Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

 Đông Anh, Hà Nội:

Cụ già 91 tuổi bị tước đoạt tài sản một cách tinh vi

 Cập nhật lúc 07:45

Nguồn gốc đất của gia đình cụ Nhỡ
Cụ Đào Thị Nhỡ, sinh năm 1923, quê ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Năm 1948, cụ xây dựng gia đình, làm vợ lẽ cụ Hạ Đình Trung, thời gian đầu, cụ Nhỡ vẫn ở xã Nam Hồng. Năm 1958, cụ cùng các con về sống với gia đình cụ Trung ở thôn Ấp Hạ, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội). Mặc dù quan hệ giữa mẹ con cụ Nhỡ với gia đình cụ Trung vẫn là tình cảm trong gia đình, nhưng về kinh tế thì hoàn toàn độc lập. Cụ Nhỡ có nhà ở riêng, hộ khẩu riêng, quyền lợi kinh tế riêng. Năm 1973, cụ Hà Đình Trung qua đời, nhưng cụ Nhỡ và các con đều không thừa hưởng tài sản.
Năm 1975, cụ Nhỡ và cụ Mậu (vợ cả của cụ Trung) đều neo đơn, nên cụ Nhỡ chuyển đổi đất ở cũ để sang đất ở mới là sân nền lò gạch cũ đã được Ban Quản lí HTX cho phép. Cụ Nhỡ xây dựng một căn nhà ngói cấp 4 có 3 gian, có sân gạch và hai gian công trình phụ trên thửa 475m2 đất thửa 79, Bản đồ 13 và 340m2  thửa số 232, Bản đồ số 13 mang tên Đào Thị Nhỡ, không có tranh chấp.
Từ năm 1977 đến năm 1985, các con cụ Nhỡ vào miền Nam công tác. Cụ Nhỡ hết tuổi lao động, đau yếu nên theo các con. Khi đi, cụ Nhỡ làm giấy xin phép UBND xã Mê Linh để lại hộ khẩu, gửi nhà đất cho cụ Mậu coi giữ, canh tác, thu hoa lợi. Cụ Mậu đại diện cụ Nhỡ đóng góp giỗ tết bên nội, ngoại. Hằng năm, cụ Nhỡ vẫn về thăm, tham gia đóng góp Quỹ Hội NCT ở địa phương. Cụ Nhỡ chưa để lại tài sản cho hàng thừa kế, chưa chuyển quyền sử dụng đất cho ai. Đất của cụ cũng chưa có quyết định thu hồi của cấp có thẩm quyền.
Năm 1998 cụ Mậu qua đời. Năm 2002 cụ Nhỡ về, thấy việc giỗ, tết không có ai đóng góp, hỏi ra mới biết là ông Hà Đình Bộ (con đẻ của cụ Trung và cụ Mậu) đứng tên quyền sử dụng 815m2 đất mà nguồn gốc là của cụ Nhỡ (gồm 200m2 đất xây dựng, 275m2 đất vườn và 340m2 đất 5%). Cụ Nhỡ yêu cầu ông Hà Đình Bộ trả đất thì ông Bộ không trả với lí do là đất đã được cấp “sổ đỏ” mang tên ông?
Chính quyền tiếp tay cho kẻ chiếm đất
Cụ Nhỡ yêu cầu UBND xã Mê Linh giải quyết đòi lại nhà, đất. Báo cáo số 21/BC-UBND ngày 28/10/2005 của UBND xã Mê Linh kết luận hoàn toàn mâu thuẫn, trái với quy định pháp luật về quản lí đất đai. Cụ Nhỡ yêu cầu Tòa án Dân sự huyện Mê Linh giải quyết. Bản án số 22/2007/DSST phán quyết: Ghi nhận sự tự nguyện của ông Hà Đình Bộ trả lại cho cụ Nhỡ 7 thước rau xanh = 168m2; xử: Bác yêu cầu đòi lại tài sản của cụ Nhỡ đối với ông Bộ”. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Xét xử phúc thẩm Bản án số 81/2007/DSPT ngày 27/8/2007 với quyết định “giữ nguyên bản sơ thẩm”.
Bức xúc trước hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã dựa vào các nhận định chủ quan, các văn bản, quyết định cấp đất ở trái pháp luật để ra quyết định bản án. Cụ Nhỡ có đơn kháng cáo với TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao đề nghị xem xét, kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 8/1/2008, TAND Tối cao có Văn bản số 19/TANDTC-DS trả lời đơn khiếu nại của cụ Nhỡ, hệ thống lại các nội dung bản án phúc thẩm và đưa thêm một số tình tiết do UBND xã Mê Linh báo cáo sai sự thật: “Năm 2003 cụ Nhỡ xin nhập lại hộ khẩu ở địa phương” để cho rằng: “Cụ Nhỡ không quản lí và sử dụng đất và không có cơ sở chấp nhận các yêu cầu” nêu trong đơn khiếu nại.
Như vậy TAND Tối cao đã “nhầm” một tình tiết rất quan trọng không có thật do UBND xã nêu ra tại cuộc họp hòa giải và báo cáo với TAND huyện Mê Linh. Cụ Nhỡ tiếp tục khiếu nại, kêu oan vì những tài liệu trong hồ sơ vụ án chứng minh có nhiều tình tiết cố ý làm trái, quan liêu và thiếu trách nhiệm của một số người có thẩm quyền.
Năm 2003, cụ Nhỡ đề nghị Công an xã cung cấp sổ hộ khẩu (bản gốc) để chứng minh nguồn gốc nhà, đất của cụ, nhưng xã chỉ giao cho cụ cuốn “sổ mới” dưới hình thức “tách hộ”. Nhân việc đó, xã còn vu khống là cụ Nhỡ “mới xin nhập lại hộ khẩu” để làm nhiễu sự việc trong quá trình giải quyết. Nay TAND Tối cao nhắc lại điều đó như một “chứng cứ” thì việc nhập hộ khẩu của cụ Nhỡ phải là một tình tiết quan trọng!
Sự thật trong thời gian cụ Nhỡ đi vắng ở địa phương, ông Hà Đình Bộ (bị đơn) đã tự ý nhập khẩu vào hộ của cụ Nhỡ, xóa tên cụ Nhỡ (chủ hộ) để kê khai, đứng tên chủ đất mới, tách hộ khẩu (năm 2001) nhằm chiếm đoạt toàn bộ tài sản nhà, đất của cụ Nhỡ. Sự thật này được bao che trong suốt quá trình giải quyết vụ án, nên cụ Nhỡ không thể biết vì không có thông tin nào về việc ông Bộ tự nhập khẩu vào hộ cụ Nhỡ, Tòa án cũng không xét hỏi, không ghi vào bản án tình tiết đó!
Rõ ràng lãnh đạo UBND xã Mê Linh đã lạm dụng quy định về hộ khẩu để hỗ trợ, tiếp tay cho ông Bộ chiếm đoạt đất ở và đất 5% của cụ Nhỡ, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện cấp đất ở và đất 5% cho ông Hà Đình Bộ trái quy định của Luật Đất đai. Đồng thời trắng trợn vu khống cho cụ Nhỡ về việc “Xin nhập lại hộ khẩu mới” để đánh lừa dư luận và cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bà thẩm phán nhũng nhiễu và vi phạm pháp luật
Vụ án đòi lại tài sản của cụ Nhỡ, Thẩm phán TAND huyện Mê Linh Nguyễn Thị Kim Oanh, thụ lí hồ sơ thông đồng với lãnh đạo xã Mê Linh và bị đơn cố tình che giấu các tình tiết chia, tách xóa và nhập hộ khẩu mới trái luật. Sử dụng các tài liệu, chứng cứ sai sự thật trong “báo cáo” của UBND xã Mê Linh như những chứng cứ, căn cứ nhận xét Bản án. Khi xử án, thẩm phán không xét hỏi, không ghi vào Bản án tình tiết nhập, tách hộ khẩu của bị đơn. Thẩm phán cho rằng “có việc mua bán tài sản giữa cụ Nhỡ, cụ Mậu và ông Quyền, xuất phát từ việc cụ Nhỡ và cụ Mậu lấy chung một chồng, ông Bộ, ông Quyền là con của cụ Mậu nên việc mua bán không có giấy tờ”. Nhận xét như vậy là chủ quan và vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật!
Trong thực tế, cụ Nhỡ và cụ Mậu tuy có quan hệ gia đình, nhưng quan hệ kinh tế thì độc lập. Mối quan hệ “gia đình – kinh tế” đó được hai người quy ước và duy trì suốt 50 năm (tính đến khi cụ Mậu qua đời). Nay Thẩm phán lấy quyền Tòa để xác nhận việc mua bán nhà đất theo quan hệ gia đình là chủ quan, trái pháp luật, “bảo vệ” cho hành vi làm trái tước bỏ quyền định đoạt tài sản (nhà, đất) một trong các quyền cơ bản của công dân. Thẩm phán đã căn cứ vào những lời khai, những nhân chứng, chứng cứ không hợp pháp, không liên quan trực tiếp đến nguyên đơn (xác nhận mua bán nhà đất không có giấy tờ, không có khai báo) để hợp thức hóa việc làm trái pháp luật của bị đơn, phủ nhận vai trò, vị trí là chủ nhà, của cụ Nhỡ. Cụ Nhỡ có hộ khẩu thường trú tại địa phương, có nhà ở, đất ở nguồn gốc hợp pháp (cả thôn, xã đều biết). Đất ở và đất 5% của cụ Nhỡ không thuộc các trường hợp bị thu hồi theo Điều 26 Luật Đất đai năm 1993, bởi lẽ cụ Nhỡ còn sống và đất vẫn liên tục được sử dụng! Việc chính quyền lấy đất ở và đất 5% của cụ Nhỡ giao cho ông Bộ không đúng trình tự, thủ tục theo Điều 21 Luật Đất đai 1993: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”.
Khi căn cứ để ra quyết định bản án, mặc dù Thẩm phán biết rõ có các tình tiết: Ông Bộ tự nhập khẩu vào hộ cụ Nhỡ rồi kê khai đứng tên sử dụng đất của cụ Nhỡ, tách hộ khẩu để hợp thức toàn quyền sử dụng đất có nguồn gốc là của cụ Nhỡ; nhưng vẫn “bác yêu cầu đòi lại đất ở” của “chủ cũ” (chủ nhà) và công nhận quyền sử dụng đất ở cho “chủ mới” (là người ở nhờ) để ra Bản án là thật khôi hài: “Ghi nhận sự tự nguyện của ông Hà Đình Bộ trả lại cho cụ Đào Thị Nhỡ 7 thước rau xanh = l68m”. “Bác yêu cầu đòi lại tài sản của cụ Nhỡ”. Như vậy cụ Nhỡ đã bị ông Hà Đình Bộ, được Tòa án và chính quyền tiếp tay để cướp “trắng” toàn bộ tài sản và nơi cư trú hợp pháp. Một chi tiết đáng buồn theo đơn tố cáo của gia đình cụ Nhỡ là trong khi giải quyết vụ án, Thẩm phán Oanh còn ép buộc để lấy 700.000 đồng của gia đình cụ Nhỡ. Số tiền đó do ông Sơn ở khu phố 6, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh chuyển giúp.
Một cụ già hơn 90 tuổi mất gần 10 năm đi đòi lại tài sản (nhà, đất ở) có nguồn gốc hợp pháp tại quê hương để có chỗ ở, chỗ thờ cúng tổ tiên trong những năm tháng cuối đời mà không được giải quyết theo quy định của pháp luật.
(Theo Người cao tuổi) Lê Hữu Quế – Phạm Hồng Thanh
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét