Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Nợ công dưới góc nhìn của người dân

Cập nhật lúc 08:17  

Nợ công, vấn đề tưởng như… của công, hôm qua đã được các vị ĐBQH lượng hóa một cách cụ thể. ĐBQH Đỗ Ngọc Niễn - một đại tá quân đội - tính toán rằng, với mức độ nợ công như hiện nay, nền kinh tế đang phải “trích ra 25 trả nợ, nhưng tính tất cả là hơn 26”. Tức là cứ làm 10 đồng thì mất hơn 2,5 đồng trả nợ. Như vậy là nguy hiểm.


ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền - một người trong ngành tư pháp - thì phàn nàn về cách đánh giá nợ công của ta khác với thế giới. Nợ chính phủ riêng, nợ quốc gia riêng, nợ doanh nghiệp riêng. Rồi phát hành trái phiếu chính phủ. Ông Thuyền bảo, cộng tất cả những cái nợ này thì rất cao và chúng ta cứ báo cáo vậy để yên lòng dân thôi.
Ngay cả Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cũng bày tỏ điều ông gọi là sự lo ngại khi nhìn cơ cấu sử dụng ngân sách cho thấy chi thường xuyên tăng nhanh, chi đầu tư lại giảm, trái với việc bố trí sử dụng ngân sách. “65 - 72% chi thường xuyên, như vậy, đầu tư giờ còn hơn mười mấy phần trăm. Chi thường xuyên, trả nợ nữa thì coi như hết tiền đầu tư… Nợ công cao, chúng ta lo là đúng, nhưng đáng lo hơn là sử dụng đồng vốn vay hiệu quả không, thể hiện chỗ chúng ta trả nợ hằng năm…
Nhưng vấn đề lớn nhất của nợ công, nói như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phiên TVQH thảo luận về ngân sách là “người ta tính một đường, mình tính một đường”. “Bội chi người ta để một đường, mình để một đường. Nợ công người ta tính một đường, mình tính một đường. GDP người ta tính một đường, mình tính một đường…
Thế là thế nào?
Khi ngay cả một cái từ thông dụng trong dân gian là đi vay lúc túng thiếu thì cũng được gọi là… huy động.
Hiểu một cách đơn giản: Khi ngân sách thâm hụt triền miên, khi cần tiền đầu tư, chẳng hạn sân bay Long Thành, khi trong túi không còn tiền thì Chính phủ đi vay và khoản nợ chính phủ, khoản nợ nhà nước này được gọi là nợ công. Và để trả nợ công, các chính phủ tính toán nguồn thu trong tương lai.

Nợ công hàm chứa rủi ro ở chỗ, có những khoản Chính phủ bảo lãnh vay cho các DNNN, như Vinashin chẳng hạn, chỉ có thể xuống biển mà đòi. Có những khoản Chính phủ vay để cho vay lại, nhưng có thể cho vay lỗ với lãi suất thấp hơn lãi suất vay.
Điểm tích cực nhất của nợ công nhìn từ nghị trường năm nay, là lần đầu tiên Chính phủ công khai chuyện vay đảo nợ, lần đầu tiên tỉ lệ trả nợ được công khai trong một phiên truyền hình trực tiếp tới dân chúng với tỉ lệ trả nợ trực tiếp, tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại là khoảng 26,2%.
Người dân cần hiểu một cách đơn giản. Chẳng hạn vay là vay. Vay là bội chi. Chứ không thể đắp điếm xảo ngữ bằng những từ ngữ như… huy động. Bởi hơn ai hết, chính người dân phải là người được biết chính xác nhất, cặn kẽ nhất, trung thực nhất những khoản nợ này. Cũng chỉ bởi một lẽ đơn giản, dù là nợ công, nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp, nợ quốc gia hay nợ gì thì người trả nợ quay đi nhìn lại cũng chỉ là người dân, hoặc con họ, hoặc cháu họ… mà thôi.
(Theo Lao động) ĐÀO TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét