Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Nói không với yêu sách

Cập nhật lúc 16:20

Gọi là "yêu sách" bởi tất cả những đề xuất của nhà đầu tư Formosa về thành lập Đặc khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đều vượt khung pháp luật hiện hành, thậm chí có những đề xuất đi ngược với nguyên tắc thị trường cũng như mục tiêu hội nhập của VN.

Đề xuất này đã bị Bộ KH-ĐT bác bỏ và đó là điều tất yếu bởi nếu được chấp thuận, nó sẽ tạo vị thế "bất khả xâm phạm" cho nhà đầu tư này về mọi mặt. 
Trước khi nói về những yêu sách đòi tăng thêm ưu đãi trong đề xuất của Formosa, cần phải nhắc lại rằng, khi đầu tư vào VN, Formosa đã nhận được những ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, ưu đãi về đất đai... Thế nhưng những điều đó vẫn chưa khiến nhà đầu tư này hài lòng. Họ muốn có những ưu đãi vượt khung cho riêng mình như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn; vay vốn ngân hàng trong nước với mức trợ cấp tín dụng gấp 4 lần vốn tự có của ngân hàng; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu suốt thời gian dự án...
Đặt trường hợp những "yêu sách" này được thông qua, các DN sản xuất gang thép trong nước liệu có thể cạnh tranh nổi với Formosa? Chắc chắn là không. Formosa dễ dàng ép chết DN nội. Đáng lo hơn là cùng với đề xuất đưa nhân viên kỹ thuật nước ngoài vào làm việc trong đặc khu, "cắt đất" bán cho họ ở, nhà đầu tư này đồng thời tính cách "vô hiệu hóa" việc quản lý của tỉnh Hà Tĩnh bằng đề xuất thành lập ban quản lý trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Có thể hình dung khi đó, một đặc khu kinh tế lớn với hàng ngàn người nước ngoài làm việc, sống, sinh con đẻ cái tại Hà Tĩnh nhưng địa phương này có muốn "vào thăm" cũng khó khăn. Vậy làm thế nào để quản lý một vị trí quan trọng của đất nước và dự án có yếu tố nước ngoài?
Tuy nhiên, từ những yêu sách của Formosa, đã đến lúc phải có tuyên bố dứt khoát về việc nói "không" với những đòi hỏi tăng thêm ưu đãi của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Vì nếu chúng ta chấp thuận trường hợp này, sẽ khó từ chối đòi hỏi của nhà đầu tư khác. Cứ như vậy sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thiếu công bằng, thiếu nhất quán trong chính sách mà sự thua thiệt lớn nhất lại là với "người nhà".
Trên thực tế, việc chạy đua ưu đãi để thu hút vốn FDI đang khiến các DN trong nước bị chèn lấn. Trong bối cảnh "sức khỏe" của DN trong nước đang kiệt quệ nghiêm trọng, cộng thêm sự thua thiệt trong cạnh tranh có thể khiến họ bị loại khỏi sân chơi chung.
Sân chơi chung không nên có những quy định riêng. Đó chính là nguyên tắc của thị trường kinh doanh theo chuẩn mực chung của thế giới. Vì vậy, nên dứt khoát nói không với yêu sách của Formosa.
(Theo Thanh niên) Nguyên Hằng
Thiết nghĩ không phải bỗng dưng mà Ông Formosa này lại “đòi tiên” như vậy. Các cụ thường nói chiều quá hóa hư luôn đúng. Đã đến lúc cần xem xét lại chính sách ưu đãi với DN nước ngoài bởi họ mang đến ít (ngoại trừ ô nhiễm) nhưng lại được hưởng quá nhiều và hầu hết “thua lỗ”.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét