Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Đã nhận tiền, Campuchia chuẩn bị gạt Biển Đông khỏi ASEAN
 Cập nhật lúc 11:11

Nếu Campuchia tiếp tục hành động như tay sai cho lợi ích của Trung Quốc, làm tổn hại đến việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thì ASEAN nên xem xét thay đổi...

The Cambodia Daily ngày 24/8 đưa tin, Quốc hội Campuchia sẽ kiến nghị ASEAN loại bỏ các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông khỏi nội dung dự thảo tuyên bố chung của khối trong cuộc họp đầu tháng Chín tại Vientiane, Lào.
Nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP), ông Cheam Yeap xác nhận hôm qua rằng, Quốc hội sẽ yêu cầu người đứng đầu Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) loại bỏ các nội dung liên quan đến Biển Đông khỏi dự thảo tuyên bố chung của AIPA.
The Cambodia Daily trích băng ghi âm lời ông Cheam Yeap trả lời phỏng vấn tờ Reaksmei Kampuchea Daily cho hay:
"Sau khi nhận được bản dự thảo tuyên bố chung từ Ban thư ký AIPA tại Jakarta, chúng tôi đã thảo luận về nó và đồng ý rằng, chúng ta nên loại các nội dung về Biển Đông, bởi vì đất nước chúng ta không liên quan."

 
Nghị sĩ Campuchia Cheam Yeap, ảnh: vodarchive.vodhotnews.com.

Cheam Yeap nói, ông không biết liệu Tổng thư ký AIPA có chú ý đến yêu cầu của Quốc hội Campuchia hay không, nhưng nhắc lại rằng ông đồng ý với lập trường của Thủ tướng Hun Sen trong vấn đề Biển Đông.
The Cambodia Daily cho biết, các nhà phân tích và một số nhà ngoại giao đã tuyên bố, Campuchia nhận nửa tỉ USD viện trợ từ Trung Quốc trong tháng Bảy để hậu thuẫn Bắc Kinh chống lại Phán quyết Trọng tài. Phnom Penh đang làm xói mòn sự thống nhất của ASEAN.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia được The Cambodia Daily dẫn lời nhận định:
"Nếu Campuchia tiếp tục hành động như tay sai cho lợi ích của Trung Quốc, làm tổn hại đến việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thì ASEAN nên xem xét thay đổi nguyên tắc đồng thuận của mình thành nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.
Nếu Campuchia tiếp tục cản trở các cuộc họp, cần cảnh báo cho họ biết rằng, tư cách thành viên ASEAN của họ có thể bị quản chế, đình chỉ hoặc thu hồi".
The Cambodia Daily cũng dẫn lời một nhà ngoại giao ASEAN giấu tên nói rằng, ông rất thất vọng về lập trường của Campuchia trong cuộc họp của ASEAN hồi tháng Bảy.
Tuy nhiên hôm thứ Hai vừa qua, ông Hun Sen đã phản ứng với kêu gọi xem lại tư cách thành viên ASEAN của Campuchia: "Tôi nhắc lại, thông điệp của Hun Sen là sẽ không để cho Campuchia rời khỏi ASEAN." [1]
Người viết cho rằng nhận xét của Giáo sư Carl Thayer về hành vi của Campuchia đang làm "tay sai" cho Trung Quốc gạt Biển Đông khỏi các cuộc họp của ASEAN là hoàn toàn chính xác.
Đây là vấn đề ảnh hưởng đến tương lai chung của cả Cộng đồng ASEAN, đúng như những gì Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận xét trong bài phát biểu trước quốc dân hôm Chủ Nhật 21/8:
"Nếu ASEAN không thể đối phó với một vấn đề lớn như thế này (Biển Đông), xảy ra ngay trên ngưỡng cửa của khối, ảnh hưởng đến các thành viên của mình, thì về lâu dài sẽ chẳng còn ai coi ASEAN ra gì nữa." [2]

Một câu nhận xét chính xác, tuy ngắn gọn súc tích nhưng lại là lời cảnh báo đanh thép. Đồng thời nó cũng có thể báo hiệu, Singapore sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn.
Những phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long về Biển Đông trong bài diễn văn quan trọng này cho thấy, hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế và tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông có tính quan trọng sống còn đối với ASEAN nói chung, Singapore nói riêng. 
Thậm chí "Biển Đông tắc, Singapore sẽ chết".
Vì vậy người viết tin rằng, chính những thành viên ASEAN có uy tín quốc tế, tiếng nói và ảnh hưởng toàn cầu như Singapore sẽ có lựa chọn sáng suốt trong việc thúc đẩy tái cấu trúc nguyên tắc hoạt động của ASEAN để khối không trở thành công cụ chính trị của các siêu cường.
Cho dù ông Hun Sen "sẽ không để Campuchia rời ASEAN", nhưng ASEAN cũng không thể để bất kỳ thành viên nào vì lợi ích vị kỉ, hẹp hòi mà cản trở con đường phát triển chung mà cả khối đã xác định.
Biển Đông đã trở thành một điểm nóng toàn cầu, một vấn đề sống còn đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ còn là câu chuyện riêng giữa 4 nước ASEAN với Trung Quốc.
Với phát biểu của ông Cheam Yeap người viết hiểu rằng, chính quyền Campuchia muốn gạt "tất cả các nội dung liên quan đến Biển Đông" khỏi dự thảo tuyên bố chung của khối.
Có nghĩa là Campuchia đang phủ nhận tất cả những nhận thức chung mà ASEAN đã đạt được về Biển Đông trước Phán quyết Trọng tài hôm 12/7, chứ không chỉ phản đối riêng Phán quyết.
Campuchia đang đẩy ASEAN đến chân tường buộc phải lựa chọn, thay đổi nếu không muốn trở thành một tổ chức "chẳng ai coi ra gì" như cảnh báo của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Như vậy việc ASEAN có nêu vấn đề ủng hộ Phán quyết Trọng tài vào dự thảo chung của khối hay không cũng chẳng ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của bản thân phán quyết, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chính uy tín, vị thế của ASEAN.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.cambodiadaily.com/news/dont-mention-south-china-sea-government-tells-asean-117083/
[2]http://www.straitstimes.com/politics/national-day-rally-2016-singapore-must-stand-by-its-own-principles-on-south-china-sea
(Theo Giáo dục VNHồng Thủy
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét