Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Đến với tín dụng đen - sa chân vào bóng tối
Cập nhật lúc 09:15   

Trong nền kinh tế thị trường, vốn luôn là vấn đề nóng với cả người buôn bán nhỏ cũng như nhà đầu tư lớn. Tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng dù chỉ một khoản tiền không lớn cũng rất nhiêu khê với những thủ tục phức tạp và đôi khi cả sự nhũng nhiễu của một số nhân viên thừa hành. Trong khi đó một nguồn vốn luôn mời gọi người vay với thủ tục dễ dàng, hấp dẫn, đó là tín dụng đen.
Trên mọi ngõ ngách đường phố, từ bức tường cũ đến cây cột điện, đâu đâu cũng thấy quảng cáo cho vay tài chính, điều kiện đơn giản, dễ dãi, có khi chỉ cần tấm chứng minh thư, thẻ sinh viên... Không ít người đã tìm đến tín dụng đen, họ đâu biết, đó là bước chân sai lầm đầu tiên vào một ma trận đã được dàn dựng.
Lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hiện dao động khoảng 5,5% - 12%/năm tùy theo kì hạn. Lãi vay tín dụng đen thường cao gấp nhiều lần, trung bình cũng khoảng 20%-30%/tháng. Để dụ “con mồi”, ban đầu chủ nợ “xởi lởi” cho vay mấy tháng sau hoặc cuối kì mới phải trả lãi, dù ngay từ lúc cầm tiền người vay đã bắt đầu được tính lãi. Ngoại trừ người buôn bán nhỏ thường vay ngắn còn hầu hết đều vay kì hạn dài. Thử làm phép tính, giả sử một người vay 100 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng: Hết tháng thứ nhất số tiền vay cộng lãi là 120 triệu đồng; tháng thứ 2 là 144 triệu đồng… Nếu chủ nợ “ưu ái” tháng thứ 6 mới phải trả lãi thì số tiền được cộng dồn đến lúc đó là 298,598 triệu đồng, tiền lãi hằng tháng đã gần 60 triệu. Nếu trả cuối kì 12 tháng, số tiền cả lãi và gốc là hơn 891 triệu. Nếu ban đầu vay 1 tỉ đồng thì tổng số nợ sau 1 năm tương ứng là gần 9 tỉ đồng. 
       Lãi tín dụng đen cao chỉ là một mặt của vấn đề. Đồng hành với đó là những cái bẫy vô cùng nguy hiểm. Khi đã đạt số dư tương đối lớn, con nợ sẽ được chủ nợ yêu cầu làm các thủ tục bảo đảm không đơn giản. Những tài sản như nhà cửa, đất đai của con nợ là cái đích chúng nhằm tới. Chúng sẽ yêu cầu người vay kí vào những văn bản điều kiện rối rắm với lí do “bảo lãnh ngân hàng để huy động nguồn tiền”; hoặc kí vào những hợp đồng gọi là “giả cách” mua bán nhà, đất. Người vay đâu ngờ căn nhà, mảnh đất hàng tỉ đồng của mình có thể đã được bán cho chủ nợ với giá bèo bọt; hoặc đã bị thế chấp ngân hàng để chúng vay số tiền lớn hơn nhiều số nợ.
          Trong Bộ Tư bản, Các Mác nói đại ý "đối với nhà tư bản nếu lợi nhuận 100%, tiền sẽ được đầu tư khắp nơi, nếu lợi nhuận 200% chúng sẽ bất chấp cả pháp luật, nếu lợi nhuận 300% thì có treo cổ lên chúng vẫn cứ làm". Với lợi nhuận 240%/năm như ví dụ trên, thử hỏi có việc gì chủ nợ không dám làm. Giai đoạn xiết nợ chính là hồi kết khốc liệt nhất đối với con nợ. Chỉ cần trích một phần nhỏ số tiền có thể cướp đoạt, chủ tín dụng thuê xã hội đen “xử lí” và người vay khó tránh hậu họa nếu không muốn “của đi thay người”.  
   Đã có không ít câu chuyện người dân tán gia bại sản vì tín dụng đen. Có phiên tòa, tuyên án xong chủ tọa rơi nước mắt vì biết rõ người dân bị cướp tài sản mà không thể bảo vệ vì thủ tục pháp lí của “kẻ cướp” quá hoàn hảo. Hiện nhiều người dân ở Cà Mau đang rơi vào thảm cảnh này. Cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc, song đó mới chỉ là “tia sáng cuối đường hầm”.
         Ai có ý định vay tín dụng đen hãy suy tính kĩ. Bởi đến với chúng là bắt đầu sa chân vào bóng tối!

(Theo blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét