Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Ukraine-EU ký hiệp ước, Nga đáp trả
Cập nhật lúc 16:10

Ukraine và Liên minh châu Âu đã ký kết Hiệp ước Liên kết. Với Hiệp ước này, Ukraine ngày càng tiến sát EU, sẵn sàng cho một sự gia nhập
Trước sự chứng kiến của các lãnh đạo cấp cao EU như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Thủ tướng Đức Angela Merkel...Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 27/6 đã ký kết phần trọng tâm của Hiệp ước Liên kết tại trụ sở của EU ở Brussels (Bỉ) với các điều khoản xóa bỏ hàng rào thuế quan để thiết lập vùng tự do thương mại.
Theo Tổng thống Poroshenko, đây là “ngày quan trọng nhất” đối với Ukraine kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1991. Ngoài nước này còn 2 quốc gia Đông Âu khác là MoldovaGeorgia cũng ký Hiệp ước Liên kết với EU trong ngày 27.6. Giới quan sát nhận định văn kiện mới sẽ đưa Kiev tiến một bước quan trọng về phía EU mà không cần gia nhập liên minh này.
 Từ trái sang: Ông Barroso, Poroshenko và Van Rompuy tại Brussels ngày 27.6 - Ảnh: Reuters
Từ trái sang: Ông Barroso, Poroshenko và Van Rompuy tại Brussels ngày 27.6 - Ảnh: Reuters
Hiệp ước Liên kết được Ukraine và EU đàm phán từ năm 2007 - 2012 để thay thế Hiệp ước Đối tác và Hợp tác có từ năm 1998, theo tờ Le Monde. Ngoài phần trọng tâm về tự do thương mại, hiệp ước còn tăng cường hợp tác giữa Kiev với Brussels ở nhiều lĩnh vực: ngoại giao, năng lượng, hạt nhân, tư pháp...
Từ cơ sở này, hai bên có thể xem xét đàm phán để nới lỏng các quy định của thị thực nhập cảnh. Hồi cuối năm ngoái, do áp lực từ Nga, Tổng thống Ukraine khi ấy là Viktor Yanukovych đã không ký kết Hiệp ước Liên kết với EU như dự kiến.
Đây là nguyên nhân mở đầu cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở nước này khiến ông Yanukovych bị quốc hội phế truất vào tháng 2, kéo theo bất ổn cho đến nay.
Ngay trong ngày 27/6, AFP dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định Hiệp ước Liên kết Ukraine - EU “áp đặt người dân phải chọn giữa châu Âu với Nga” và “chia cắt sâu sắc xã hội Ukraine”. Ukraine hiện đang tham gia thỏa thuận tự do thương mại với Nga và một số nước khác thuộc Liên Xô trước đây.
Do đó, Moscow rất lo ngại hàng hóa của EU nhờ Hiệp ước Liên kết sẽ dễ dàng xâm nhập thị trường Nga qua đường Ukraine. Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định sẽ đưa ra biện pháp cần thiết để bảo vệ nền kinh tế ngay khi “có dấu hiệu xấu”.
 Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp cho Ukraine khí đốt và cảnh báo châu Âu về nguy cơ bị ăn cắp từ Ukraine
Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp cho Ukraine khí đốt và cảnh báo châu Âu về nguy cơ bị ăn cắp từ Ukraine
Động thái đầu tiên mà Nga đáp trả quyết định này của Ukraine, ngày 27/6, giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga, ông Alexei Miller cho biết Gazprom đã bắt đầu bơm khí đốt vào các kho dự trữ ở châu Âu trong bối cảnh Ukraine đã bị Nga cắt cung cấp khí đốt.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Miller nói: "Tôi nghĩ chúng tôi có thể bơm hơn 5 tỷ m3 khí đốt" đồng thời cho biết thêm Gazprom đã có sẵn hơn 2,6 tỷ m3 khí đốt trong các kho dự trữ ở châu Âu.
Nga đã cảnh báo EU về việc mùa thu tới, Ukraine sẽ hết năng lượng và họ sẵn sàng rút trộm khí đốt trong các đường ống dẫn cho châu Âu để sử dụng riêng. Đồng thời, Moscow cũng khẳng định bất kỳ công ty hay chính phủ châu Âu nào bán lại khí đốt cho "người bạn" Ukraine cũng sẽ bị Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Hiện tại, Liên minh châu Âu mua khoảng 1/3 lượng khí đốt cần thiết của Nga, và 80% trong số đó đi qua tuyến đường ống trong lãnh thổ Ukraine. Moscow đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine trong tháng này sau khi Kiev không thanh toán tiền nợ khí đốt cho Nga.
Đỗ Phong (nguồn ĐVO, TNO, VN+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét