Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

Giáo dục

 

Vẫn nhiều tâm tư về SGK: Ai chịu trách nhiệm?

Cập nhật lúc 11:06

Chuyên gia đồng tình với đề nghị của ĐBQH, yêu cầu sớm công bố kết quả rà soát sách giáo khoa để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, học sinh.

Cần làm ngay

GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam ủng hộ đề nghị của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) khi cho rằng, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần sớm công bố kết quả rà soát sách giáo khoa để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, học sinh.

Van nhieu tam tu ve SGK: Ai chiu trach nhiem?

Cần sớm công bố kết quả rà soát toàn bộ các bộ SGK.

Vị GS cho hay, thời gian qua những dư luận không tốt về cả 5 bộ SGK ít nhiều đều được phản ánh. Có bộ sách bị phản ánh về nội dung chương trình chưa phù hợp, có bộ bị phản ánh về ngữ liệu, từ ngữ chưa phù hợp nhưng cũng có bộ sách còn bị cho là có sai phạm, xâm phạm quyền tác giả, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Đội ngũ biên soạn khi phóng tác lại tác phẩm của người khác đã không ghi nguồn gốc tác phẩm, có thể khiến người đọc hiểu đây là tác phẩm của đội ngũ biên soạn chứ không phải là trích dẫn từ tác phẩm của người khác...

Như vậy, tới nay thông tin phản ánh, bức xúc không phải chỉ với một bộ SGK Cánh Diều của nhà NXB Đại học Sư phạm TPHCM, mà còn những bộ SGK của các nhà xuất bản khác, trong đó có cả sách của NXB Giáo dục Việt Nam.

"Việc này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề cập và yêu cầu rà soát lại tất cả 5 bộ sách nhưng tới nay mới chỉ có NXB Đại học Sư phạm TPHCM biên soạn tài liệu điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều và công bố, xin ý kiến nhân dân, những bộ sách khác chưa thấy động tĩnh gì.

Tôi không biết, việc rà soát các bộ SGK còn lại đã diễn ra chưa và thực hiện như thế nào nhưng rõ ràng, khi một bộ SGK có vấn đề thì cần phải nhanh chóng rà soát, đánh giá, chỉnh sửa lại thì mới bảo đảm tính công bằng cũng như bảo đảm quyền lợi cho giáo viên và cả người học.

Không thể tuyên bố rà soát lại rồi cuối cùng vẫn để lọt những bộ sách không bảo đảm chất lượng để sau này lại vừa học vừa phải sửa, vừa phải xin ý kiến góp ý, đính chính sẽ rất mất uy tín, ảnh hưởng tới sự tin tưởng của dư luận với ngành giáo dục", GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Từ quan điểm trên, GS Phạm Tất Dong đồng tình với đề nghị của vị ĐBQH đoàn Đà Nẵng là sớm công bố kết quả rà soát cả 5 bộ SGK, trên cơ sở đó sẽ là những phương án chỉnh sửa đi kèm.

Ai rà soát?

Tiếp theo, vị GS cũng quan tâm tới đội ngũ chuyên gia thực hiện rà soát, đánh giá lại các bộ SGK là ai? Và ai sẽ là người đứng ra chỉnh sửa những sai sót này?

"Nếu những người rà soát, đánh giá và chỉnh sửa lại SGK vẫn là những con người cũ, đứng trên quan điểm cũ thì rất khó rà soát được hết lỗi, khó nhặt hết sạn. Làm sao có thể tìm được sạn, nhặt được sạn ngay trên bộ SGK mình biên soạn, mình thẩm định để chỉnh sửa?", vị GS đặt vấn đề.

Do đó, quan điểm của ông là phải thành lập hội đồng rà soát, thẩm định, đánh giá và chỉnh sửa mới. Ông nhấn mạnh, chỉ khi có những người mới, đứng trên quan điểm mới, góc nhìn mới mới tìm ra được sạn.

"Tôi rất ngại việc rà soát, thẩm định lại nhưng vẫn trên quan điểm cũ, làm đi làm lại vẫn không thay đổi được gì, để cuối phụ huynh, giáo viên, học sinh vẫn phải than phiền, vẫn phải gánh chịu thì thật mang tiếng cho ngành giáo dục lắm", vị GS lo lắng.

Ngoài yêu cầu công bố kết quả rà soát 5 bộ SGK, thay đổi hội đồng thẩm định, đánh giá, vị GS cũng đồng tình với quan điểm của nữ ĐBQH đoàn Đà Nẵng khi cho rằng, để có được một bộ SGK chất lượng, Bộ GD-ĐT cần chuyên nghiệp hoá đội ngũ tác giả, biên tập viên biên soạn SGK. Đồng thời phải đảm bảo được quyền lựa chọn của giáo viên, đặc biệt là đảm bảo được việc cạnh tranh lành mạnh giữa các bộ sách.

Để làm được điều này, GS Phạm Tất Dong cho rằng mở ra chủ trương xã hội hóa SGK cho nhiều đơn vị tham gia, tạo ra nhiều bộ SGK là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho người dạy, người học có thêm nhiều lựa chọn phù hợp hơn.

Tuy nhiên, xã hội hóa là để có nhiều sản phẩm, để có thêm nhiều cơ hội lựa chọn cạnh tranh.

Như vậy, để một bộ SGK được chọn thì trước hết là phải bảo đảm chất lượng biên soạn về nội dung, ngôn từ, câu chữ phải chỉn chu, khoa học, chứ không phải cứ biên soạn rồi đưa ra thị trường sản phẩm nào thì bắt người học phải chọn sản phẩm đó.

Thời gian qua, chúng ta mở cửa cho xã hội hóa trong soạn SGK, nhưng công tác giám sát, quản lý chưa làm tốt, dẫn tới để lọt những bộ sách kém chất lượng, khiến dư luận bức xúc.

Trước mắt, trong khi đang chờ đợi các bộ sách chỉnh sửa, GS Phạm Tất Dong cho rằng Bộ GD-ĐT cần khẩn trương chọn lấy một bộ ít sai sót nhất, chấp nhận bỏ tiền ra mua lại bản quyền từ nhóm tác giả, sau đó lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa công khai từ các chuyên gia. Khi có được nội dung chỉnh sửa chỉn chu, khoa học, bộ sách sẽ được coi là bộ sách chính thống, sử dụng chính thức trong các trường học. Những bộ sách khác khi chỉnh sửa xong nếu có nội dung tốt, phù hợp sẽ là những bộ sách tham khảo.

Vị GS cũng khẳng định, việc này không đi ngược với chủ trương xã hội hóa, bởi chính các nhà biên soạn sách đã tự làm hỏng chủ trương xã hội hóa, tự lấy đi cơ hội và tự đánh mất lòng tin của mình với người lựa chọn.

Với vai trò của người quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm cung cấp cho người học một bộ sách chỉn chu và khoa học, vì thế, cần phải nhanh chóng chọn lấy một bộ sách ít sai nhất để chỉnh sửa và lấy đó làm bộ sách học chính.

Việc này cũng là bài học cho những nhà biên soạn sách, nhất là khi thực hiện chủ trương xã hội hóa thì càng phải nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đặt quyền lợi của người học lên đầu chứ không phải đặt lợi ích kinh doanh lên trên hết.

Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm cũng như bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, cạnh tranh bằng nội dung, bằng chất lượng giữa các nhà biên soạn sách.

"Tôi nhấn mạnh, chủ trương xã hội hóa là rất đúng đắn nhưng sản phẩm cung cấp phải là chính phẩm chứ không phải thứ phẩm hay phế phẩm", GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Tính thế nào cho bộ sách lớp 2?

Từ câu chuyện này, vị chuyên gia cho rằng ngay từ bây giờ phải tính ngay tới việc thành lập hội đồng thẩm định cho bộ sách lớp 2 để hạn chế những sai sót trong tương lai cũng như ở những bộ sách cho các cấp học tiếp theo.

Cùng với đó phải có cơ chế giám sát, quản lý rất chặt chẽ trong quá trình thẩm định, kiểm tra, lấy ý kiến. Bởi vì theo phản ánh, ngoài sai phạm về nội dung lại còn sai về luật nữa, vị GS lo ngại, sẽ có những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, lách luật làm ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm tạo ra.

Cuối cùng, vị GS cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm của mình với những bộ SGK kém chất lượng được lưu hành, xuất bản.

Cụ thể ở đây là phải có quan điểm rõ ràng với nhóm biên soạn, viết sách giáo dục, kể cả với bộ phận thẩm định SGK.

Ông khẳng định, để lọt những bộ sách kém chất lượng là do người viết thiếu trách nhiệm, thiếu trình độ chuyên môn, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, Tiếp đến là người thẩm định cũng thiếu trách nhiệm, thẩm định qua loa, để lọt những sai sót, không phát hiện ra, gây mất lòng tin với người dân. Vì vậy, những người này phải chịu trách nhiệm về chất lượng các sản phẩm đã được tạo ra.

Đặc biệt là bộ phận thẩm định. Nếu chất lượng thẩm định tốt thì không thể để lọt một bộ sách không tốt.

"Vì vậy, trong trường hợp này không phải chỉ thay bộ phận thẩm định là xong mà cần phải xử lý trách nhiệm với những người thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng tới uy tín ngành giáo dục, gây tốn kém, lãng phí nguồn lực của đất nước", ông đề nghị. 

(Theo Đất Việt) Lam Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét