ mô như đã nhiều lần khẳng định. Mặt khác, trong bối cảnh hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam chưa được cải thiện, tiếp tục bơm tiền ra sẽ khó để tạo ra sản phẩm, hàng hoá tương lai mà sẽ càng làm khó cho mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ gần như cạn kiệt (khu vực đầu tư, chi tiêu công đã quá bành trướng và rệu rã; tín dụng đã liên tục nới lỏng và hạ giá nhưng vẫn khó tăng trưởng), Việt Nam nên tập trung chính sách trọng cung. Theo đó, tập trung cải thiện nền kinh tế, tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp…
(Theo Sài Gòn tiếp thị) Thảo Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét