Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012


16:18
Ra luật bắt bí người dân


Nhiều quy định như phạt người có nhà cho thuê kinh doanh, phạt người đi xe không chính chủ, bán thịt trong vòng 8 tiếng... quá xa rời thực tế, thậm chí còn theo kiểu bắt bí người dân buộc họ vi phạm… không còn là câu chuyện hiếm trong những năm qua.

Cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa nghiên cứu kỹ một cách thấu đáo, kỹ lưỡng. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị căn bản của các quy phạm pháp luật và làm cho pháp luật mất đi sự uy nghiêm” - ông Đinh Xuân Thảo,Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận định.

Nhờn luật
. Phóng viên:Là đại biểu Quốc hội nghiên cứu trong lĩnh vực lập pháp, ông nghĩ sao khi thời gian qua có nhiều văn bản, quy phạm pháp luật được các cơ quan nhà nước ban hành bị người dân “kêu trời”, la ó vì không phù hợp, trái luật dẫn đến phải điều chỉnh lại…?
+ÔngĐinh Xuân Thảo:Đúng là thời gian qua có nhiều văn bản pháp luật khi trình được Quốc hội, Chính phủ thông qua nhưng lại không triển khai được, dẫn đến phải tạm dừng hoặc phải sửa đổi. Ví dụ như chuyện thi hành án hình sự bằng tiêm thuốc độc, rõ ràng khi trình dự luật ra Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo khẳng định “khả thi”, thực hiện được. Cuối cùng dù Quốc hội mất nhiều thời gian để bàn bạc, thảo luận, thông qua nhưng cái quan trọng nhất cuối cùng là khi luật có hiệu lực lại không thể thực hiện được.
Tương tự, như Luật Thuế thu nhập cá nhân, ban hành, có hiệu lực nhưng rồi chúng ta cũng phải lùi thời gian thực hiện đến sáu tháng. Đây cũng là câu trả lời cho những câu hỏi mà nhiều người đặt ra là vì sao ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn kém.
. Nhưng thưa ông, chúng ta phải lý giải sao khi có những quy định được ban hành theo kiểu buộc người dân vào tình thế phải vi phạm?
+Cái này đúng là thiếu sót nghiêm trọng cần phải rút kinh nghiệm một cách sâu sắc. Ví dụ như quy định bắt buộc lái xe container phải có bằng FC, hay ô tô phải lắp hộp đen, ai không thực hiện sẽ bị phạt. Tuy nhiên, trước khi quy định có hiệu lực được vài tháng, cơ quan quản lý mới xây dựng xong cơ sở đào tạo hay quy chuẩn về hộp đen thì người dân làm sao trở tay kịp. Như thế là anh đặt ra quy định mới nhưng anh lại không tạo điều kiện để người dân thực hiện quy định, đó là bắt bí người dân, là cái sai của cơ quan quản lý.
Cái đáng lo là hiện nay những quy định như kiểu trên ngày càng có nhiều, như trong một số lĩnh vực hiện nay, chúng ta quy định bắt buộc các đơn vị, người hành nghề đó phải có bằng cấp chuyên ngành này, chuyên ngành kia. Tuy nhiên, anh quy định nhưng anh lại không nghiên cứu xem các trường ĐH giảng dạy đào tạo đội ngũ nhân lực đó thế nào, có đủ đáp ứng nhu cầu cho xã hội hay không… Như thế anh đánh đố người ta rồi, làm sao người ta thực hiện được.
Gặp dân rồi hãy ban hành
. Quy trình để ban hành các VBQPPL rất chặt chẽ nhưng sao tình trạng trên vẫn xảy ra? Phải chăng chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích của nhà quản lý mà bỏ qua đi tính hợp hiến, hợp pháp, hợp với điều kiện kinh tế-xã hội mà pháp luật đã quy định?
+ Đúng là việc xây dựng ra các quy định để quản lý được thuận lợi, dễ dàng, phù hợp là điều cần thiết. Nhưng quản lý gì đi nữa đòi hỏi cũng phải phù hợp với thực tế, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện được. Chứ chỉ nghĩ đến lợi ích cho ngành mình, lợi ích dễ dàng cho quản lý mà quên đi các vấn đề khác là không được.
. Nhiều người dân thắc mắc rằng khi vi phạm các quy định dù bất hợp lý thì họ vẫn bị xử phạt. Vậy tại sao những người ban hành các quy định đó lại không bị phạt, chúng ta phải giải thích thế nào với dân về điều trên?
+Cái này thì quy định về trách nhiệm đã có nhưng đúng là chúng ta chưa thực hiện nghiêm. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng khi ban hành các VBQPPL phải nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đừng đặt lợi ích quản lý của mình lên trên tất cả lợi ích khác. Hơn nữa, khi ban hành các VBQPPL phải nhìn ra một điều là khi cuộc sống có yêu cầu thì mới làm luật. Còn nếu chưa có yêu cầu thì đừng làm luật vội, bởi làm ra mà không thực thi được thì sẽ dẫn đến nhờn luật… Mất cái uy nghiêm của pháp luật, gây khó khăn cho người dân.
Hơn nữa, khi xây dựng cơ quan chủ trì soạn thảo cần đi thực tế, gặp trực tiếp người thực thi, người dân tìm hiểu xem các quy định đó khi ban hành sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc thực thi và chấp hành. Qua đó, anh sẽ biết để mà điều chỉnh các quy định sao cho khi ban hành là sẽ được thực thi ngay. Chứ đừng làm theo cái kiểu mà khi trình, đại biểu Quốc hội chất vấn là “liệu có khả thi không?” lại trả lời chắc nịch là khả thi vì đã được tính toán kỹ. Nhưng cuối cùng rồi vẫn không thực thi được, cứ phải lùi mãi…
. Xin cảm ơn ông.
Quy định phải hủy
Bán thịt 8 tiếng. Thông tư của Bộ NN&PTNT quy định, từ 3-9-2012, thịt và phụ phẩm được bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ từ khi giết mổ. Quy định này không thực tế, phải bỏ.
Ngực lép không được lái xe. Năm 2008, Bộ Y tế đưa ra tiêu chuẩn sức khỏe người chạy xe máy. Theo đó, không cấp bằng lái xe máy trên 50 cc cho người có vòng ngực trung bình dưới 72 cm. Quy định này bị hủy sau đó.
Đi xe theo ngày… chẵn, lẻ. Sở GTVT TP.HCM đã có “sáng kiến” đề nghị nghiên cứu ô tô cá nhân đi vào khu vực trung tâm thành phố theo cách xe số chẵn đi... ngày chẵn, xe số lẻ đi... ngày lẻ. “giải pháp” này bị gác lại.

Đến hạn lại lùi
Cấm xe ba gác, xe tự chế: Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành xe tự chế ba bánh, bốn bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung công. Tuy nhiên, tại TP.HCM thời hạn này đã phải lùi hai lần, đến năm 2009 mới thực hiện.
Xe không gắn hộp đen. Theo quy định, ngày 1-7-2011 sẽ xử phạt (mức 2-3 triệu đồng) xe khách, xe tải không gắn thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, quy định này phải lùi đến ngày 1-7-2013 (hai năm) mới thực hiện.
 Bằng lái FC. Theo quyết định của Bộ GTVT, đến ngày 1-7-2010, tài xế điều khiển ô tô đầu kéo kéo sơmi rơmoóc phải có bằng lái hạng FC. Đến hạn, chỉ có 30% tài xế kịp chuyển đổi bằng. Sau đó, Thủ tướng đã có văn bản lùi thời hạn này đến đầu tháng 7-2011.
DIỄM TRÂM tổng hợp
THÀNH VĂN thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét