Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Khoan thư sức dân
Cập nhật lúc 08:45 
Những ngày qua, câu chuyện đóng góp đầu năm học, tăng tiền bảo hiểm y tế (BHYT) với học sinh sinh viên (HSSV), tiền phí dịch vụ... khiến dư luận rất quan tâm, kể cả trong cuộc họp UBTV Quốc hội đang diễn ra.
Năm học 2014-2015 cả nước có 15 triệu HSSV tham gia BHYT, có 8,8 triệu lượt đi khám chữa bệnh (KCB) chiếm 58,6%, BHYT riêng HSSV đã kết dư 2.512 tỷ đồng. Năm học 2015-2016 khoản thu này lại tăng từ 3% lên 4,5%, thu liền 15 tháng, chắc nguồn quỹ kết dư nhiều hơn nữa.
Về thu đầu năm học, xin nêu vài trường các báo Nhân dân, Dân trí, Người lao động cho biết số tiền mỗi phụ huynh học sinh (PHHS) đóng đầu năm học: Trường THCS thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (tỷnh Thanh Hóa) gần 3 triệu đồng; Trường tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) 2,6 triệu đồng; trường THPT Đ.T quận Tây Hồ, (TP Hà Nội) 2,25 triệu đồng… Đây là những khoản tiền không nhỏ, kể cả với các PHHS tại thành phố.
Mới đây, trong buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự thảo một Nghị định quản lý thiết bị y tế của Bộ Y tế, vị Thứ trưởng Bộ này sau khi nêu một loạt công việc quản lý thiết bị y tế cần có phí rồi đề nghị: "Dự thảo Nghị định quy định các loại phí, lệ phí: Lệ phí công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; công bố tiêu chuẩn trang thiết bị y tế thuộc loại A; công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế; phí cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành; phí thẩm định cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn...". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nghe xong đã phát biểu rất gay gắt: “Người bệnh sẽ không biết bao nhiêu thứ phí, do những cái này cộng vào. Và cái máy về Việt Nam là đắt nhất vì phí các đồng chí cộng hết vào đây. Tôi cho là chẳng có đồng phí nào hết. Tại sao lại cứ cho phí vào đây?”. Đúng vậy, nếu nghị định của bộ nào cũng "cài" dăm cái phí vào thế này, một năm mấy chục nghị định ra đời thì sẽ có thêm bao nhiêu loại phí?
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, những năm bảo vệ biên giới Tổ quốc sau chiến tranh, dù đời sống Nhân dân hết sức khó khăn song không một ai, không một địa phương nào lại thiếu một hạt gạo, một đồng tiền thuế. Mọi người đều tin tưởng từng hạt gạo, từng giọt máu đều sẽ góp phần nhanh giải phóng đất nước, bảo vệ toàn vẹn đất nước. Ngày nay, những khoản thu từ người dân vào ngân sách nhà nước, vào quỹ của các đơn vị, trường học… là không nhỏ. Việc chi tiêu, sử dụng những khoản thu này như thế nào luôn là dấu hỏi với người dân vì chưa có sự công khai, minh bạch. Như việc chi BHYT trên đây, tỷ lệ 58,6% HSSV đi khám chữa bệnh không phải là ít (cứ 2 HSSV đã có hơn 1 em đi KCB, cũng có nghĩa tỷ lệ nghỉ học rất cao?). Tỷ lệ KCB cao như vậy mà vẫn kết dư hơn 2 ngàn tỷ, vậy sao phải tăng tỷ lệ đóng thêm 1,5%? Hay câu chuyện đóng góp đầu năm học hầu như các trường đều có quy định đóng tiền đầu tư xây dựng trường lớp (thường từ 250.000-300.000,đ/HS/năm học). Số tiền này chủ yếu sử dụng củng cố, tu sửa nhỏ, thường PHHS không được biết việc chi thế nào. Hay như quỹ PHHS (thường có 2 loại: Quỹ PHHS Lớp và quỹ PHHS Trường), ai từng làm Hội cha mẹ HS sẽ biết, thực ra loại quỹ này chủ yếu dùng làm quà tặng thầy, cô nhân các dịp lễ (Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ VN 20/10, Ngày Nhà giáo 20/11, Tết Nguyên đán, tết Dương lịch, thầy cô ốm đau…), còn tỷ lệ chi khen thưởng học sinh vào cuối khóa rất nhỏ, thường là món quà tượng trưng về tinh thần...


Việt Nam mới bước qua ngưỡng cửa một nước nghèo, đời sống Nhân dân tại các vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu còn rất nhiều khó khăn, vẫn có những nơi người dân ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Huy động từ người dân để tạo nguồn cho xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội… là cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình và mức thu phù hợp với thu nhập của người dân, không thể muốn có ngay, có đủ để rồi sốt sắng tăng thêm nhiều loại quỹ, phí, mức thu quá cao... Làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, vào an sinh xã hội. Bên cạnh đó các cấp, các ngành cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch để mỗi đồng tiền thuế, phí, các khoản thu của dân thực sự mang lại hiệu quả và lợi ích cộng đồng. “Hãy khoan sức dân để tính kế sâu rễ bền gốc” như người xưa đã dạy. 
(Theo donghuanho.blogspot.com) Đinh Hoàng   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét