Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

“È cổ” nợ công
Cập nhật lúc 15:02

 Đó cũng là ý mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại một cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. Và trong hai ngày đầu của phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, có không ít đại biểu đã bày tỏ những quan ngại về nợ công của nước ta. Nợ công đã không còn là nỗi ám ảnh mơ hồ nữa. Bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của nước ta được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp cũng nêu rõ những số liệu về việc gia tăng con số nợ công và những áp lực từ nợ công đang ngày một lớn. 
 
Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 ở mức khoảng 14,2% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%), nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì đã vượt lên tới 26,2%.

Cũng trong bản báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội về nợ công do ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban này trình bày đã nêu rõ: Dù Báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2015 nợ công của Việt Nam ước đạt 64,5% GDP, ở dưới mức trần nợ công mà Quốc hội cho phép là 65%, nhưng như thế là tỷ lệ nợ công đã chạm trần. Điều này phản ánh tình hình nợ công đang ở mức rất khó khăn vì nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, vẫn phải đi vay để đảo nợ và con số đảo nợ ngày càng tăng. ”Một số khoản nợ chưa được phản ánh đầy đủ vào nợ công và như vậy áp lực trả nợ đè lên ngân sách nhà nước là rất lớn” – ông Hiển chỉ rõ. 

Trong những năm qua, đã có không ít lần các cơ quan hữu trách cũng như các chuyên gia từng đưa ra những cảnh báo về tốc độ ”phình to” của nợ công. Tuy nhiên trong các báo cáo, cũng như bản tin nợ công do Bộ Tài chính phát hành đều khẳng định nợ công đang ở ngưỡng an toàn. Cụ thể, tại các kỳ họp Quốc hội thời gian qua, so với GDP thì tỷ lệ nợ công thay đổi không nhiều:  51,7% (năm 2010); 50,1% (năm 2011); 50, 8 % (năm 2012) và 54,1 % (ước tính năm 2013) đều nằm ở ngưỡng dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.

Đồng hồ nợ công thế giới đã chỉ rằng số nợ của VN sắp cán ngưỡng 90 tỉ USD, tức mỗi người VN gánh khoảng 1.000 USD nợ công. Đây là con số đáng suy ngẫm bởi thu nhập bình quân đầu người của VN chưa đến 2.000 USD/năm.

Nhưng đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa 13 này thì số liệu nợ công đã tăng nhanh đến mức không khỏi ... toát mồ hôi: đã ngót nghét chạm trần – trên 64%! Đó là chưa tính toán theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Riêng khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa được tính vào nợ công. Bởi khi DNNN nợ không trả được thì Nhà nước phải chi ngân sách ra để trả, tức là người dân phải đóng thuế phí để trả hộ. Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tính đầy đủ cả khoản vay khoản nợ  của DNNN vào tổng nợ công, thì chắc chắn nợ công của Việt Nam sẽ vượt xa con số 64% đến mấy chục phần trăm (thậm chí tính chi li, có thể gần gấp đôi!). Chỉ riêng 127 tập đoàn công ty mẹ – con có tổng số nợ phải trả là 1,35 triệu tỷ đồng, tương đương 62 – 63 tỉ USD, xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam. TS. Trịnh Tiến Dũng, nguyên Trợ lý Giám đốc Quốc gia - Trưởng ban Cải cách khu vực công UNDP Việt Nam cho rằng, nếu tính đủ cả nợ của doanh nghiệp nhà nước thì mức nợ công hiện nay đã vượt quá trần nguy hiểm rất nhiều.

Song, nguy cơ thực sự của nợ công Việt Nam không nằm ở các con số, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. TS Thiên đã chỉ ra 3 điểm được coi là nguy cơ thực sự của nợ công.Thứ nhất là tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ chứ không phải vay để bán đi sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ; vay để trực tiếp trả nợ luôn. Thứ hai là cơ cấu nợ. Cụ thể là nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn. Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn rất ngắn, kỳ hạn ngắn thì áp lực trả nợ tăng nhanh. Tổng số nợ của Việt Nam không quá lớn nhưng tỷ trọng nợ ngắn hạn quá cao nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao. Thứ ba là năng lực trả nợ. Những con số liên quan theo ông Thiên là đã thực sự đáng báo động, khi nghĩa vụ trả nợ năm 2014 đã vượt qua vạch đỏ (25% tổng thu ngân sách). "Sang năm con số này chắc lên 30% hoặc hơn, đây thực sự là một nguy cơ báo động mà chúng ta không thể coi thường” - ông Thiên cảnh báo. Còn TS Vũ Đình Ánh trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ ngày hôm qua (21-10) cũng đã thẳng thắn nói: Cái lo ngại thực sự thì rất rõ, nhãn tiền, đó là sức ép lên thu chi ngân sách, gây sức ép lên bội chi, tăng bội chi tức là tăng vay nợ. Và đặc biệt là sức ép cho tương lai.

Con cháu chúng ta sẽ "oằn lưng” gánh những khoản nợ hôm nay. Đó không phải là lo ngại mơ hồ nữa. Và vì thế, cái quan trọng lúc này, chính là khả năng trả nợ của nền kinh tế. Nếu vay trong thời hạn 30 năm nhưng nền kinh tế tăng trưởng gấp 5, 10 thậm chí 20 lần thì nợ để lại cho con cháu không đáng ngại. Hiện trạng nền kinh tế đang bấp bênh, nếu không muốn nhìn nhận thẳng là khó khăn. Cải cách khối DNNN vẫn chưa có kết quả, doanh nghiệp không có lợi nhuận. Nền kinh tế chậm tăng trưởng thì mối lo nợ công không phải là chuyện của mai kia, mà là mối nguy hiện tại. Chưa kể, việc quản lý nợ công hiện nay còn quá lỏng lẻo khi chỉ cần nhìn từ việc đội vốn nhiều công trình trọng điểm thời gian qua. 
(Theo Đại đoàn kết)  Thanh Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét