Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Cần phải khảo sát quần đảo Trường Sa ngay trước khi quá muộn!

Cập nhật lúc 14:00

PetroTimes - Cho đến giờ phút này, Trung Quốc vẫn chưa công khai xác nhận về kế hoạch lấn biển, cải tạo trái phép của mình ở Trường Sa nhưng điều đó không có nghĩa là không ai hay biết gì về sự biến đổi bất thường từ nhỏ thành to, từ rạn san hô, bãi ngầm thành đảo, thậm chí thành đảo lớn nhất trong quần đảo tồn tại nhiều tuyên bố chủ quyền này. Mục đích của hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, thay đổi hiện trạng, thay đổi sự thật ở Trường Sa từ phía Bắc Kinh là gì và các bên liên quan cần phải ứng xử ra sao?  
Tham vọng bất biến
Ngay từ giữa tháng 5/2014, nhiều ngư dân Philippines đánh bắt cá trong vùng đã báo động về việc Trung Quốc vận chuyển cát, gỗ, xi măng và thép đến bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) giống như là để xây nhà trên đảo.
Tháng 9/2014, trên một chiếc tàu cá Philippines, phóng viên BBC Wingfield-Hayes đã đi khảo sát tại 2 bãi cạn mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo trái phép thành đảo ở Trường Sa và kể lại sự thật mà ông đã tận mắt chứng kiến cho cả thế giới qua bài báo chấn động “Công trường xây dựng đảo của Trung Quốc”.
Và chỉ mới tuần trước thôi, Lý Tường Trụ - quan chức tình báo hàng đầu của Đài Loan đã công khai thông báo Bắc Kinh đã thực hiện 7 dự án lấn biển (trái phép) ở phía nam Biển Đông, 5 trong số 7 dự án này đã được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê duyệt.
Việc mở rộng, cải tạo bãi Đá Chữ Thập đã tiến hành nhanh hơn so với dự kiến và theo giới học giả Trung Quốc, có khả năng thực thể này đã phát triển vượt đảo Ba Bình - có diện tích 0,5km2, là đảo lớn nhất và duy nhất có nước ngọt ở quần đảo Trường Sa. Nếu Trung Quốc còn duy trì đà cải tạo trái phép như thế này, dù chưa ai rõ bãi đá này cuối cùng sẽ có diện tích bao nhiêu nhưng việc Bắc Kinh sẽ biến đây thành nơi hỗ trợ các hoạt động dân sự và quân sự, trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện của mình tại Biển Đông là điều mà ai cũng có thể mường tượng được.

 Cần phải khảo sát quần đảo Trường Sa ngay trước khi quá muộn!
Công sự kiên cố của Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập

Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, hiện vẫn chưa có bằng chứng mạnh mẽ chứng tỏ Trung Quốc đang lên kế hoạch biến Đá Chữ Thập thành một căn cứ hải quân. Tuy nhiên, hòn đảo nhân tạo này có thể bị biến thành một tiền đồn cung cấp vật tư và nơi trú ẩn cho những người tham gia vào hoạt động thương mại ở Biển Đông, do đó, củng cố sự hiện diện dân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu soi vào một bức tranh tổng thể các hoạt động trái phép gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ thấy mục đích của Bắc Kinh còn sâu xa, thâm độc hơn thế nhiều. Đầu tháng 10/2014, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngang nhiên rêu rao nước này đã hoàn thành xây dựng đường băng quân sự ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974).
Trước đó, ngày 11/9, Tân Hoa xã cũng đăng bài “Trung Quốc xây dựng mở rộng Đá Gạc Ma nhằm thay đổi thế yếu của quân đội Trung Quốc - máy bay tiêm kích J-11 có thể đến Trường Sa tác chiến” - lý giải khi mở rộng bãi Đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm chiếm từ năm 1988), Trung Quốc muốn thay đổi cục diện “thế yếu” của không quân nước này. Các chuyên gia quân sự cảnh báo rằng, nếu ở bãi Đá Chữ Thập, Bắc Kinh có thêm một đường băng quân sự nữa thì với cụm Phú Lâm - Gạc Ma - Chữ Thập, Trung Quốc có thể triển khai các loại máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 mà không cần phải tiếp dầu ở trên không, giúp Bắc Kinh khống chế khu vực phòng thủ của mình và tạo nên mối đe dọa cho hệ thống phòng thủ của các bên khác cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Đồng thời, không loại trừ việc Bắc Kinh sẽ nhanh chóng đơn phương thiết lập vùng nhận diện hàng không (ADIZ) như những gì họ đã làm ở biển Hoa Đông hồi tháng 12/2013, siết chặt khả năng kiểm soát trái phép Biển Đông, hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý và phi pháp, độc chiếm Biển Đông.
Cần phải làm gì?
Tôn chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông của Việt Nam, Philippines luôn luôn là giải quyết bằng biện pháp hòa bình, do đó, khả năng sử dụng vũ lực để ngăn chặn hành động nguy hiểm trên của Trung Quốc tại Trường Sa là khó xảy ra.
Kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế thì Philippines đã làm. Manila đã đâm đơn kiện Trung Quốc ở Tòa án trọng tài quốc tế thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, trong hồ sơ kiện của mình, Manila đã yêu cầu làm sáng tỏ việc Trung Quốc (hay bất kỳ bên nào) tuyên bố chủ quyền với các bãi chìm, cũng như các bãi nửa nổi nửa chìm có phù hợp với UNCLOS 1982 hay không. Trong khi đó, chiếu theo UNCLOS 1982, mặc dù việc cải tạo không thể thay đổi tình trạng của một bãi đá, rạn san hô, mà chỉ có thể tạo ra một “hòn đảo nhân tạo”, không mang lại các quyền lợi về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa cho bên nào, nhưng nếu việc cải tạo khiến cho không tòa án nào (cả ở hiện tại và tương lai) xác định được tình trạng ban đầu của các thực thể này, thì rõ ràng Trung Quốc chắc chắn có thể làm cản trở quá trình hợp pháp.
Do đó, ngay từ bây giờ, Việt Nam, Philippines cần phải tiến hành khảo sát chính xác các bãi chìm, đảo, đá ở Trường Sa trước khi quá muộn!
(Theo Petrotimes) Linh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét