Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

13:17

 Bà Nguyễn Thị Doan: 'Tình hình như thế này là nguy lắm rồi’

(ĐVO) – ‘Tình hình bức tranh chung nội tại của nền kinh tế năm 2013 vẫn tiếp tục là một năm thử thách’; ‘Tiền tệ đã đóng băng, tình hình như thế này là nguy lắm rồi’… Những phát ngôn về bức tranh kinh tế của cả chuyên gia và lãnh đạo cấp cao của đất nước đủ để thấy tìm giải pháp ‘cứu’ nền kinh tế cấp bách tới mức nào.
Ngày 30/5, các ĐBQH sẽ thảo luận tại Hội trường trong phiên họp được truyền hình trực tiếp để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Cử tri và nhân dân cả nước cũng kỳ vọng tại diễn đàn này sẽ ‘lóe’ lên tia hy vọng để nền kinh tế được vực dậy. Trước đó, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: ‘Nếu kỳ họp Quốc hội này mà không đưa ra được giải pháp đủ mạnh thì những khó khăn sẽ thêm trầm trọng’.
Tình hình nguy lắm rồi
Khác với nhiều lần phát biểu trước đây, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ngày càng lo ngại về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Theo TS Thiên, ‘tình hình kinh tế rất chậm được cải thiện, nếu không nói là có xu hướng xấu đi trên nhiều phương diện, không phải chỉ là câu chuyện nợ xấu.
TS Thiên phân tích, kinh tế Việt Nam từ năm 2007 đến nay có hai đặc điểm rất quan trọng là tốc độ tăng trưởng sụt giảm dù rằng vẫn giữ mức tăng trưởng dương khá cao. Điều này thể hiện qua con số mức tăng trưởng năm 2007 là 8,48% đến nay chỉ còn có 5,03% chứng tỏ sự sụt giảm rất lớn.
‘Nói dương 5,03% nhưng vẫn xem là rất thấp vì nền kinh tế của ta dựa rất nhiều vào nông nghiệp và khu vực gia đình. Nó khó mà tụt xuống thấp hơn nữa. Vì vậy, con số tăng trưởng tụt xuống mức 5,03% là rất thấp rồi. Do vậy nhìn con số này để thấy ta vẫn yên chí là rất nguy hiểm!’, TS Thiên nói.
Thứ hai nền kinh tế của Việt Nam từ khi gia nhập WTO thể hiện rất rõ sự bất ổn tăng lên. Điều này thể hiện ở chỉ số lạm phát vừa cao, và mức độ giao động lại rất mạnh.
Mức độ giao động nó nói lên tính bất ổn định vì có những khi lạm phát đang ở 6% sau lại tăng lên mười mấy phần trăm, đến năm 2012 lại hạ xuống 6,81%.
Có thể thấy hạ lạm phát thấp là một mục tiêu, song cứ nhiều lần hạ, nhiều lần tăng chứng tỏ là rất bất ổn. Ta phải nhìn thấy đằng sau cái gọi là những thành tích ngắn hạn hay khó khăn ngắn hạn của từng năm một toát lên sự giao động và tính bất ổn của nền kinh tế.
Những chỉ số khác cũng rất là quan trọng để nói tình hình kinh tế khó đến mức nào.
Ví dụ như doanh nghiệp đóng cửa nhiều. Doanh nghiệp đóng cửa liên quan đến việc làm, thu nhập, sản lượng… và sức khỏe của nền kinh tế.
Trong khi đó, năm 2012 có tới 110.000 doanh nghiệp đóng cửa và số còn lại phải giảm công suất lao động 20-30%. Doanh nghiệp là lực lượng trụ cột của nền kinh tế mà nó bị yếu, giảm công suất rồi đóng cửa thì nền kinh tế yếu đi là rõ ràng.
Sang đầu quý I năm 2013, số doanh nghiệp đóng cửa còn tăng hơn cả mức bình quân của từng quý những năm trước.
Nhìn ở góc nợ xấu, hàng tồn kho đều là những biến số có thể gọi là hai cục máu đông. Cái khó này đặt vào năm 2013 để thấy vốn nó đã xấu nay còn xấu hơn.
Minh chứng rõ ràng là lượng bơm tín dụng rất thấp. Quý I/2013 mà tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,03% tức là gần như bằng không. Sang tháng 4 có nhích lên 1 tí nhưng vẫn cho thấy khả năng hấp thụ vốn quá thấp.
Chúng ta biết rằng nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào vốn (70-80% tăng trưởng là nhờ vào tín dụng). Những năm trước để tăng trưởng tăng 60-70% tín dụng phải đạt ngưỡng 35-40%. Trong khi bây giờ tín dụng về gần như là vạch không cho thấy nền kinh tế nguội lạnh đi. Động lực tăng trưởng giảm đi rất nhiều.
 'Lưu thông vốn bị ách tắc thì tình hình rất tồi tệ' - TS Trần Đình Thiên
'Lưu thông vốn bị ách tắc thì tình hình rất tồi tệ' - TS Trần Đình Thiên
Thứ hai là ngân sách quý I/2013 cũng giảm đi. Chính phủ quyết tâm bơm mạnh ngân sách ra theo đúng cách tăng nguồn lực cho nền kinh tế phục hồi nhưng sức hấp thụ của nền kinh tế vẫn yếu.
‘Có thể nói tình hình bức tranh chung nội tại của nền kinh tế năm 2013 vẫn tiếp tục là một năm thử thách’, TS Thiên nói.
Theo TS Thiên, hiểu theo nghĩa đường đồ thị thì bất ổn vẫn tăng lên, nợ xấu xa vời và hàng tồn kho giảm chậm rồi doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa nhiều sẽ tiếp tục xấu hơn cả những cái xấu mà người ta đang nói. Lưu thông vốn bị ách tắc thì tình hình rất tồi tệ.
Nhìn thẳng vào sự thật này, khi nghe các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và thu ngân sách những tháng đầu năm 2013 tại phiên họp ngày 14/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng phải thốt lên: ‘Tiền tệ đã đóng băng, tình hình như thế này là nguy lắm rồi’.
 Bà Doan đề nghị: “Phải nhìn thẳng vào tình hình khó khăn của đất nước để giải quyết vấn đề. Nếu kỳ họp Quốc hội này mà không đưa ra được giải pháp đủ mạnh thì những khó khăn sẽ thêm trầm trọng”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng: “Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100.000 doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỷ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%”.

Giải quyết ‘cục máu đông’ thị trường vàng, nợ xấu
Để chuẩn bị cho phiên thảo luận ngày 30/5, hàng loạt câu hỏi về "lợi ích nhóm" trên thị trường, chênh lệch giá vàng cũng như giải pháp xử lý nợ xấu được đại biểu Quốc hội gửi tới Thống đốc và kỳ vọng được giải đáp trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội này.
Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo về hiệu quả của chính sách quản lý thị trường vàng theo cơ cơ chế mới, kết quả cụ thể việc giải quyết nợ xấu trong những tháng đầu năm 2013 và khả năng xử lý các vấn đề này trong những tháng tiếp theo.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, một số đại biểu đề nghị Ngân hàng nhà nước nên có giải thích việc có hay không "lợi ích nhóm" trong điều hành giá vàng. Ngoài ra, cần đánh giá rõ hơn việc quản lý thị trường vàng theo cơ chế mới mà cơ quan quản lý cho là tốt hơn vì dư luận, nhân dân cho rằng đây là cơ chế độc quyền và tạo ra chênh lệch giữa thị trường trong nước với thế giới.
Theo ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh, báo cáo của Chính phủ nói thị trường vàng được quản lý tốt hơn, nhưng báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách lại khác, là chưa rõ nghĩa. Vậy cơ chế mới là cơ chế gì, phải chăng là cơ chế độc quyền.
Bà Ánh cho rằng, vấn đề ổn định tỷ giá là do cơ chế mới hay do tình hình kinh tế đất nước quyết định vì tiền đâu mà mua vàng. Hay cơ chế mới tạo ra sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới làm nhân dân rất phản ứng. Tại kỳ họp thứ  4, giải trình của Thống đốc có vẻ hợp lý nhưng kết quả đến nay thì không phải như vậy. Và người dân chịu thiệt nhiều hơn. Bất bình của người dân về quản lý vàng chưa thấy được giải đáp.
Hàng loạt câu hỏi về việc tạm xuất, tái nhập hơn 10 tấn vàng cũng được đưa ra, bởi cử tri nghi ngại rằng chỉ có nhập mà không có xuất. Chênh lệch lợi nhuận từ giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới ai hưởng? Vì sao giá vàng trong nước qua hơn 10 phiên đấu thầu vẫn cao hơn giá thế giới.
‘Cần xem xét lại chính sách tạm xuất tái nhập vàng thì DN nào được cấp quota và dân thắc mắc. Tạm xuất tái nhập vì để nước ngoài kiểm định vàng, vậy trong thời gian ngắn huy động được lượng vàng hơn 10 tấn có khả năng không, đặt ra nghi ngờ không tạm xuất mà có nhập’, Đại biểu Ánh nói.
Nhiều ý kiến nhận định việc duy trì một thương hiệu vàng độc quyền trên thế giới chưa có ngân hàng trung ương nào thực hiện, việc đề ra thương hiệu vàng quốc gia cũng không có văn bản pháp luật nào quy định.
"Quản lý thị trường vàng được Chính phủ đánh giá mới chỉ đạt kết quả bước đầu, cần phải phân tích kỹ hơn nguyên nhân và so sánh những kết quả đạt được với thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu thì cái nào lớn hơn?", các đại biểu yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước làm rõ.
Liên quan đến nợ xấu, các đại biểu đề nghị công khai minh bạch và có giải pháp giải quyết "cục máu đông" này nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng. Có ý kiến yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kinh nghiệm nước ngoài trong giải quyết nợ xấu, không nên dùng tiền từ ngân sách nhà nước để xử lý nợ.
Từ hàng loạt những khó khăn, những điều còn chưa thỏa đáng khiến nền kinh tế yếu đi, cử tri cả nước chờ đợi một sự thay đổi.
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét