Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

 Kiểm toán chủ trương

Cập nhật lúc 11:45

Nghị quyết luôn sáng suốt, đã là chủ trương phải thực hiện bằng được, tư duy đó như định hình trong suy nghĩ và hành động của nhiều người. Mới đây có ý kiến đề xuất khác lạ, đó là thực hiện kiểm toán ngay từ khâu đề ra chủ trương nhằm ngăn ngừa lãng phí, khi mà tiền của, tài sản của dân chưa “bước lên con tàu tốc hành” mang tên đầu tư công.
Thông thường các chủ trương được đưa ra từ đề xuất của cơ quan tham mưu, những nguồn lực bảo đảm thường khái toán cao hơn so với thực tiễn. Đến khi chủ trương được thông qua thì những con số khái toán có khi lại trở thành chuẩn mực để xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể. Cũng có việc thì lại khác: Chủ trương được tham mưu đưa ra con số “thu nhỏ” hoặc lợi ích được “phóng đại” kiểu “đếm cua trong lỗ” nhằm dễ được thông qua chủ trương. Khi thực hiện những bất cập phát lộ và lúc đó sẽ khéo léo điều chỉnh với lí do bất khả kháng, con số khiêm tốn ban đầu có thể đội lên nhiều lần, còn lợi ích “rất lớn” thì tìm mãi không thấy.  
Từ hậu kiểm chuyển sang tiền kiểm có vẻ như quay lại tư duy cản trở phát triển. Tuy nhiên nhìn lại nhiều công trình, dự án không ít sự đầu tư lãng phí chính lại xuất phát từ chủ trương. Điểm một số "siêu" dự án, công trình đầu tư với vốn rất lớn: Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam) đầu tư với số vốn 12.000 tỉ đồng, qua 4 năm hoạt động, mỗi năm lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư tới 7.000 tỉ đồng nay đã phải tạm ngừng hoạt động, vốn chủ sở hữu gần như mất trắng; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) còn đang xây dựng song tính toán sẽ phải bù lỗ 1.540 triệu USD/10 năm, tương đương khoảng 3.500 tỉ đồng/năm với kịch bản giá dầu 45USD/thùng. Nếu giá dầu 50 USD/thùng, 70 USD/thùng số bù lỗ là 4.000 tỉ đồng và 4.500 tỉ đồng/năm… Không thể khẳng định rằng những công trình dự án trên không có vấn đề về chủ trương. Nếu được kiểm toán trước khi cho phép đầu tư thì không thể có chuyện một dự án khai khoáng, luyện thép hàng chục tỉ đô la như Formosa lại có bản đánh giá tác động môi trường sơ sài chỉ… một trang giấy A4!
Ngay trong lĩnh vực chi thường xuyên cũng cần rà soát, kiểm toán lại những đơn giá, định mức, quy trình đã được cơ quan chức năng ban hành đang thực hiện, phát hiện bất hợp lí cần điều chỉnh kịp thời. Nếu định mức chuẩn xác thì không thể có giá 1m2 cỏ ở đại lộ Thăng Long mất 2,2 triệu đồng xén tỉa trong một năm và những vỉa hè đường phố Hà Nội năm nào cũng phải đào lên làm lại!
Đã đến lúc mọi đầu tư và chi tiêu công cần được giám sát và phản biện khách quan. Những chủ trương đầu tư nếu được kiểm toán độc lập, có sự phản biện khoa học từ đầu, người dân sẽ không còn phải ngậm ngùi, xót xa, khi tiền thuế của mình bị phung phí và trục lợi. Không thể để những “nhóm lợi ích” ẩn náu dưới “bóng” chủ trương. Khi thấy được sai lầm có khi người đưa ra chủ trương đã “hạ cánh” an toàn!

(Blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 24/8/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét