Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Lời đồn "ma ám" ngôi nhà bị bỏ hoang ở Bắc Giang
Cập nhật lúc 21:52

Chuyện hãi hùng xảy đến với đại gia đình ông Tạ Văn Khanh đã khép lại bởi cái chết thương tâm của người con trai duy nhất. Và, bi kịch tiếp tục mở ra với đại gia đình ông Nguyễn Văn Minh, người mua ngôi nhà của ông Khanh.
Ba người trong gia đình lập thổ dựng nhà qua đời

Ở thôn Xuân Biều (xã Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang), có một ngôi nhà, mà nhắc đến, người dân cả huyện Hiệp Hòa đều biết và đồn đại những chuyện rợn người. 

Sở dĩ, người ta sợ hãi ngôi nhà đó, là bởi hai gia đình đã sinh sống ở ngôi nhà này gặp vận rủi khiến nhiều người mất mạng. 

PV đã tìm về ngôi làng để tìm hiểu thực hư, làm sáng tỏ vấn đề.

Đến đầu thôn Xuân Biều, hỏi về ông Nguyễn Văn Minh, một số người dân đều lảng đi. Cùng làng với nhau, ai chẳng biết nhà nhau, thế nhưng, nhìn ánh mặt họ, tỏ rõ vẻ sợ hãi. Họ không muốn nhắc gì đến cái chuyện mà họ nghĩ rằng, sẽ dễ bị “ám”. Đến giữa làng, khi hỏi thăm, mấy bà xúm xít vào “buôn” một tràng, rồi mới chỉ đường tường tận.
 

Ao cá bỏ hoang cạnh ngôi nhà "ma ám"
Đi vòng vèo đến cuối làng, ra đến cánh đồng, sát đê sông Cầu, thì hiện ra trước mặt một ngôi nhà tan hoang, trên doi đất rìa làng. Cạnh doi đất ấy, là cái ao rất lớn, nhưng bèo chen chúc kín mít. Giữa ao, có một mô đất, với ngôi nhà hoang. Không hiểu vì sao lại xây một ngôi nhà giữa cái ao bèo hoang thế, rồi không ở. 

Tôi cùng nhà phong thủy Lê Thái Bình (Chủ nhiệm câu lạc bộ Thiền Việt, Việt Nghiên cứu tiềm năng con người) đi vòng quanh khu đất, tịnh không thấy có bóng người qua lại. 

Mãi sau, một bà cụ gánh rau đi từ đê xuống, qua bờ ao đấy. Chúng tôi giữ lại hỏi chuyện cụ. Bà cụ tên là Nguyễn Thị Chắt, người trong làng Xuân Biều.

Tôi hỏi: “Bà có biết vì sao cái ao rộng đến cả chục mẫu thế này, không nuôi cá mà lại để bèo mọc hoang thế này không ạ?”. 

Bà Chắt bảo: “Cái ao này của thằng cháu tôi, là công an xã, nó đấu thầu mấy năm trước. Thế nhưng, khi nhà ông Minh có nhiều người chết, thầy bói bảo do động long mạch, nên nó cũng sợ hãi, không nuôi cá mú gì nữa, cứ để cái ao hoang như vậy. 

Trước nó cũng tôn tạo ao, đắp cả hòn đảo giữa ao và xây nhà để trông cá. Thế nhưng, ông Minh chết rồi, nó cũng bỏ luôn. Mọi người sợ lắm, không ai dám động vào đất cát quanh khu vực nhà ông Minh này đâu”.
Toàn cảnh ngôi nhà bỏ hoang
Chúng tôi tiến vào khu nhà hoang. Không có cổng rả gì cả. Giếng nước chơ vơ trước nhà, nước nhiều ăm ắp, nhưng cỏ mọc trùm kín thành giếng. 

Tôi cùng nhà phong thủy Lê Thái Bình trèo qua cửa sổ, vào ngôi nhà. Cảnh tượng hoang tàn, u ám. Một gian nhà vừa mới đổ sập, ngói gạch chồng lên nhau. 

Bên trong gian chính chỉ có chiếc bàn thờ lạnh lẽo, không có khói hương gì cả. Có lẽ, vài năm qua, không có ai bước chân vào bên trong ngôi nhà này. 

Ngay phía sau ngôi nhà hoang tàn đổ nát, là ngôi nhà ngói kiểu cổ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Gái và ông Tạ Văn Hìu. Ông Hìu đi họp ngoài đình, chỉ có bà Gái ở nhà. 

Pha ấm trà nóng, bà Gái bắt đầu câu chuyện buồn về gia đình chủ đầu tiên sống ở mảnh đất này. 

Vào năm 1971, khi vỡ đê, lụt lội toàn bộ miền Bắc, vợ chồng bà chuyển vào mảnh đất cuối làng Xuân Biều ở. Dựng nhà ở được mấy năm, đến năm 1976, thì vợ chồng ông Tạ Văn Khanh tìm đến san đất, lập vườn.
Khu đất này vốn cao ráo, trông như một cái gò. Hồi chiến tranh, bộ đội ở đây nhiều, còn kéo cả pháo đến, bảo vệ bầu trời Bắc Ninh, cùng sân bay Nội Bài cách đó không xa. 

Cũng theo bà Gái, có khá nhiều bộ đội hy sinh, chôn cất ở quanh khu vực. Gò đất nơi gia đình ông Khanh đến ở cũng có nhiều mồ mả hoang, mà người xưa chôn vùi qua loa, chứ không xây mộ kiên cố như bây giờ. 

Những người chết đuối trôi nổi ở sông Cầu, mắc vào đoạn sông này, người dân trong làng cũng vớt lên, rồi chôn vùi quanh đó. Chính vì thế, mảnh đất này khá u ám, ít người dám qua lại, chứ đừng nói đến chuyện ra đó ở, sinh cư.

Ông Tạ Văn Khanh vốn là người Nghệ An, làm công nhân ở khu gang thép. Ông Khanh lấy vợ là bà Phụng, là người trong làng Xuân Biều. Nhà bà Phụng ít đất, thấy gò đất ngoài rìa làng để hoang, nên đã xin làng để dựng nhà ra đó ở. 

Khoảng năm 1980, là cán bộ nhà nước, được phân phối gạch, ngói, nên vợ chồng ông Khanh đã dựng một ngôi nhà ngói 3 gian trên chỏm đất cao nhất. Vợ chồng ông Khanh có với nhau được 5 người con, gồm 4 gái, 1 trai.
 

Bà Gái kể chuyện về gia đình ông Khanh
Cuộc sống yên bình trôi qua, những người con của vợ chồng ông Khanh khôn lớn, được học hành đầy đủ. 

Thế rồi, một ngày, ông Khanh bỗng đổ bệnh, nằm liệt trong nhà. Gia đình đã đưa ông đi khắp các bệnh viện, cả ở Bắc Ninh lẫn Hà Nội, song tuyệt nhiên không tìm ra bệnh gì. Cơ thể ông cứ héo dần, xơ xác. 

Nghĩ do vấn đề tâm linh, nên gia đình đã mời thầy cúng, thầy bói khắp nơi về cúng bái, trấn yểm. 

Thế nhưng, bệnh tình của ông Khanh mỗi ngày thêm nặng, rồi ông qua đời không rõ nguyên do. Đến lúc ông mất, gia đình vẫn không biết ông bị bệnh gì. Năm ông Khanh mất, ông vừa tròn 60 tuổi.

Sau khi ông Tạ Văn Khanh qua đời, lại nghe nhiều thầy bói phán quàng xiên những điều xui xẻo, lo sợ quá, bà Phụng, vợ ông Khanh, đã gửi mấy người con gái ở nhà người thân, còn bà cùng người con trai vào miền Nam với suy nghĩ đi càng xa càng tốt. 

Bà Phụng đã bán mảnh đất, ngôi nhà cùng toàn bộ gia sản cho ông Nguyễn Văn Minh, là người trong làng, với giá rẻ mạt, chỉ đủ tiền vé xe và sinh sống một thời gian trong Nam.

Tuy nhiên, Tây Ninh lập nghiệp chưa được bao lâu, bà Phụng cũng qua đời. Đến nay, dân làng cũng không biết bà bị bệnh gì. Người con trai mai táng bà ở trong đó.
Đau buồn thay, sau cái chết của bà Phụng không lâu, người con trai duy nhất của gia đình này, cũng đã qua đời vì tai nạn giao thông. 

Người dân trong làng không nắm rõ cái chết của anh con trai con ông Khanh bà Phụng cụ thể, mà chỉ biết, trên đường đi làm bằng xe máy, anh này đã đâm phải cột mốc và qua đời. Cái chết của anh chỉ sau cái chết của mẹ có vài tháng.

Từ khi bố, mẹ, anh trai chết, 4 người con gái càng sợ hãi, không bao giờ dám quay về mảnh đất, ngôi nhà cũ. Những người con gái của ông Khanh, bà Phụng đều tứ tán khắp ngả. Người lấy chồng bên Trung Quốc, người lấy chồng ở nơi khác, không thấy về làng bao giờ. 

Chuyện hãi hùng xảy đến với đại gia đình ông Tạ Văn Khanh đã khép lại bởi cái chết thương tâm của người con trai duy nhất. Và, bi kịch tiếp tục mở ra với đại gia đình ông Nguyễn Văn Minh, người mua ngôi nhà của ông Khanh.

Đại gia đình chết thảm trong ngôi nhà "ma ám" bí ẩn (Kỳ 2)

Đại gia đình ông Minh chết chóc gần hết khi mua lại căn nhà của ông Khanh, vốn cũng gặp tai họa đau thương.
Sau cái chết của chồng, bà Phụng đã cùng con trai trốn vào Nam. Bà bán lại mảnh đất, ngôi nhà cho ông Nguyễn Văn Minh, người cùng xóm, với giá rất rẻ.


Tuy nhiên, bà Phụng và cậu con trai duy nhất cũng đã mất mạng bí ẩn ở trong Tây Ninh.



Nhà ông Nguyễn Văn Minh vốn ở giữa thôn Xuân Biều (Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ngôi làng này đất chật, người đông, nhưng đất đai nhà ông Minh khá rộng.



Vợ chồng ông Minh có nghề đóng gạch, nên cần mặt bằng ngoài cánh đồng, có nhiều đất nguyên liệu để nhào gạch. Đúng lúc đang cần mặt bằng, thì bà Phụng rao bán nhà để vào Nam.

Đại gia đình chết thảm trong ngôi nhà ‘ma ám’ bí ẩn 
Ngôi nhà của gia đình ông Minh hiện bỏ hoang, không ai dám đến
Mặc dù, lúc đó, dân làng đều sợ hãi mảnh đất của gia đình ông Khanh, nhưng ông Minh không sợ. Ông Minh bỏ ngoài tai những lời can ngăn của vợ, của những người trong họ và lời dọa dẫm của dân làng.

Ông Minh vốn có nhiều năm ở chiến trường, từng vào sống ra chết, nên ông chẳng sợ gì. Ông không tin chuyện đất tốt, đất xấu, hay những lời đồn vô căn cứ. Mảnh đất rộng mênh mông mà bà Phụng bán với giá quá rẻ, không mua thì quá phí.

Mua được mảnh đất rồi, ông Nguyễn Văn Minh và vợ là bà Nguyễn Thị Đức, cải tạo lại nhà cửa. Ông Minh phá cây hương mà dân làng dựng ở mảnh đất này để lấy chỗ xây gian nhà ngang. Vị trí ngôi nhà ngang nằm giữa ngôi nhà chính với gốc mít.

Ngôi nhà cũ ở giữa làng, cách nhà mới mua chỉ độ 500m, nên vợ chồng ông và 3 người con trai thích ở đâu thì ở.
 Đại gia đình chết thảm trong ngôi nhà ‘ma ám’ bí ẩn
Chị Tạ Thị Huệ
Ngôi nhà vốn nằm trên gò đất rất lớn, như quả đồi trồi lên khỏi làng và cánh đồng, nên rất nhiều đất. Vợ chồng, con cái ông Minh đào đất đóng gạch, ngói, rồi đốt lò, trước nhà khói tuôn tỏa ngày đêm.

Vợ chồng ông Minh có nghề đóng gạch, làm ngói lâu đời, nên vốn rất khá giả. Ông Minh là cũng là cao thủ đốt lò, chưa từng hỏng lò gạch, mẻ ngói nào.

Thế nhưng, điều kỳ lạ, mà ông Minh cũng thấy khó hiểu, là từ khi nhào đất, đóng gạch, đúc ngói và đốt lò ở mảnh đất mới, thì cứ lò được, lò không, lò sống, lò cháy. Làm cái gì cũng hỏng cái đó, thua lỗ liên miên. Từ một gia đình khá giả ở làng, kinh tế gia đình ông Minh mỗi ngày thêm sa sút, khó khăn chồng chất.

Cái hạn đầu tiên xảy đến với gia đình ông, là cậu con trai Nguyễn Văn Tuấn, đang là cán bộ quân đội, cấp bậc trung úy, đóng ở Thái Nguyên, tính tình bỗng trở nên kỳ quặc, nóng nảy. Trong một trận đánh nhau, bị đơn vị kỷ luật, cho ra quân.

Thảm kịch chết chóc đầu tiên của gia đình xảy đến với bà Nguyễn Thị Đức.

Bà Nguyễn Thị Gái, nhà ngay sau mảnh đất với ngôi nhà vợ chồng ông Minh kể: “Tôi vẫn nhớ rõ, hôm ấy khoảng 6 giờ chiều, ông Minh đi đâu về nhà không thấy vợ, cứ đứng trước nhà gọi um cả lên. Đến tối thì cả nhà, cả anh em nhà bà Đức cầm đèn pin đi soi khắp nơi. Tôi thấy mọi người thắp đèn soi loang loáng ngoài cánh đồng, trên đê, rồi dọc bờ sông Cầu.

Ông Minh có sang hỏi tôi, thì tôi bảo, lúc chiều thấy bà Đức lúi húi cắt cỏ ở bờ ao, vứt cho cá ăn. Tôi có nói chuyện với bà ấy mấy câu ở bờ ao. Bà ấy kể rằng, đợt này khó ngủ, đầu óc cứ lúc nhớ lúc quên, đêm thì toàn gặp ác mộng.

Ngay đêm đó, tôi đã nghĩ có chuyện xấu với bà ấy rồi. Vì mấy hôm trước, thi thoảng tôi thấy bà ấy thơ thẩn ngoài bờ ao, cứ ngơ ngơ như người mất hồn.

Đến gần trưa hôm sau, thấy bên nhà ông Minh ồn ào, có người khóc lóc, tôi mới biết bà Đức đã qua đời. Ngay trong đêm, thấy liềm cắt cỏ ở bờ ao, mà không thấy người đâu, nên gia đình đã xuống ao mò. Cái ao đó là do vợ chồng ông Minh đào đất đóng gạch, gói mà tạo thành.

Thời điểm đó, nước khá nông, chỉ đến ngang bụng, mà đến chục người mò mãi không thấy bà ấy đâu. Phải đến gần trưa hôm sau mới mò thấy”.
Đại gia đình chết thảm trong ngôi nhà ‘ma ám’ bí ẩn 
Ao nước trước nhà - nơi bà Đức chết đuối bí ẩn
Tôi và nhà phong thủy Lê Thái Bình (Chủ nhiệm câu lạc bộ Thiền Việt, Viện nghiên cứu tiềm năng con người) tìm đến ngôi nhà cũ trong làng của ông Nguyễn Văn Minh.

Ngôi nhà trông tàn tạ, tan hoang chẳng kém gì ngôi nhà bỏ hoang ngoài rìa làng. Chiếc cổng sắt hoen rỉ đóng kín. Thấy người lạ, một phụ nữ đến hỏi chuyện. Hóa ra, là bà Nguyễn Thị Tâm, cán bộ Hội Người cao tuổi thôn Xuân Biều. Bà Tâm giới thiệu là hàng xóm của ông Minh. Bà bấm điện thoại gọi Tạ Thị Huệ về tiếp khách.

Tạ Thị Huệ sinh năm 1991, mới ngoài 20 tuổi đã thành góa phụ. Khuôn mặt, dáng dấp Huệ đều toát lên vẻ khổ hạnh. Huệ đạp chiếc xe lọc cọc, với cái thúng đằng sau về tiếp khách.

Bà Tâm bảo, hàng ngày, Huệ đi khắp đồng trên ruộng dưới mò cua, bắt ốc, đem ra chợ bán, kiếm tiền sinh sống, nuôi con. Mảnh đất rộng mênh mông, nhà chính, nhà ngang, chuồng lợn, chuồng bò bỏ hoang hoàn toàn, như thể không có người ở.

Vườn rộng toàn để cỏ mọc. Một gian nhà sập mái, nhưng chủ nhà cũng không dọn dẹp gì cả. Bên trong nhà, đồ đạc phủ bụi, bàn thờ cũng phủ một lớp bụi trắng. Di ảnh xếp trên bàn thờ cũng mờ nhòe bởi mạng nhện giăng khắp nơi.

Nhà phong thủy Lê Thái Bình sắp xếp lại bàn thờ, đưa bát hương, di ảnh của chồng Huệ, tức anh Nguyễn Văn Tuấn đặt lên mặt tủ.
Từ hồi anh Tuấn mất, bát hương, di ảnh vẫn để dưới chiếc bàn, dưới chân tủ. Chị Huệ không dám động vào. Nhà chết hết, không ai lo lắng cho nữa. Người dân trong vùng thì sợ hãi, chẳng ai dám ghé qua nhà ông Minh. Hai mẹ con Huệ sống lủi thủi một mình trong ngôi nhà rộng rãi, mà như nhà hoang ấy.

Huệ bảo: “Ngày thì em đi ra đồng mò cua bắt ốc, tối thì hai mẹ con chui vào giường ngủ. Thú thật là cũng không dám ra phòng khách anh ạ. Nhìn cái bàn thờ, toàn thấy di ảnh bố mẹ, anh em, nên sợ lắm. Em cũng không dám động vào bát hương, vì sợ động vào, nhỡ lại phạm việc gì”.

Cô gái Tạ Thị Huệ quê ở thôn Mai Trung, xã Thượng Hòa, cùng huyện Hiệp Hòa. Năm 2008, Huệ phải lòng anh chàng Nguyễn Văn Tuấn, rồi cưới nhau, về làm dâu nhà ông Minh.

Hồi đó, Tuấn mới ra quân vì gây gổ đánh nhau. Huệ còn thiếu hơn tháng nữa mới tròn 18 tuổi. Nhà nghèo, Huệ chỉ học hết lớp 5. Lấy nhau, vợ chồng về ngôi nhà giữa làng ở.
Hàng ngày, vợ chồng Huệ phụ giúp bố mẹ nhào đất đóng gạch, chăn bò, nuôi lợn, nuôi cá, thả vịt ở cái hồ lớn nhà ngoài. Khi đó, gia đình nhà chồng gặp vận hạn, nên làm ăn thất bát, người nào cũng ốm đau, có những biểu hiện không bình thường.

Theo lời Huệ, tháng 4 năm 2008, thì mẹ chồng qua đời không rõ là do sảy chân rơi xuống ao chết đuối, hay nhảy xuống ao tự tử. Làm tang ma xong cho mẹ, thì bố chồng, tức ông Nguyễn Văn Minh trở nên suy sụp nặng. Đôi lúc, suy nghĩ của ông không được bình thường.

Điều lạ nữa, là hai chân của ông Minh cứ sưng húp lên. Mấy anh em Tuấn đưa bố đi chữa trị ở nhiều nơi, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Mỗi bệnh viện kết luận một kiểu, nên đến bây giờ Huệ cũng không biết bố chồng mình mắc bệnh gì.
Bà Nguyễn Thị Tâm: “Ngôi nhà ông Minh nằm ở cuối làng, trên lối ra cánh đồng, nhưng mọi người toàn phải đi vòng thôi, chứ không dám đi qua khu đó. Tôi là người bạo gan, vốn chẳng sợ gì, nhưng cũng không dám đi qua khu nhà đó. Có lúc, thử liều đi qua, nhưng có cảm giác tóc gáy dựng ngược lên, nổi cả gai ốc”.

Còn tiếp…
Theo VTC News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét