Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Việt Nam thích làm theo kiểu "càng nhiều dự án càng tốt"?
Cập nhật lúc 07:57

(Chính trị - Xã hội) - Có nhiều cách để giải quyết vấn đề với lợi ích cao và chi phí rẻ nhưng chúng ta luôn lựa chọn những dự án tốn kém, phụ thuộc vào nước ngoài
MOVIMAR - điển hình của sai lầm
Sáng ngày 12/6/2014, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quang Thạch, nguyên giám đốc của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) về những vấn đề xung quanh thiết bị vệ tinh MOVIMAR của Pháp gây tốn kém cho ngân sách và không khả dụng với ngư dân.
Ông Dương Quang Thạch đã chỉ ra những ưu điểm và yếu điểm của thiết bị định vị vệ tinh này, theo đó, tác dụng thì ít, bất cập thì nhiều.
Cụ thể, tác dụng duy nhất của thiết bị vệ tinh này là định vị được con tàu mang thiết bị đang ở tọa độ nào trên biển một cách khá chính xác.
Tuy nhiên, thiết bị này lại có nhiều bất cập. Một là thiết bị chỉ phù hợp với những con tàu viễn dương như tàu buôn, tàu hàng. Với tàu cá của Việt Nam, trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ta hoàn toàn có thể sử dụng được những phương pháp khác tiện lợi hơn, ít tốn kém hơn rất nhiều lần
 Lắp đặt thiết bị vệ tinh MOVIMAR cho tàu cá ngư dân (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Lắp đặt thiết bị vệ tinh MOVIMAR cho tàu cá ngư dân (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Hai là, thiết bị này không gần gũi với ngư dân Việt Nam. Theo phân tích của ông Thạch, thực tế là ngư dân Việt Nam có nhiều người còn không biết chữ, việc nhấc bộ đàm lên gọi điện đã là một sự cố gắng, trang bị cho ngư dân những thiết bị máy móc rối rắm, phức tạp, toàn chữ nước ngoài khiến họ khó có thể làm quen và bắt nhịp được. Trong khi, ngư dân hoàn toàn có thể thay thế bằng nhiều phương pháp khác tối ưu hơn có sẵn trên tàu của họ.
Ba là, chi phí cho một bộ thiết bị là khá đắt khi có đơn giá gần 100 triệu đồng, dù được nhà nước tài trợ cho ngư dân 3.000 chiếc theo hợp đồng vay vốn ODA của chính phủ Pháp. Tuy nhiên, vì giá thành quá đắt nên để nhân rộng thiết bị này ra cho tất cả tàu cá của Việt Nam với  mục đích quản lý đội tàu là không thể.
Chưa kể, ngoài tổng giá trị của gói vay khoảng 40 triệu USD, hàng năm Việt Nam phải trả cho Pháp một số tiền lớn phí vệ tinh vì ta đang sử dụng thông tin vệ tinh của họ.
Thứ tư, điều không hay tại thiết bị này là đội tàu của Việt Nam nhưng phải phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ của nước ngoài. Nói cách khác là nước ngoài, và cụ thể là Pháp đang cùng kiểm soát đội tàu của Việt Nam.
Nhận định về thiết bị vệ tinh MOVIMAR này, chuyên gia hàng hải, kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, thành viên của hội Khoa học Biển TP HCM nói: "Đây là biểu tượng của sự không hiểu ngư dân, xa rời thực tế, gây thất thoát lãng phí rất lớn cho nhà nước và tăng gánh nợ công."
 Hướng dẫn ngư dân sử dụng thiết bị MOVIMAR
Hướng dẫn ngư dân sử dụng thiết bị MOVIMAR
Cách làm "thích dự án triệu USD"
Tiếp tục nhận định về dự án trang bị thiết bị vệ tinh MOVIMAR này, ông Dương Quang Thạch cho biết:
"Thời kỳ những năm cuối cùng làm giám đốc VISHIPEL, tôi cùng một số nhà khoa học biển đã làm một đề tài nghiên cứu khoa học gửi lên Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Theo đó, tôi có thể đảm bảo các yêu cầu như thoại (liên lạc tàu - bờ, tàu - tàu), định vị tọa độ, thông báo tin tức, thời tiết với giá thành rất rẻ và dễ sử dụng cho ngư dân.
Cụ thể, bằng một modem tích hợp với máy Icom của tàu cá (thiết bị mà tàu cá nào cũng có - PV) và với một vài thao tác cài đặt, người ngư dân hoàn toàn có thể có được những tiện ích kể trên, mà giấc mơ quản lý đội tàu cũng được thực hiện dễ dàng. Giá thành của modem đó chỉ khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đề tài khoa học này không được quan tâm.
Sau đó các vị bên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mang về những thiết bị vệ tinh này, với giá thành cao ngất ngưởng. Và sau một hai năm sử dụng thì nó trở nên xa rời thực tế, phản tác dụng".
"Dường như cách làm của Việt Nam là chỉ thích dự án, càng nhiều dự án giá trị cao càng tốt" - ông Dương Quang Thạch thẳng thắn đặt câu hỏi.
(Theo Đất Việt) Đỗ Tú
Cần nói thẳng thực tế đáng buồn tại VN ta là nhiều cơ quan quản lý kinh tế chỉ thích có dự án để “làm ăn” chứ chẳng quan tâm đến nó có hiệu quả hay không. Đó cũng là dấu hiệu của căn bệnh tham nhũng mà dân thường cũng biết được nhưng xem ra lãnh đạo thì chẳng thể nhìn ra.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét