Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Ụ nổi 83M có giá phế liệu: Bán sang Trung Quốc?

Cập nhật lúc 15:20
(Tin tức thời sự) - Ngay từ khi mua về, ụ nổi 83M vốn dĩ đã là một phế liệu, nên chuyện chỉ bán được với giá phế liệu không chuyên gia nào bất ngờ.
Chứng tích sai lầm
Vinalines đang muốn “bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M” với mức khởi điểm 34,8 tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách của ụ nổi là khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Nhưng một số công ty chuyên mua phế liệu, phá dỡ sắt, thép, hầu hết các công ty đều từ chối mua với mức giá cho sản phẩm có thể tái sử dụng, sản xuất, chỉ trả với giá của phế liệu. Hơn nữa, phía Vinalines phải chịu tiền phá dỡ ụ nổi, còn các công ty chỉ chở thép về.
Trong khi, nhiều độc giả bày tỏ lo ngại, hiện nay Vinalines còn không có tiền trả 50 tỷ neo đậu, thì lấy đâu ra tiền để trả tiền phá dỡ ụ nổi.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 25/3, kỹ sư Đỗ Thái Bình - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho biết: "Tôi cũng không lạ khi các công ty thu mua phế liệu chỉ trả với giá phế liệu cho ụ nổi 83M, vì ngay từ đầu, khi nhập về vốn dĩ nó đã là phế liệu ở bên Nga.
Đây là chứng tích của những sai lầm từ chủ trương của Vinalines, cố tình đem về một cỗ máy không thể sử dụng được, nên bây giờ phải đối diện với hậu quả quá lớn".

 U noi 83M co gia phe lieu: Ban sang Trung Quoc?
Ụ nổi 83M đang được đậu tại cảng Gò Dầu B - Đồng Nai

Về khoản tiền phá dỡ ụ nổi này, theo kỹ sư Bình khoản tiền này vô cùng lớn, nếu phá thì cũng bằng khoản tiền bán được, như vậy có khác gì cho không.
Vì thế, Vinalines cần xem xét giảm tiền đi để họ bao trọn thầu trong đó có cả phá dỡ, lẫn vận chuyển thép, vì chính các công ty này mới biết cách phá dỡ, vì họ đã làm nhiều, biết cách tiết kiệm công sức mà kiếm được nhiều thép.
Việt Nam đang có nhiều xưởng phá dỡ ở dọc sông Hải Phòng, trước đây phá dỡ rất nhiều, chính người buôn sắt vụn biết cách tổ chức phá dỡ, cẩu lên ra sao, nghiêng ụ ra sao để phá dỡ thuận tiện, để không gây tai nạn lao động, kê kích ra sao.
Vấn đề chính hiện nay là bàn bạc giá cả sao cho hợp lý, vì càng để thì càng lỗ, càng thiệt hại. Theo tôi được biết giá thép hiện nay cũng được khoảng 10.000đ/kg, nhưng chịu tiền phá dỡ thì vượt quá khả năng của Vinalines.
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, kỹ sư Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho rằng, việc phá dỡ ụ nổi rất phức tạp, vì phải cắt rất nhiều các bộ phận, thiết bị của ụ nổi này.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, muốn phá dỡ thì cũng phải là nhân công chuyên phá dỡ, còn không có kinh nghiệm, chỉ là người mua phế liệu thì cũng khó khăn. Mà tiền công của các công nhân này cũng không hề rẻ, nên tính ra tiền phá dỡ ụ nổi cũng vô cùng cao.
Chính vì thế, ông Hùng nói: "Nên hướng tới các công ty phá dỡ tàu cũ đang hoạt động tại Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm, hiện nay, họ đang mua tàu cũ ở nước ngoài về phá dỡ, còn nếu ụ nổi có sẵn thì giá thành sẽ rẻ hơn".
Vinalines nên công bố thông tin bán rộng ra quốc tế
Trước đề xuất của một số độc giả, kêu gọi người dân lập quỹ vận động giúp Vinalines có tiền để phá dỡ ụ nổi, kỹ sư Bình nhấn mạnh: "Sẽ không một người dân nào đồng tình với việc làm trên, vì sao phải góp tiền, góp sức để loại bỏ một chứng tích tham nhũng".
Chung suy nghĩ, kỹ sư Hoàng Hùng bức xúc: "Sẽ không một người dân nào đồng tình với đề xuất này, thậm chí còn bức xúc. Bây giờ, chỉ có cách, Vinalines sau khi cân đối, xem xét giá cả, không ai trả hơn thì xuống giá, đã lỗ thì cũng đã lỗ rồi, thì nên bán đi.
Hơn nữa, đây cũng không phải mặt hàng có nhiều người mua, rất ít công ty có thể mua được, trong khi nó lại là phế liệu không thể tái sử dụng, sản xuất".
Một thông tin khác được kỹ sư Bình cho biết, thị trường phế liệu hiện nay đang rất lớn ở xung quanh chúng ta, ngay ở Quảng Châu có cả một bãi mênh mông về phế liệu tàu, hoặc Bangladesh, Sri Lanka đều phá dỡ tàu cũ.
Cho nên,Vinalines phải công bố rộng rãi, đấu thầu trên trường quốc tế, thậm chí công bố trên các trang tiếng Anh, thì cũng sẽ có nhiều công ty hỏi đến.
Bởi vì, trong phá dỡ những con tàu, ụ nổi cũ, thì sẽ lấy lại được một vài thứ như máy bơm, đầm, sắt, vật liệu tạm dùng được như van, các mẫu đồ cổ cũ...chứ cũng không hẳn là bỏ đi hoàn toàn.
"Thê thảm nhất thì cho vào lò sắt vụn còn có ích hơn là để không, vứt để đó đợi han rỉ. Tôi khẳng định chẳng có gì không ai mua, vì đây là thế giới tự do, thế giới thương mại, cái gì cũng có giá của nó, vấn đề là giá ra sao, nếu giá hợp lý, tôi tin sẽ có người mua ngay", kỹ sư Bình khẳng định.
(Theo Đất Việt) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét